Doanh nghiệp Việt sang Campuchia trồng lúa
Không ít doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng lúa ở Campuchia để xuất khẩu gạo qua thị trường Liên minh châu Âu.
Vài năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã tích cực mở rộng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như trồng cao su, cà phê, mắc ca, mía đường… tại các nước láng giềng như Campuchia. Trong đó đáng chú ý là nhiều công ty Việt sang nước láng giềng này để trồng lúa, chế biến gạo.
Ưu đãi đặc biệt
Hiện nay gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường dễ tính như Trung Quốc, Philippines, Indonesia hay châu Phi. Những thị trường cao cấp khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… gạo Việt không dễ tiếp cận.
Trong khi đó, Campuchia lại đang xuất khẩu gạo sang thị trường EU dễ dàng với giá bán cao hơn nhiều giá xuất khẩu gạo cùng loại của Việt Nam. Hiện EU là thị trường chiếm đến hơn 60% thị phần gạo xuất khẩu của Campuchia.
Vậy vì sao Campuchia làm được điều này? Trong cuộc làm việc với Bộ Công Thương về thị trường xuất khẩu gạo mới đây, ông Nguyễn Bảo, Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam, cho biết gạo của Campuchia xuất khẩu mạnh vào EU không chỉ nhờ chất lượng hay xây dựng được thương hiệu mà còn nhờ thuận lợi về chính sách.
Cụ thể EU có chính sách ưu đãi đặc biệt, miễn thuế nhập khẩu cho nông sản từ Campuchia. Từ đó nước này đã tận dụng cơ hội đầu tư nhà máy, kho chứa đáp ứng tiêu chuẩn EU để xuất khẩu gạo nói riêng và nông sản sang thị trường EU.
Ông Bảo cho biết thêm hiện Campuchia đang cần 300 triệu USD đầu tư vào nông nghiệp. Đây là cơ hội cho công ty xuất khẩu gạo, nông sản Việt Nam đầu tư và từ thị trường này xuất sang EU được miễn thuế.
Nhà máy chế biến, xuất khẩu gạo của Công ty Lương thực Việt Nam - Campuchia tại Campuchia. Ảnh: CTV
“Các DN Việt Nam có thể tham gia đầu tư, kinh doanh như thu mua lúa gạo, đầu tư nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, các tỉnh của Campuchia còn kêu gọi các công ty Việt Nam đầu tư vào trồng rau xanh, cây ăn trái, nuôi tôm cá để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu” - ông Bảo thông tin.
Không lo đầu ra
Thực tế thời gian qua đã có không ít DN lớn của Việt Nam sang Campuchia trồng lúa, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xay xát gạo xuất khẩu để tận dụng cơ hội trên.
Điển hình như Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã thành lập Công ty Liên doanh Lương thực Campuchia-Việt Nam (Cavifoods) đầu tư sản xuất, thu mua, vận chuyển, chế biến, bảo quản và các dịch vụ trong lĩnh vực lương thực ở Campuchia. Công ty còn kinh doanh và chế biến xuất khẩu các loại gạo thơm và nông sản khác như sắn lát, đậu nành… sang các nước EU, Đông Âu, Hong Kong, Singapore, Malaysia.
“Gạo Việt rất khó tiếp cận thị trường EU, do đó việc qua Campuchia trồng lúa để xuất khẩu là một hướng đi mới. Từ đó có thể mở thêm cánh cửa để tiếp cận thị trường khó tính EU và đầu ra sẽ thuận lợi hơn, vì khi công ty Việt đầu tư sang Campuchia cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ nước nhập khẩu” - đại diện một công ty xuất khẩu gạo nói.
Vẫn chưa tận dụng hết cơ hội
Thuận lợi khi đầu tư tại Campuchia hay Lào là khá nhiều. Bởi ngoài việc được ưu đãi khi xuất khẩu từ các thị trường nhập khẩu thì nguồn quỹ đất còn lớn ở các nước này tạo điều kiện cho DN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Bên cạnh đó, giá nhân công rẻ cũng giúp tiết giảm chi phí, đặc biệt tỉ trọng thuế/lợi nhuận của DN Campuchia thấp hơn Việt Nam. Ví dụ, theo một nghiên cứu, DN Việt phải bỏ ra khoảng 39,4% lợi nhuận để nộp thuế, phí… trong khi Campuchia con số này chỉ là 21%.
Tuy nhiên, một số DN Việt đầu tư sản xuất nông sản tại Campuchia vẫn chưa tận dụng một cách tốt nhất chính sách ưu đãi về thuế từ các thị trường dành cho nước này để có thể hưởng lợi xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân là do còn gặp một số khó khăn về thủ tục tại nước sở tại.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Gạo Việt Hưng, cho hay hiện nay số công ty Việt Nam sang Campuchia đầu tư trồng lúa, chế biến lúa gạo chưa thật sự nhiều. Khi trồng lúa thì công ty Việt thường bán lại cho DN xuất khẩu gạo Campuchia.
“Đầu tư tại Campuchia vẫn bị thủ tục hành chính làm khó. Việc hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý tại nước này cũng khó khăn do pháp luật đôi khi chưa rõ ràng, cán bộ đủ khả năng nghiệp vụ có giới hạn” - ông Đôn nhận xét.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, chia sẻ: “Hiện tại đã có ông lớn ngành gạo đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo Campuchia. Trước đây, một số DN Việt cũng đã khảo sát vùng trồng mía, dự định đầu tư quy mô lớn tại Campuchia… để xuất khẩu vì mặt hàng này được EU miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục gặp vướng mắc nên không tiếp tục đầu tư quy mô lớn mà chủ yếu dừng lại thu mua nguyên liệu”.
GS Xuân gợi ý một trong những cách hay để tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo nói riêng và nông sản nói chung tại Campuchia là DN Việt cần liên kết với các DN nước ngoài đầu tư tại Campuchia hoặc công ty nội địa để tiếp cận xuất khẩu.
Áp dụng công nghệ Israel
Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư nông nghiệp kỹ thuật cao vào Campuchia với hàng ngàn hecta cọ dầu, bắp và cao su. Toàn bộ cây trồng được ứng dụng kỹ thuật cao, tưới nước, bón phân… bằng công nghệ Israel.
Theo Thông tư số 201/2012 của Bộ Tài chính quy định hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho hay năm ngoái tập đoàn trồng mới hơn 3.000 ha cao su tại Campuchia, nâng tổng diện tích tại nước này lên 90.500 ha.
|
QUANG HUY
pháp luật tphcm
|