Ai được ai mất trong cơn lao dốc của giá dầu?
Theo Business Insider, với những quốc gia sản xuất dầu, những ngày “hét giá” đòi 100 USD/thùng dường như đã chấm dứt.
Giá dầu đã rớt xuống dưới mức 40 USD/thùng kể từ khi OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng đầu ra cao trong năm 2014 trong khi nhu cầu mặt hàng này lại giảm, và xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài.
Cuối tuần vừa qua, Iran cho biết sản lượng dầu của họ đã vượt qua mốc 2 triệu thùng/ngày kể từ khi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt hồi tháng 1. Mức tăng đó càng khiến cho lượng cung trên thị trường vốn đã quá nhiều lại càng dư thừa hơn.
Để giúp mọi người hình dung được điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, Deutsche Bank vừa mới phát hành một bản đồ cho biết quốc gia nào nhập và xuất nhiều dầu nhất:
Giá dầu chìm nghỉm đã tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu dầu
Bản đồ trên cho thấy Saudi Arabia, Nigeria và Venezuela là ba trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt lao dốc của giá dầu, trong khi Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ được hưởng lợi nho nhỏ nhờ nhập khẩu ròng.
Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia đều “cảm nhận nỗi đau” giá dầu bị rẻ đi theo cùng một cách.
“Có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia vì chi phí khai thác là khác nhau. Trong khi Nigeria cần giá dầu ở mức 85 USD/thùng để cân bằng ngân sách của mình trong năm 2016 thì Kuwait chỉ cần 47 USD/thùng. Nếu các quốc gia dùng tài sản Chính phủ để cung cấp tài chính cho thâm hụt ngân sách trong khi giá dầu ở mức thấp thì Kuwait sẽ có thể làm được điều này trong 122 năm, trong khi Nigeria chỉ có thể xoay sở được trong... 0.1 năm,” các chuyên gia phân tích của Deutsche Bank cho biết./.
|