VSA: Giá thép nhảy múa trên thị trường chỉ là giá ảo!
“Chỉ từ tối hôm qua đến chiều nay giá thép cuộn thị trường phía Nam có thông tin tăng thêm 2 triệu đồng, lên đến 14 triệu đồng/tấn. Đây là động thái đẩy giá của giới đầu cơ, găm hàng và giá này chắc chắn là giá ảo nên sẽ không tồn tại được lâu”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khẳng định khi trao đổi với TBKTSG Online chiều nay, 17-3.
* Dân lẫn doanh nghiệp chóng mặt khi thép 1 ngày 3 giá
Ông Sưa phân tích hiện nhu cầu thép của Việt Nam năm 2016 không thể tăng đột biến so với năm 2015 do năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đủ khả năng cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thép xây dựng đang dư thừa rất nhiều.
Năng lực sản xuất phôi cả nước đạt 11 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thép xây dựng cũng đạt trên 11 triệu tấn/năm, trong khi những năm gần đây các nhà máy trong nước chỉ huy động khoảng 50-60% năng lực.
Trước đó vào ngày 7-3, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%; quyết định có hiệu lực từ ngày 22-3 và được áp dụng trong thời gian 200 ngày.
Ông Sưa khẳng định việc áp thuế tự vệ tạm thời không phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép nhảy múa trên thị trường một vài ngày qua, mà là do các nhà kinh doanh muốn găm hàng, đầu cơ, đẩy giá trên thị trường để kiếm lời. Tuy nhiên, giới đầu cơ sẽ không thể găm hàng lâu.
“Với vai trò là hiệp hội thép, chúng tôi muốn khuyên người tiêu dùng hãy thông minh, phân tích được giá thép nhảy múa này tồn tại được bao lâu, đây là giá thật hay ảo để có quyết định thời điểm mua hàng hợp lý, nhất là chủ đầu tư các công trình xây dựng”, ông Sưa nói.
Theo phân tích của một chuyên gia lâu năm trong ngành thép, nếu xét về lợi ích toàn cục, việc áp thuế tự vệ đối với phôi thép sẽ giúp bảo vệ các nhà sản xuất phôi trong nước tồn tại, giúp ngành thép trong nước phát triển.
Nếu như không có biện pháp ngăn chặn thì trước mắt, có thể người tiêu dùng mua được thép giá rẻ, nhưng sau đó khi phôi, thép ngoại tràn ngập thị trường làm các nhà máy phôi Việt Nam “chết” hết, hệ lụy những năm sau đó chắc chắn sẽ rất khó lường bởi giá thép sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, mất cân bằng giữa năng lực sản xuất và tiêu thụ thực, và khi đó, giá thép nhập có tăng đến mấy người tiêu dùng cũng phải chịu.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, thời điểm giá thép không ổn định như hiện nay rất cần bàn tay can thiệp của các cơ quan chức năng về thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá trái quy định để bảo vệ người tiêu dùng.
Nhìn lại năm 2015, tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng cả nước đạt gần 7 triệu tấn với mức tăng 24,3% so với năm 2014. Tuy nhiên, năm 2015 trong khi các nhà sản xuất thép xây dựng tận dụng được nguồn phôi thép giá rẻ để giảm giá bán và giành thị phần, thì các nhà sản xuất phôi trong nước lại lao đao bởi lượng phôi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh.
Văn Nam
tbktsg
|