UPCoM nay đã khác!
Sàn UPCoM đang dần trở thành một “sân chơi” thực thụ khi dòng tiền đổ vào ngày một gia tăng.
Sàn giao dịch UPCoM (Unlisted Public Company Market) được biết đến là nơi dành cho các công ty đại chúng chưa (hoặc chưa đủ điều kiện) niêm yết tại hai sàn giao dịch HOSE và HNX. Tính đến 18/03, UPCoM có 272 cổ phiếu đang giao dịch. So với con số 307 tại HOSE và 381 tại HNX thì vẫn thấp hơn nhưng đã tăng khá mạnh nếu so với thời điểm cuối năm 2014 (169 công ty).
Theo thống kê Vietstock, kể từ đầu năm 2016 đến nay (50 phiên giao dịch), tổng khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt gần 340 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 4,950 tỷ đồng; xấp xỉ 35% tổng khối lượng và giá trị giao dịch cả năm 2015 và gần bằng giá trị giao dịch cả năm 2014. Đặc biệt, thanh khoản trong tháng 1/2016 trên UPCoM đạt khá cao, hơn 2,500 tỷ đồng (khối lượng hơn 163 triệu cp).
Khối lượng giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2012 đến nay
Song, thanh khoản sàn UPCoM trong năm 2016 có sự phân hóa lớn, tập trung vào những cổ phiếu có vốn hóa lớn như SWC, GEX, VEF, SBS, NHN hay PFL… Trong số này thì SWC và GEX là hai mã có thanh khoản lớn nhất với khối lượng giao dịch bình quân gần 2 triệu cổ phiếu. Đây đều là 2 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua (2013-2015).
Top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trên UPCoM từ đầu năm
Ngoài ra, việc dòng tiền đầu tư đang hướng đến sàn UPCoM có thể nhìn thấy một phần nhờ quá trình thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa bắt buộc phải đăng ký trên sàn UPCoM. Cụ thể, theo Thông tư 180 được Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (thay thế Thông tư 01), tất cả các công ty đại chúng (CTĐC) hình thành trước ngày 1/1/2016 (ngày Thông tư 180 có hiệu lực) mà không niêm yết trên Sở GDCK sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/1/2016. Còn đối với các CTĐC hình thành sau ngày 1/1/2016 thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCKNN có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký CTĐC hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Kể từ năm 2016, có rất nhiều doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa đã thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM phải kể đến như May Việt Tiến (VGG), Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN), Cảng Nghệ Tĩnh (NAP) hay PV Oil (PVO)…
Nhờ dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn nên tổng giá trị vốn hóa thị trường trên UPCoM tại thời điểm 18/03 đã bỏ xa thời điểm cuối năm 2015, đạt hơn 83,000 tỷ đồng.
Khối ngoại khởi động năm 2016 đầy ấn tượng
Không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước, sàn UPCoM cũng là điểm đến của dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy kể từ đầu năm 2016, khối ngoại mua ròng hơn 2.3 triệu cp, tương ứng giá trị gần 55 tỷ đồng trên UPCoM. Đây quả là tín hiệu khá tích cực trong bối cảnh khối ngoại bán ròng hơn cả 1,100 tỷ đồng trên HOSE trong giai đoạn này.
Cũng phải nói thêm là mức độ mua ròng trong tháng 1, 2 và những ngày đầu tháng 3 năm 2016 là khá đều nhau (xấp xỉ 18 tỷ đồng) và so với những tháng giao dịch liền trước đó thì có sự tăng trưởng rất mạnh (tháng 11 và 12 năm 2015 chưa đến 10 tỷ đồng).
Trong nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng, GEX và VGG là hai ông lớn tiếp tục nằm trong top được mua ròng nhiều nhất, lần lượt đạt hơn 1.6 triệu cp và 101,000 cp. Ngược lại, Tài Nguyên Ma San (MSR) và Thép Nhà Bè (TNB) dẫn đầu nhóm bị bán ròng.
Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng và bán ròng
nhiều nhất từ đầu năm 2016 đến nay
Tựu trung lại, có thể thấy sàn UPCoM nay không chỉ đơn thuần là nơi “diễn tập” của các doanh nghiệp trước khi chính thức bước chân vào cuộc chơi lớn trên HOSE và HNX. Điều này có thể đúng như nhận định của bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HNX, rằng “năm 2016 sẽ năm của thị trường UPCoM”. Bởi trong năm 2016, thị trường UPCoM sẽ đón nhận hàng loạt các chính sách mới, trong đó tiêu biểu là việc thực hiện phân bảng, áp dụng bộ chỉ số riêng tiến tới việc thực hiện ký quỹ đối với một số cổ phiếu “VIP” trên UPCoM và cơ chế giao dịch Pre-UPCoM.
Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên UPCoM kể từ đầu năm đến 18/03
Top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên UPCoM kể từ đầu năm đến 18/03
|