‘Thiên đường thuế’ là gì?
“Thiên đường thuế” là cách gọi bóng bẩy của khái niệm “Offshore Zone”- một khu vực mà về mặt pháp lý mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc được miễn hoàn toàn.
Cuộc chiến chống rửa tiền, trốn thuế luôn được “hâm nóng” tại các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh hằng năm của các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên theo tính toán, ngân sách của chính các quốc gia này vẫn bị thất thoát mỗi năm từ 250-300 tỉ USD do một lượng tiền khổng lồ đã chảy vào các “thiên đường thuế".
Vậy các “thiên đường thuế” thực chất là gì?
“Thiên đường thuế” là cách gọi bóng bẩy của khái niệm “Offshore Zone”- một khu vực mà về mặt pháp lý mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc hoàn toàn được miễn.
Bên cạnh đó, các thủ tục như thành lập công ty hoặc điều hành doanh nghiệp cũng khá đơn giản và thuận tiện. Thay vì phải nộp thuế, các công ty thường chỉ phải nộp một khoản phí được ấn định hằng năm.
“Offshore Zone” phôi thai từ thời cổ đại. Khi đó, để tránh bị đánh thuế, các thương gia đã kéo nhau ra đảo Delos (thuộc Hy Lạp) trên biển Địa Trung Hải để giao dịch buôn bán.
Cuối những năm 1950, tại Mỹ, người ta đã đề xuất ý tưởng lập một tổ chức tài chính được đăng ký ở ngoài khu vực do chính phủ kiểm soát để né thuế. Đây được coi là sự “thai nghén” của Offshore Zone.
Từ khi Thuỵ Sĩ ban hành các đạo luật ngân hàng bảo vệ nghiêm ngặt cho các khoản tiền gửi tại đây thì quốc gia này được coi là “thiên đường thuế” đầu tiên của thời đại ngày nay. Vào những năm 1960, tại một số thuộc địa cũ của Liên hiệp Anh các Offshore Zone cũng đã được tạo lập.
Do những “dễ dãi” của Offshore Zone, xuất phát từ mục đích của các quốc gia muốn “được cầm mà không phải trả lãi” đã khiến các pháp nhân và thể nhân nước ngoài đổ xô tiền về đây với những mục đích chủ yếu sau: Thứ nhất là để trốn thuế hoặc tránh thuế; thứ hai là để “lánh mặt” chủ sở hữu chính thức của pháp nhân được thành lập tại Offshore Zone bằng các cổ đông và giám đốc danh nghĩa và cuối cùng là “né” các thủ tục phiền hà, phức tạp tại chính quốc như quản lý và quy đổi ngoại tệ...
Cùng với tiến trình toàn cầu hoá, trên khắp hành tinh đã và đang tồn tại hàng chục, thậm chí cả trăm Offshore Zone.
Những “thiên đường thuế tiêu biểu"
Panama
Ngay sau cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1903, dải đất nối liền phần lục địa Bắc và Nam Mỹ được trao cho Mỹ quyền sử dụng vĩnh viễn.
Tuy nhiên để tỏ lòng hào hiệp, Mỹ đã trao quyền độc lập cho Panama với đạo luật về thuế được ấn định ngay từ đầu. Thuế khoá và báo cáo kế toán của các nhà đầu tư hầu như được miễn trừ và đây chính là cú hích nhằm thu hút được các nguồn lực tài chính trên khắp thế giới đổ về đây và nhờ đó mà ngành công nghiệp đóng tàu và đặc biệt là kênh đào đã dư dả tiền bạc để xây dựng và phát triển.
“Thiên đường thuế” đã có tuổi đời trên 100 năm tại khu vực này và Panama đứng thứ hai trên thế giới (sau Hong Kong) về lượng tiền đầu tư đổ về đây.
St. Kitts và Nevis
Đây là một quốc gia nhỏ bé nằm ở phía Đông của biển Caribbean, bao gồm 2 hòn đảo là St. Kitts và Nevis. Về mặt lịch sử, khu vực này vốn là thuộc địa của Anh và hiện nay về hình thức, nó vẫn nằm trong khối Liên hiệp Anh.
Đảo quốc này là “thánh đường” của các khối tài sản di động, đó là các du thuyền hạng sang. Tàu thuyền đăng ký tại đây gần như không phải nộp thuế. Chính vì lý do này mà đã có hàng nghìn chiếc siêu du thuyền được đăng ký tại St. Kitts và Nevis. Tại đây, các pháp nhân nước ngoài được miễn thuế thu nhập trong khi các pháp nhân bản xứ vẫn phải è cổ đóng 35% cho loại hình thuế này.
Quần đảo Virgin
Tại khu vực biển Caribbean có một quẩn đảo gồm 36 hòn đảo (nhưng chỉ có 16 đảo có cư dân sinh sống) do Columbus phát hiện ra và mặc dù Tây Ban Nha tuyên bố sở hữu nhưng chưa kịp chiếm lĩnh thì đã bị Anh nhảy vào và khai thác. Hiện nay, khu vực này vẫn thuộc quyền sở hữu của Anh nhưng do Thống đốc và Hội đồng Lập pháp trực tiếp điều hành.
Đối với các pháp nhân ngoại quốc, được miễn các loại thuế sau: Thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế thừa kế, thuế bán các tài sản. Các doanh nghiệp bản xứ và các công ty có sử dụng người bản xứ không được hưởng những ưu đãi này.
Seychelles
Nằm trên Ấn Độ Dương ở phía đông châu Phi, với diện tích chưa đầy 500 km2 và dân số khoảng 100.000 người, Seychelles là khu vực lý tưởng cho các doanh nghiệp đổ về đây. Lý do là họ được miễn trừ gần như tất cả các loại thuế, trừ thuế lợi nhuận nhưng cũng chỉ phải đóng trong trường hợp đó là lợi nhuận trực tiếp thu được từ những hoạt động ngay tại đảo quốc này.
Ngoài ra, giá để mua được một công ty offshore đã thành lập sẵn tại Seychelles cũng rất bèo, chỉ khoảng 250 USD!
Hong Kong
Về mặt hình thức, Hong Kong không phải là một “Offshore Zone” bởi vì chính quyền sở tại cam kết sẽ cung cấp và trao đổi các thông tin có liên quan tới thuế khoá của các doanh nghiệp tại đây.
Tuy nhiên do việc hoàn tất các thủ tục thuế ở Hong Kong chỉ mất khoảng vài phút và dựa trên nguyên tắc “luật lãnh thổ” (thuế chỉ phải trả cho những hoạt động của doanh nghiệp diễn ra trực tiệp tại Hong Kong) vì thế mà người ta đổ dồn về đây để mở công ty offshore cho mình./.
chính phủ
|