Hỗ trợ và Kháng cự trong Phân tích kỹ thuật: Hiểu đúng để tránh sai lầm!
Hiện tượng ngưỡng kháng cự trở thành ngưỡng hỗ trợ và ngược lại là rất phổ biến trên đồ thị giá. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư nên tìm kiếm trên đồ thị là các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự trong quá khứ.
Lý thuyết chung về Hỗ trợ và Kháng cự
Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật thì ngưỡng hỗ trợ là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ tăng cao hơn. Ngưỡng kháng cự là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ quay đầu giảm.
Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư lại thay đổi theo thời gian! Khi kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi, họ thường hành động một cách quyết đoán. Quan sát hình bên dưới, chúng ta thấy khi giá cổ phiếu SHA vượt ngưỡng kháng cự thì nhà đầu tư có hành động rất dứt khoát. Lưu ý thêm, khi giá cổ phiếu bứt phá lên trên ngưỡng kháng cự (vùng 7,700-8,300) thì khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể trong tháng 05/2015.
Một khi nhà đầu tư chấp nhận giao dịch cổ phiếu SHA trên mức 8,300 thì càng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua vào cổ phiếu này với mức cao hơn (từ đó khiến giá và khối lượng cùng tăng). Tương tự, những người từng bán ra quanh mức 8,300 cũng bắt đầu kỳ vọng giá tiếp tục tăng và không còn muốn bán ra.
Sự hình thành của các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự có lẽ là điểm đáng chú ý nhất và xuất hiện thường xuyên nhất trên đồ thị giá. Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự có thể bị phá vỡ do sự thay đổi của các yếu tố cơ bản so với kỳ vọng của nhà đầu tư (chẳng hạn như sự thay đổi về lợi nhuận, bộ máy quản lý, môi trường cạnh tranh,...) hoặc do chính nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng (nhà đầu tư mua khi thấy giá tăng). Nguyên nhân không quan trọng bằng kết quả: kỳ vọng mới dẫn đến mức giá mới.
Ngưỡng hỗ trợ/kháng cự có bản chất là cung cầu
Bản chất của ngưỡng hỗ trợ/kháng cự là một dạng đường cung cầu cơ bản. Trong Kinh tế học, đường cung/cầu thể hiện quan hệ cung cầu ở một mức giá nhất định.
Nền tảng của phần lớn các công cụ phân tích kỹ thuật cũng như việc định giá hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ đều bắt nguồn từ quan hệ cung cầu. Biểu đồ giá chứng khoán cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về cung/cầu trong thực tế.
Trong một thị trường tự do, đường cung/cầu liên tục thay đổi. Khi kỳ vọng nhà đầu tư thay đổi, mức giá mà bên mua và bên bán chấp nhận cũng thay đổi theo. Giá bứt phá (breakout) lên trên ngưỡng kháng cự là bằng chứng đường cầu sẽ dịch chuyển lên vì có nhiều người sẵn sàng mua với giá cao hơn. Tương tự, giá phá vỡ (breakout) xuống dưới ngưỡng hỗ trợ cho thấy đường cung sẽ dịch chuyển xuống.
Ngưỡng kháng cự trở thành Ngưỡng hỗ trợ
Hiện tượng ngưỡng kháng cự trở thành ngưỡng hỗ trợ (và ngược lại) là rất phổ biến. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư nên tìm kiếm trên đồ thị là các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự trong quá khứ.
CTG là minh họa điển hình cho sự thay đổi từ ngưỡng kháng cự thành ngưỡng hỗ trợ. Sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự ở vùng 15,500-16,500 thì vùng này trở thành ngưỡng hỗ trợ mới và phát huy hiệu quả trong giai đoạn tháng 04/2015-tháng 05/2015.
Tương tự, ngưỡng hỗ trợ khi bị xuyên thủng sẽ trở thành ngưỡng kháng cự mới và rất khó bị phá vỡ. Khi giá tiếp cận ngưỡng hỗ trợ trước đó (nay đã trở thành ngưỡng kháng cự), nhà đầu tư thường cố gắng hạn chế tổn thất bằng việc bán ra.
Kết luận
Việc hiểu đúng và đầy đủ về ngưỡng kháng cự/hỗ trợ sẽ giúp nhà đầu tư nắm vững và áp dựng hiệu quả hơn công cụ này trong hoạt động đầu tư của mình./.
|