FDI vào Myanmar cao kỷ lục
Một quan chức Chính phủ Myanmar cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2016 tăng lên gần 9 tỷ USD, sau khi một loạt dự án đầu tư được phê chuẩn vào phút cuối trước thời điểm chuyển giao quyền lực cho chính quyền bà Aung San Suu Kyi, Reuters đưa tin.
Theo ông San Myint, quan chức Cục Quản lý Doanh nghiệp và Đầu tư Myanmar (DICA), đây là con số kỷ lục về vốn FDI tại Myanmar, cao hơn gần 1 tỷ USD so với năm tài khóa trước nhờ dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất và viễn thông.
Số liệu trên phản ánh đà tăng trưởng đang diễn ra tại Myanmar, hay nói một cách thận trọng hơn, điều đó phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài dành cho một trong số những thị trường chưa khai thác cuối cùng ở châu Á này, và cũng là nơi đã đưa ra chính sách cắt giảm thuế hay các ưu đãi thuế xuất khẩu để khẩn trương tạo việc làm cho 51.5 triệu dân của mình.
Ông San Myint cho biết dòng vốn FDI tăng mạnh sau khi một cơ quan có chức năng phê duyệt các dự án ký duyệt một số dự án lớn trước khi chính quyền dân chủ của bà Suu Kyi lên nắm quyền từ tháng 4/2016, sau chiến thắng vang dội trong đợt bầu cử Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà diễn ra vào cuối năm ngoái.
Ông San Myint nói: “Một số dự án chờ duyệt trong một thời gian dài do thiếu các thông tin cần thiết đã được xúc tiến trước khi kết thúc năm tài khóa”.
Được biết, dòng vốn FDI vào Myanmar trong tài khóa 2013-2014 là 4.1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với tài khóa trước nhờ các công ty nước ngoài thắng các gói thầu khai thác dầu khí, và các chuỗi khách sạn quốc tế bắt đầu tiến dần vào Myanmar.
Vị quan chức DICA cũng cho biết Singapore là nước đứng đầu danh sách nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar, tiếp đến là Trung Quốc, Hồng Kông và Hà Lan. Ông cho biết bảng phân tích số liệu cụ thể vẫn chưa có sẵn do vẫn đang được tính toán.
Về xu hướng tăng trưởng của Myanmar, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng 8.4% trong tài khóa kết thúc tháng 3/2017, một phần nhờ vào sự tăng tốc của dòng vốn FDI. Điều này giúp Myanmar trở thành một trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, so với mức tăng trưởng 7% của Campuchia và 7.7% trong suốt thập niên qua.
ADB cho biết: “FDI có thể nhận được lực đẩy từ việc chuyển giao quyền lực chính trị thành công sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11/2015, với dòng vốn đầu tư vào các đặc khu kinh tế mới thành lập cùng với lĩnh vực vận tải, viễn thông và năng lượng đang mở rộng nhanh chóng.
Dòng vốn FDI vào Myanmar tăng trưởng mạnh sau khi nước này bắt tay vào công cuộc cải cách do cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein khởi xướng vào năm 2012.
Ngoài ra, việc dỡ bỏ đa số các lệnh cấm vận của phương Tây đã mở đường cho sự tiếp cận của dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, du lịch cho đến các nhà máy, hạ tầng, sân bay và doanh nghiệp nông nghiệp.
Mức 9 tỷ USD FDI trong năm tài khóa vừa qua cao gấp 27 lần mức 329.6 triệu USD đạt được trong năm tài khóa 2009/2010, trước khi quân đội chuyển giao quyền lực./.
|