Nhiều băn khoăn với quy chế quản lý nhà chung cư
Từ ngày 2-4, Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư bắt đầu có hiệu lực. Và đã có một số băn khoăn trong những ngày đầu áp dụng thông tư này.
Theo quy định, khi căn hộ bị hư hỏng, làm ảnh hưởng đến người khác thì chủ căn hộ phải sửa chữa. Nếu không, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư sẽ được tạm ngừng hoặc yêu cầu đơn vị cung cấp ngừng cung cấp điện, nước hoặc đề nghị các cơ quan cung cấp điện, nước tạm cúp điện, nước căn hộ.
“Trên thực tế, thực hiện không dễ” - ông Nguyễn Đình Chung, Phó ban Quản trị (BQT) chung cư 584, quận Tân Phú, TP.HCM, nói. Theo ông Chung, việc tạm ngưng cung cấp nước sinh hoạt căn hộ khó khả thi vì công ty cấp nước chỉ cấp cho đồng hồ tổng của chung cư. “Tôi không rõ các nơi khác thế nào nhưng ở chung cư tôi quản lý, đồng hồ riêng được lắp trong từng căn hộ, do đó biện pháp cắt nước căn hộ sẽ rất khó thực hiện, còn nếu cắt nước từ đồng hồ tổng thì sẽ ảnh hưởng đến các hộ còn lại. Việc ngưng cung cấp điện càng khó thực hiện hơn, bởi đơn vị điện lực ký hợp đồng với từng chủ sở hữu căn hộ. Chủ hộ không nợ tiền điện thì điện lực không thể áp dụng việc cắt điện, bởi sẽ trái với hợp đồng mua bán điện giữa công ty điện lực và người mua điện” - ông Chung băn khoăn.
Điều đáng quan tâm khác của Thông tư 02/2016/TT-BXD là quy định việc chi kinh phí bảo trì chung cư phải được 100% thành viên BQT đồng ý. “Phần đông ở các chung cư, hiếm khi thực hiện việc nào mà tất cả thành viên BQT đều đồng ý nên thường họ sẽ làm theo số đông. Như vậy, trường hợp BQT không thống nhất với nhau thì giải quyết như thế nào và cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết? Việc bảo trì chung cư là một việc cấp bách, nếu chờ thống nhất toàn bộ, có khi sẽ thiệt hại nặng hơn” - một thành viên BQT chung cư tại quận Bình Thạnh thắc mắc.
Theo luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Quản lý Bất động sản Nhà Tôi, đã có không ít chung cư kéo dài việc khắc phục, sửa chữa do không có sự thống nhất ý kiến biểu quyết trong BQT. Chưa kể, nếu trong BQT còn có một thành viên đại diện cho chủ đầu tư và chỉ cần thành viên này không đồng ý thì các hoạt động sửa chữa, bảo trì của chung cư sẽ bị ngưng lại. Vì vậy, quy định này cần sửa đổi sớm để phù hợp với các quy định liên quan và thực tiễn áp dụng.
Được biết trước khi thông tư nói trên có hiệu lực, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức triển khai thực hiện văn bản này. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, cho biết trong quá trình thực hiện, nếu các quy định trên thật sự gây vướng mắc thì Sở sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ.
Nguyễn Hiền
pháp luật TPHCM
|