Những rủi ro First Myanmar Investment phải đối mặt khi niêm yết trên YSX
Sự phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh doanh của Chủ tịch Serge Pun và tính không hợp pháp tiềm ẩn của trung tâm giao dịch cổ phiếu hiện hành là hai trong số những rủi ro được nêu ra trong tài liệu công bố gần đây của First Myanmar Investment (FMI), trước khi công ty lên sàn vào cuối tháng 3 vừa qua.
FMI, tập đoàn do doanh nhân Serge Pun lãnh đạo và bắt đầu chào bán cổ phiếu vào ngày 25/03, là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hiện đại đầu tiên của Myanmar.
Theo ông U Maung Maung Thein, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Myanmar (SEC), sau FMI, công ty tiếp theo niêm yết cổ phiếu sẽ là Myanmar Thilawa SEZ Holdings, kế tiếp là Myanmar Citizens Bank và First Private Bank sẽ lên sàn trong vòng vài tháng tới.
Theo quy định, tất cả các công ty dự định niêm yết trên Sở GDCK Yangon (YSX) phải công khai các tài liệu công bố hoặc bản cáo bạch trước khi tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ông U Tun Tun, Trưởng phòng Tài chính FMI chia sẻ với thời báo Myanmar Times, tài liệu công bố là để áp dụng với các doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu mới trong quá trình IPO như FMI và bản cáo bạch là để áp dụng cho các doanh nghiệp có phát hành cổ phiếu mới.
Trong cả hai trường hợp, những nội dung trong tài liệu công bố hay bản cáo bạch về cơ bản bao gồm kết quả tài chính gần đây của công ty, chiến lược kinh doanh và cơ cấu sở hữu.
FMI là công ty đầu tiên công khai tài liệu công bố hoặc bản cáo bạch và là công ty đầu tiên thể hiện chi phí niêm yết trên YSX với tổng mức dự kiến là 1 tỷ kyat, trong đó 700 triệu kyat là phí tư vấn, 200 triệu kyat là phí niêm yết và 50 triệu kyat chi cho việc in ấn và quảng cáo.
Các tài liệu công bố về cơ bản cũng trình bày những rủi ro tiềm ẩn mà một công ty phải đối mặt. Việc công bố những rủi ro này là yếu tố cơ bản cho phép các cổ đông tương lai tiến hành đánh giá một công ty trước khi họ xem xét mua cổ phiếu.
Đối với FMI, như trình bày trong tài liệu công bố, rủi ro chủ yếu là sự phụ thuộc vào Chủ tịch điều hành FMI, doanh nhân Serge Pun.
Công ty cho biết, những năm qua ông Serge Pun đã xây dựng kinh nghiệm và các mối quan hệ rộng rãi với các quan chức Chính phủ và những thành viên quan trọng khác trong và ngoài nước. FMI đã nhận được những lợi ích từ các dự án bất động sản và các cơ hội kinh doanh khác do ông Serge Pun trực tiếp hay gián tiếp mang lại.
FMI cũng đã đầu tư vào các dự án bất động sản với Công ty Bất động sản Yoma Strategic Holdings, đơn vị do ông Pun điều hành và là cổ đông nắm quyền kiểm soát. FMI cho biết công ty mình không hề có thỏa thuận nào với ông Pun về việc “yêu cầu ông hỗ trợ bất cứ cơ hội đầu tư nào cho chúng tôi”, nhưng công ty nhận được các lợi ích từ các công ty khác thuộc Serge Pun & Associates Group (SPA Group) - tập đoàn do doanh nhân Serge Pun thành lập vào năm 1991.
FMI cho rằng: “Nếu để mất ông Pun thì tất cả hoặc một số lợi ích FMI có được có thể không còn nữa”.
Theo FMI, việc mất ông Pun là một rủi ro khá rõ. Một khía cạnh khác đó là khi ông Pun vẫn hiện diện ở công ty, với tư cách là cổ đông lớn nhất, thì ông có thể kiểm soát bất cứ vấn đề nào trình đến các cổ đông để phê duyệt.
Được biết, ông Pun nắm giữ trực tiếp và gián tiếp khoảng 70% cổ phần của FMI, điều này cũng đồng nghĩa rằng khả năng ảnh hưởng đến kết quả của bất kỳ đợt bỏ phiếu cổ đông nào của những người nắm giữ cổ phiếu khác sẽ rất hạn chế.
Tài liệu công bố của FMI cũng chỉ ra sự phân chia những cổ đông lớn nhất của công ty. Tính đến tháng 9/2015, công ty có 23,480,013 cổ phiếu đang lưu hành và tất cả sẽ được chuyển lên sàn giao dịch. Theo tài liệu công bố, 10 cổ đông lớn nhất của FMI nắm giữ 87.54% cổ phần.
Các nhà đầu tư tiềm năng thường nhìn vào số cổ phiếu tự do chuyển nhượng (floating stocks) của một công ty cụ thể. Đây là số lượng cổ phiếu có sẵn để giao dịch - tổng số cổ phiếu của công ty trừ đi số cổ phiếu do các cổ đông lớn, nhân viên và nội bộ công ty nắm giữ.
Ông U Tun Tun ước tính số cổ phiếu tự do chuyển nhượng của FMI khoảng 25-26%, trong đó đã loại trừ các cổ đông đang nắm giữ hơn 5% cổ phiếu của FMI, các bên liên quan đến những cổ đông này và thành viên hội đồng quản trị. Với ước tính này, việc xác định lượng “floating stock” của ông đã bao gồm một số cổ phiếu do những người được xếp vào danh sách 10 cổ đông lớn nhất nắm giữ, nhưng vẫn thấp hơn 5% tổng số cổ phần của FMI.
Tuy nhiên, trong tài liệu của mình, FMI đã lưu ý rằng không có sự hạn chế về khả năng phát hành cổ phiếu hoặc sự hạn chế bán cổ phiếu của các cổ đông lớn trong công ty. FMI cho rằng, bất cứ việc phát hành cổ phiếu nào trong thời gian tới đều có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến giá giao dịch.
Cho đến nay, các nhà đầu tư tại Myanmar chỉ có một phương thức duy nhất để mua cổ phiếu của FMI là giao dịch dưới hình thức cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) thông qua Trung tâm Giao dịch cổ phiếu FMI do công ty con của FMI, Yoma Thitsar vận hành từ năm 2006. Một rủi ro được đề cập ở đây chính là Yoma Thitsar có thể bị khởi tố do vi phạm Luật Giao dịch Chứng khoán Myanmar trong việc vận hành trung tâm giao dịch cổ phiếu.
Khoản 55(a) and 55(b) của Luật Giao dịch Chứng khoán Myanmar có hiệu lực từ tháng 7/2013 cấm hành vi kinh doanh chứng chỉ giao dịch chứng khoán trái phép hoặc thành lập thị trường OTC hay những hình thức kinh doanh tương tự.
Công ty cũng cho biết, thực tế Yoma Thitsar chưa được cấp phép thực hiện bất cứ hoạt động kinh doanh chứng khoán nào hay vận hành một thị trường OTC.
Tuy nhiên, bộ luật này đề cập đến một giai đoạn chuyển tiếp từ khi Luật Giao dịch Chứng khoán có hiệu lực đến khi hoạt động kinh doanh thị trường chứng chỉ giao dịch chứng khoán diễn ra.
FMI cho biết, theo quy định của bộ luật này, Chính phủ liên hiệp sẽ quy định cụ thể giai đoạn đó nhưng thực tế điều này đã không được thực hiện. Do đó, công ty đã quyết định không gây bất tiện cho các cổ đông và vẫn duy trì hoạt động của trung tâm.
FMI không cho rằng Yoma Thitsar vi phạm phát luật nhưng công ty lưu ý đến việc bị phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền hoặc áp dụng cả 2 biện pháp này đối với một cá nhân. Công ty cho rằng: “Nếu bất cứ một giám đốc điều hành nào của Yoma Thitsar phải ngồi tù thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến danh tiếng cũng như hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Tài liệu cũng đề cập đến những rủi ro không liên quan đến các hoạt động kinh doanh của FMI. Công ty cho biết các nhà đầu tư trên YSX có thể phải đối mặt với những cản trở như việc đóng cửa tạm thời do sự biến động mạnh của thị trường, thiếu môi giới, trì hoãn thanh toán và sự bỏ cuộc của các nhà môi giới.
Công ty cũng lưu ý đến sự hạn chế về việc tiếp cận thông tin và thống kê được công bố tại Myanmar. FMI cho rằng, trong môi trường này, các cổ đông sẽ khó đánh giá tình hình hoạt động của chúng tôi và điều này có thể dẫn đến việc định giá kém hiệu quả do thông tin thị trường không hoàn chỉnh./.
|