Thứ Tư, 30/03/2016 20:00

Vì sao Đức và ECB hay “đụng độ” nhau?

Câu trả lời hết sức đơn giản: cả hai dường như chẳng bao giờ có được tiếng nói chung về chính sách tiền tệ trong khu vực đồng tiền chung euro, nhận định của Tiến sỹ Michael Ivanovitch trong bài bình luận trên CNBC.

 

Thế thì câu hỏi đặt ra là: Làm sao lại có thể tồn tại những bất đồng về chính sách tiền tệ của ECB khi mà quyền hạn, được quy định trong một thỏa thuận do chính Đức là tác giả, có ghi rõ rằng ngân hàng này, chứ không phải một tổ chức nào khác, là nơi chịu trách nhiệm cho sự ổn định giá trong liên minh tiền tệ châu Âu?

Thật vậy, làm sao lại có những tranh cãi công khai và dai dẳng giữa các thành viên đến từ Đức trong Hội đồng điều hành ECB (cơ quan chính đưa ra các quyết định của ngân hàng này) và những thành viên còn lại, khi mà mức lạm phát bình quân trong khu vực đồng euro, kể từ khi tổ chức này được thành lập, là 1.8%?

Con số lạm phát gần đây của ECB thậm chí còn tốt hơn. Suốt một năm qua, lạm phát ở khu vực đồng euro chỉ quanh quẩn ở mức âm. Chẳng hạn như hồi tháng trước, lạm phát là âm 0.2%, gần tương đương với mức giảm phát âm 0.3% hồi tháng 2/2015. ECB hiện đưa ra mức dự báo là 0.1% cho cả năm nay, và đang mong đợi từ đây đến năm 2018 sẽ không chạm mức cao nhất trong mục tiêu từ 0%-2% của mình.

Lẽ ra những điều đó phải khiến người Đức hạnh phúc chứ, vì ECB đã làm tốt hơn so với mức lạm phát bình quân của Đức là 2.23% trong suốt 20 năm qua, trước khi đồng euro được đưa vào sử dụng vào ngày 01/01/2002?

Có lẽ vì Đức cho rằng các đợt cắt giảm lãi suất, mua tài sản và những công cụ chính sách tiền tệ “bất thường” khác của ECB đang đi quá xa, dù người của họ tại ECB cũng miễn cưỡng đồng ý rằng ECB nên “làm một điều gì đó” để đạt được mục tiêu lạm phát. Họ từng tranh luận rằng ECB đang mua các “tài sản xấu” và muốn ECB ngừng ngay chương trình đó, đồng thời nên tránh xa những quốc gia đang ngập trong nợ nần ở Eurozone, vì sợ người dân nước mình phải gánh chung món nợ “từ trên trời rơi xuống”.

Ngược thời gian một chút về quá khứ, Đức và ECB cũng chẳng hề thiếu những chuyện “cơm không lành canh không ngọt” khi vào tháng 9/2011, vì phản đối việc ECB mua trái phiếu của Tây Ban Nha và Ý, một chuyên gia kinh tế trưởng người Đức của ECB đã giận dữ từ bỏ vị trí đang nắm giữ, nâng số vụ từ chức của người Đức khỏi Hội đồng điều hành ECB lên con số 2 trong năm 2011. Sau đó, Berlin đã kiện ECB ra Tòa án Hiến pháp Đức và Tòa án Công lý châu Âu, cáo buộc rằng ngân hàng này đã vi phạm quyền hạn của mình vì đã “cung cấp tài chính cho các Chính phủ bằng cách in thêm tiền”.

Rồi tiếp theo đó, giữa cuộc suy thoái của khu vực đồng euro, Đức lại yêu cầu nhiều nước phải tuân thủ chế độ thắt lưng buộc bụng của mình thì mới giải cứu, bất chấp những ý kiến cho rằng đó là “một sự trừng phạt độc ác”. Kết quả là gì? Tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói tăng vọt, nhiều Chính phủ bị sụp đổ, các hệ thống kinh tế bị mất cân bằng nghiêm trọng, các đảng phái cực hữu ra đời.

Gần đây, những bất đồng giữa Đức và ECB dường như lại diễn ra theo một hình thái khác khi một tạp chí của Đức gọi 13 tỷ euro thặng dư ngân sách và chi phí lãi suất ngày càng giảm cho nợ công của quốc gia này là “những quả hư trong khu vườn của Mario Draghi”. Còn Chủ tịch ECB Mario Draghi lại “gây bão” khi hồi đầu tháng 3 ông từng khen ý tưởng “cứu trợ trực tiếp” của Milton Friedman là “rất thú vị” nhưng cuối cùng đã “nói một đằng làm một nẻo” khi tiến hành một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, kể cả áp dụng lãi suất âm. Ngay sau đó, một nhật báo của Đức đã trích dẫn ý kiến của một nhà phân tích người Đức rằng ông Mario Draghi bị “rối loạn tâm thần toàn diện”.  Xem ra chẳng “mèo nào muốn nhường miu” nào./.

Các tin tức khác

>   Nga tăng lương tối thiểu thêm 20% (30/03/2016)

>   ECB: Khu vực tư nhân ở Eurozone tiếp tục vay tiền trong tháng 2 (30/03/2016)

>   Cuba vẫn chưa thể tiến hành giao dịch tài chính bằng đồng USD (30/03/2016)

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng châu Á khi Trung Quốc giảm tốc (30/03/2016)

>   Trung Quốc: ‘Thiên đường’ rửa tiền của ‘siêu lừa’ nước Pháp (30/03/2016)

>   Dầu lao dốc liền 5 phiên xuống thấp nhất 2 tuần (30/03/2016)

>   Vàng chấm dứt 3 phiên giảm giá liên tiếp sau quan điểm thận trọng của Chủ tịch Fed (30/03/2016)

>   Ukraine bất ngờ ra tiền giấy bằng… sợi lanh (29/03/2016)

>   Ông Medvedev: Chính phủ Nga sẽ không tăng thuế cho đến năm 2018 (29/03/2016)

>   Vàng lao xuống đáy 1 tháng chờ nhận định từ Chủ tịch Fed (29/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật