Thứ Ba, 22/03/2016 11:11

Toàn văn Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ngày 22/3, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016 kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của 25 năm đổi mới, đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Sau Đại hội Đảng XI, trước diễn biến mới của tình hình, Chính phủ đã trình và được Trung ương Đảng, Quốc hội quyết định điều chỉnh kịp thời, phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Kế hoạch 5 năm 2011-2015[1].

Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn và được cụ thể hóa thành hơn 2.600 đề án thành phần. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ đã cập nhật, hoàn thiện thêm và báo cáo Quốc hội trong Phiên khai mạc tại Kỳ họp này.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về thống nhất quản lý phát triển kinh tế-xã hội

1.1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.

Đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015[2]. Bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp và vốn tín dụng cho nền kinh tế. Quản lý hiệu quả tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Tăng cường quản lý thu chi ngân sách nhà nước; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, ưu tiên chi cho con người và bảo đảm an sinh xã hội[3]; đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển. Tăng cường quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công trong giới hạn quy định[4]. Tập trung mở rộng thị trường, tăng nhanh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu hiệu quả hơn, giảm nhập siêu[5], cải thiện cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ phù hợp đối tượng chính sách, người nghèo. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu. Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và thị trường; tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Biển và rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp hơn với kinh tế thị trường[6].

Tập trung thực hiện đạt những kết quả các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn[7]. Cùng với thực hiện các khâu đột phá, đã ban hành và tổ chức thực hiện các giải pháp tạo bước tiến mới về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh[8].

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo những chuyển biến tích cực, nhất là trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng và tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản và nguồn nước. Chú trọng ngăn chặn và xử lý ô nhiễm; bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống. Tích cực triển khai thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai[9]. Tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

1.2. Tăng cường lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Tích cực triển khai và đạt được những kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và Nghị quyết về chính sách xã hội, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; bố trí tăng thêm ngân sách nhà nước và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; điều chỉnh tăng lương; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thực hiện đồng bộ các chính sách, nâng cao đời sống và giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số[10]. Quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội.

Tăng cường quản lý nhà nước về y tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là về y tế dự phòng; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; phát triển y tế biển đảo; y tế ngoài công lập, khuyến khích hợp tác công tư; y học cổ truyền; công nghiệp dược; quản lý thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo. Thực hiện nhiều biện pháp phòng chống HIV/AIDS.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Chú trọng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và môi trường văn hóa lành mạnh; khắc phục các biểu hiện xuống cấp về đạo đức; bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị văn hóa dân tộc[11]; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, khuyến khích tự do sáng tạo, bảo hộ quyền tác giả; gắn kết hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế, quảng bá văn hóa Việt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; phát triển thể dục, thể thao. Bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và phát huy vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo trong xã hội góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc[12].

Chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thông tin, báo chí; phát huy vai trò của hệ thống báo chí, xuất bản trong việc tuyên truyền, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện quy chế người phát ngôn; chủ động đấu tranh với những thông tin sai trái; xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng.

2. Về xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội

Tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và xử lý các văn bản, quy định trái pháp luật. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992[13]. Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện và đề xuất 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để thi hành Hiến pháp 2013. Đã trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ và từng năm; ưu tiên hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp mới[14].

Đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, ổn định hơn. Ngoài các phiên họp Chính phủ thường kỳ còn tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 95 luật, pháp lệnh, chiếm 86% tổng số luật, pháp lệnh được ban hành (chưa tính 7 dự án Luật được trình thông qua tại Kỳ họp này). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.058 văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng luật, pháp lệnh cơ bản bảo đảm tiến độ[15]. Nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm mạnh, năm 2015 chỉ còn nợ 4 văn bản, thấp nhất trong nhiệm kỳ (năm 2011 là 33 văn bản, năm 2012 là 24, năm 2013 là 17, năm 2014 là 6).

Công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội[16], phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước.

3. Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình và được Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; không thành lập mới và đã giảm 01 tổng cục so với đầu nhiệm kỳ; ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ[17]; khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đặc thù của địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành.

Trong hoạt động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp trách nhiệm của tập thể với đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của từng thành viên Chính phủ; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, các quy định của Hiến pháp, pháp luật; thống nhất quản lý thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Chú trọng nâng cao năng lực quản trị, dự báo và xây dựng cơ chế chính sách; đề cao trách nhiệm giải trình; coi trọng việc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và phản biện xã hội. Bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định. Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Quyết định và trình việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính theo thẩm quyền.

Chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản bộ máy hành chính. Tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ. Hoàn thành các đề án về cán bộ, công chức, công vụ[18]. Ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức[19]. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên trong nhiệm kỳ giảm được 4.131 biên chế. Thu gọn đầu mối, tăng cường quản lý số người làm việc và triển khai thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập[20].

Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, nhất là tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, đạo đức công vụ. Đã ban hành và triển khai Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao[21]. Đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện chặt chẽ và kịp thời hơn về công tác khen thưởng; tổ chức tốt Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc gắn với phát động Phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 5 năm, đã ban hành 25 Nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính[22], đơn giản hóa 4.471 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94,7%. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành.

Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực cao nhất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Tập trung lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Chính phủ; quyết định về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Thành lập các hội đồng, tổ chức tư vấn giúp Thủ tướng giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, phê chuẩn, điều động các chức danh theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Các thành viên Chính phủ đã nỗ lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia vào công việc chung của Chính phủ; phối hợp công tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

4. Về tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, trình ban hành Luật Thống kê; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, thống kê; ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra[23].

Đã trình Quốc hội ban hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Các cơ quan hành chính đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại, giải quyết từ cơ sở, tập trung vào các vụ việc phức tạp, đông người, tồn đọng, kéo dài[24].

Đã trình thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông và người dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí [25].

5. Về bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ trong việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương  về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới[26]. Tăng cường quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Chú trọng đầu tư xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa nhanh một số quân, binh chủng, lực lượng và phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp, nhạy cảm; giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về dự bị động viên.

Chỉ đạo gắn kết quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, thực hiện tăng dày, tôn tạo và phân giới cắm mốc. Chú trọng xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí, bảo vệ ngư dân và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tập trung đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chăm lo nâng cao đời sống của người dân trên các đảo. Đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đã đề xuất xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác bảo đảm an ninh trong tình hình mới và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông[27]. Xây dựng, trình thông qua 5 luật, 4 pháp lệnh về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân… Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

6. Về quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực và Chương trình hành động về hội nhập quốc tế, vì lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tập trung chỉ đạo nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả[28]. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương, chuyển từ tích cực tham gia sang chủ động đóng góp, định hình khuôn khổ hợp tác. Tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc, Cộng đồng ASEAN, các tổ chức, các diễn đàn quốc tế và khu vực[29]. Chú trọng chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tăng cường thông tin đối ngoại.[30]

Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC. Đồng thời đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chỉ đạo đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế. Chú trọng khai thác các cơ hội thuận lợi trong các thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tích cực đàm phán tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước[31].

7. Về phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng việc phối hợp công tác với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị-xã hội và Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Đã chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp công tác và tổ chức hơn 20 cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để đánh giá kết quả, đề ra kế hoạch phối hợp công tác và đã giải quyết hơn 200 kiến nghị, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là về giám sát và phản biện xã hội, thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”... Động viên các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển và bảo vệ đất nước. Đã chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật về hội.

Đã chú trọng phối hợp công tác với Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật, giữ vững kỷ cương, pháp luật nhà nước. Mời Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao dự các phiên họp của Chính phủ bàn về các vấn đề có liên quan. Đã chỉ đạo phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vụ án, xử lý tố giác, tin báo tội phạm. Trong nhiệm kỳ đã có trên 500 văn bản gửi  Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và chuyển trên 1.000 đơn thư của tổ chức, cá nhân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

8. Về chấp hành sự giám sát của Quốc hội và báo cáo trước nhân dân

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm sự giám sát của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo triển khai và báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn[32]. Phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung và chương trình các kỳ họp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đã trình 236 báo cáo, tờ trình về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thực hiện đúng quy định trong các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 1.000 câu hỏi chất vấn trực tiếp và trên 1.500 phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thủ tướng Chính phủ thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã chủ động cung cấp thông tin về triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân thông qua báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cuộc họp báo và qua Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng.

Chấp hành nghiêm các quy định về báo cáo và trình Chủ tịch nước. Trong nhiệm kỳ đã gửi trên 9.200 văn bản báo cáo, tờ trình về các vấn đề kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quốc tịch, đặc xá, thi đua khen thưởng, ký kết các điều ước quốc tế, phong hàm, cấp, danh hiệu... theo quy định của pháp luật.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM

1. Về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội

1.1. Năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.

Chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài nhà nước. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch. 

Việc thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều mặt còn hạn chế. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đồng bộ. Tái cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và thị trường nhiều mặt hiệu quả chưa cao.

Thiếu cơ chế chính sách phát huy mạnh tác động lan tỏa của các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế và tạo sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Công tác xây dựng và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế.

Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đồng bộ, nhiều mặt còn hạn chế, nhất là điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng tài nguyên; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, lưu vực sông, ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại; phát triển hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ rừng và hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chưa có chính sách khuyến khích mạnh sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên vật liệu thân thiện môi trường. Năng lực dự báo và nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu.

1.2. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế; chưa khuyến khích huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển. Một số chính sách xã hội thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới tốt nghiệp; giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; phát triển y tế ngoài công lập, công nghiệp dược; quản lý y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế, bất cập. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân còn cao. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, lễ hội, các di tích lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế; đời sống văn hóa, nhất là vùng sâu, vùng xa chậm được cải thiện. Quản lý hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và ngăn chặn, xử lý thông tin sai trái hiệu quả chưa cao.

2. Về xây dựng và thực thi pháp luật

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, lúng túng; vẫn còn một số dự án luật phải xin lùi, xin rút. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật trong một số trường hợp thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao. Thẩm định một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính tổng thể. Chưa chú trọng đúng mức việc đóng góp, tiếp thu ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và thực thi pháp luật. Tuyên truyền giáo dục pháp luật và chuẩn bị các điều kiện thực thi hiệu quả chưa cao.

3. Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa thật tinh gọn, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân. Tổ chức và hoạt động của chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo chậm đổi mới phù hợp với đặc thù. Vẫn còn những hạn chế trong phân cấp quản lý kinh tế, xã hội; chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có mặt còn hạn chế, bất cập. Quản lý viên chức chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng, hiệu quả còn thấp.

4. Việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

5. Việc lãnh đạo, quản lý bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội trên một số mặt, một số địa bàn còn hạn chế. Việc nắm tình hình và năng lực dự báo chiến lược; bố trí nguồn lực; gắn kết nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội; phát triển công nghiệp quốc phòng; công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền biển đảo còn nhiều khó khăn, hạn chế.

6. Quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn những hạn chế trong công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, dự báo và nghiên cứu chiến lược, đối ngoại song phương và đa phương. Chưa thật chủ động phát huy nội lực và chuẩn bị các điều kiện để khai thác hiệu quả cơ hội thuận lợi trong các cam kết quốc tế. Cơ chế và năng lực phòng ngừa, giải quyết tranh chấp quốc tế và truyền thông về hội nhập còn bất cập. Sự phối hợp, gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hoá, xã hội, ngoại giao nhân dân có mặt hiệu quả chưa cao.

7. Quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội và Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có mặt còn hạn chế. Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác với một số cơ quan chưa được thường xuyên, việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh và giải quyết các kiến nghị có lúc còn chưa kịp thời.

8. Việc bảo đảm cho công tác giám sát của Quốc hội trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, việc gửi một số báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội còn chậm; vẫn còn những hạn chế trong trả lời chất vấn thực hiện lời hứa và giải quyết kiến nghị của cử tri.

Những hạn chế, yếu kém trên đây do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là:

Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách.

III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.

2. Phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Đặc biệt chú trọng đánh giá đúng tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời với diễn biến mới của tình hình. Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Lấy kết quả thực hiện để đánh giá tính đúng đắn của chính sách và năng lực quản lý điều hành.

3. Trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

4. Cùng với phát triển kinh tế phải tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thưa Quốc hội,

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào ta trong và ngoài nước.

Trân trọng cảm ơn Chính phủ, nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới về tình hữu nghị, sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ quý báu đã dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Xin trân trọng cảm ơn./.

-------------------------------------------

Ghi chú

[1] Trong đó tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tạo tiền đề vững chắc để tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

[2] Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%), thấp nhất kể từ năm 2001 (năm 2001 là 0,8%, năm 2002 là 4%, năm 2003 là 3%; năm 2004 là 9,5%;  năm 2005 là 8,4%; năm 2006 là 6,6%; năm 2007 là 12,6%; năm 2008 là 19,89%; năm 2009 là 6,52%; năm 2010 là 11,75%; năm 2011 là 8,13%; năm 2012 là 6,81%, năm 2013 là 6,04%, năm 2014 là 1,84%; năm 2015 là 0,6%).

Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008 (năm 2008 là 5,66%; năm 2009 là 5,4%; năm 2010 là 6,42%; năm 2011 là 6,24%; năm 2012 là 5,25%; năm 2013 là 5,42%; năm 2014 là 5,98%; năm 2015 là 6,68%).

[3] Trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65% (giai đoạn 2006-2010 chiếm 55,2%), chủ yếu là tăng chi cho an sinh xã hội và cải cách tiền lương; chi đầu tư phát triển khoảng 23,6% (giai đoạn 2006-2010 là 28,2%).

[4] Tỷ lệ dư nợ công trên GDP đến cuối năm 2015 là 62,2%, dư nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% (theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%).

[5] Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011-2015 đạt 656 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 17,5%/năm (giai đoạn 2006-2010 là 17,4%), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (12%/năm). Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm 2011-2015 ước khoảng 666 tỷ USD, tăng bình quân trên 14,3%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước (18,2%).

Năm 2011, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 10,2% (thâm hụt 9,8 tỷ USD); 3 năm tiếp theo (2012-2014) đã chuyển sang thặng dư; năm 2014 thặng dư 2,4 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 nhập siêu khoảng 3,54 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

[6] Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 259 quy hoạch; điều chỉnh bổ sung quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm, 41 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố. Các Bộ, ngành phê duyệt 231 quy hoạch.

[7] Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015); trong đó chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 (năm 2010) lên 67/140 (năm 2015).

Hoàn thành các công trình, dự án quan trọng: các tuyến đường Hà Nội-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Hải Phòng, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nhật Tân-Nội Bài, mở rộng Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua  Tây Nguyên; nhiều cầu lớn (Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên...); Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không Phú Quốc mới, sân bay Thọ Xuân, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Vinh; cảng Cái Mép-Thị Vải...

Trong 5 năm 2011-2015, đã tăng thêm 18.100 MW công suất nguồn; khoảng 7.600 km truyền tải 500 kV, 220 kV và 37.400 MVA công suất các trạm biến áp. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành: Nhà máy thuỷ điện Sơn La, phát điện tổ máy 1 nhà máy thủy điện Lai Châu; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, phát điện 2 tổ máy nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn…

Đến nay, đã đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat-2 và VNREDSat-1. Tốc độ kết nối internet băng thông rộng đạt 17,3 Mbps, tốc độ kết nối di động băng thông rộng 1,9 Mbps. Tổng số thuê bao di động đạt 128.800.000 thuê bao vào cuối năm 2015.

Bảo đảm tưới trực tiếp cho 3,5 triệu ha đất canh tác, tạo nguồn tưới cho hơn 1 triệu ha, tiêu cho 1,7 triệu ha. Tỉ lệ đô thị hoá dự báo đạt khoảng 35%.

[8] Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2010 xếp thứ 75/139 quốc gia, năm 2011 xếp thứ 65/142 quốc gia, năm 2012 xếp thứ 75/144 quốc gia, năm 2013 xếp thứ 70/148 quốc gia, năm 2014 xếp thứ  68/144 quốc gia, năm 2015 xếp thứ  56/140 quốc gia.

[9] Phê duyệt 53 dự án viện trợ với tổng số vốn cam kết của các nhà tài trợ khoảng 152,76 triệu USD, trung bình mỗi năm huy động hơn 30 triệu USD; riêng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động được hơn 1.300 triệu USD từ các đối tác phát triển (JICA, AfD, WB, K-Eximbank, DFAT, CIDA…) để triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm. Triển khai thực hiện các cam kết quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21.

[10] Trong 5 năm, đã ban hành 29 văn bản về chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có 222.844 lượt hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng; trên 21 nghìn lượt hộ được hỗ trợ trồng rừng; 39.820 lượt hộ nghèo ở thôn bản vùng giáp biên được hỗ trợ 799,28 tấn lương thực; 437.316 lao động dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề. Đã bố trí 136 nghìn tỷ từ ngân sách nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, quốc tế cho thực hiện chính sách dân tộc và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%.

[11] Trong 5 năm, có 10 di sản được UNESCO vinh danh, nâng tổng số di sản được UNESCO vinh danh lên 22; có 51 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 275 di tích được xếp hạng quốc gia.

[12] Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tôn giáo; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trình Quốc hội khóa XIV. Đã ban hành 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa chính sách tôn giáo. Đến cuối năm 2015, Nhà nước đã công nhận 14 tôn giáo với 38 tổ chức tôn giáo và khoảng 25 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước.

[13] Báo cáo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; Báo cáo về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo góp ý, hoàn thiện Chương VII - Chính phủ; Báo cáo đề xuất về Chương IX - Chính quyền địa phương; Báo cáo đề xuất của Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Báo cáo ý kiến góp ý chính thức của Thủ tướng Chính phủ.

[14] Như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ tạm giam; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư  (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế…

[15] Năm 2011 xin lùi, rút 6/29 dự án (20,7%); năm 2012: 7/32 dự án (21%); năm 2013: 8/36 dự án (22); năm 2014: 5/38 (13%); năm 2015: 5/40 (12%).

[16] Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa XI; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và hằng năm.

[17] Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16/02/2012 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ; Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 20 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

[18] Đã trình Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trình Bộ Chính trị Đề án về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ, Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; Đề án tập sự lãnh đạo, quản lý…

[19] Đến tháng 12/2015 đã ban hành 15 Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Cán bộ, công chức; 04 Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Viên chức.

[20] Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017; Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.

[21] Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

[22] Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, các Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử…

Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014 phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính; Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/7/2015 về tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/9/2015 đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Chỉ thị số 15/CT-TTg  ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

[23] Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng. Tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 14.256 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 6.071 tỷ đồng, 66.900 ha đất.

[24] Trong các phiên họp thường kỳ hàng quý, Chính phủ nghe Tổng thanh tra báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 30 văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ khi Luật tiếp công dân có hiệu lực (1/7/2014), Tổng thanh tra Chính phủ đã tiếp 20 vụ việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp 15 vụ việc.

Trong nhiệm kỳ, các cơ quan đã tiếp 1.864.724 lượt công dân (21.705 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 609.999 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 214.113 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86%; đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho công dân 2.346 tỷ đồng, 1.234 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.054 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 187 vụ, 445 người.

[25] Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP; Quyết định số 31/2011/QĐ-TTg ngày 02/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

Đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; lập biên bản, ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng. Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham những với số tiền 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

[26] Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

[27] Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới; phê duyệt đề án bảo đảm công tác an ninh trong tình hình mới. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 09-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và khắc phục ùn tắc giao thông.

[28] Trong 5 năm qua, đã thiết lập thêm 9 quan hệ đối tác chiến lược, 3 quan hệ đối tác toàn diện; đưa tổng số đối tác chiến lược lên 15 (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines) và đối tác toàn diện lên 10 nước (Nam Phi,  Chile, Brazil, Venezuela, Úc, New Zealand, Argentina, Ukraine, Hoa Kỳ, Đan Mạch), trong đó có quan hệ đối tác sâu rộng, toàn diện với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực; hợp tác quốc phòng an ninh chặt chẽ; hoàn thành cắm mốc biên giới và dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới giữa hai nước; hợp tác kinh tế phát triển thuận lợi, Việt Nam luôn trong nhóm 03 nước có quan hệ thương mại-đầu tư lớn nhất của Lào. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Campuchia tiếp tục phát triển ổn định, công tác phân giới cắm mốc cơ bản hoàn thành 90%. Nhật Bản tiếp tục là đối tác phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ hai nước trong 5 năm qua không ngừng dược phát triển và nâng lên Đối tác chiến lược sâu rộng (3/2014). Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đăng ký cho đến thời điểm này là 37,9 tỷ đô la cho 2.706 dự án. Kim ngạch song phương giữa hai nước năm 2015 đạt 28,6 tỷ đô la. Quan hệ Việt Nam-Nga tiếp tục phát triển, nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện (2012). Với các nước ASEAN, ta đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực. Triển khai nhiều hoạt động ngoại giao song phương và đa phương với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei nhằm củng cố quan hệ chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch; duy trì đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ 03 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

[29] Thủ tướng Chính phủ đã tham gia 34 diễn đàn đối ngoại đa phương cấp cao, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam và góp phần tích cực giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Nổi bật là trong ASEAN, Liên Hợp Quốc, Cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về An ninh hạt nhân... Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, xây dựng Tầm nhìn chiến lược 2025. Việt Nam bước đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (năm 2014) và Cộng hòa Trung Phi (năm 2015).

[30] Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật nhà ở; Nghị định 82/2015/NĐ-CP về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đã đưa trên 11.000 lao động (năm 2011) và 1.750 lao động (năm 2014) ở Lybia về nước; bảo hộ và sơ tán hàng ngàn công dân ta khỏi các khu vực có khủng hoảng  (Ukraine, Ai Cập, Algeria, Nepal); bảo hộ, cứu nạn kịp thời 855 tàu cá trong gần 500 vụ việc liên quan đến 6.200 ngư dân ta trên Biển Đông. Lượng kiều hối hàng năm tăng; năm 2014 là 12 tỷ USD, năm 2015 là 12,5 tỷ USD.

[31] Đến nay, Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó năm 2015 ký FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, FTA với Hàn Quốc và 2 Hiệp định FTA thế hệ mới là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đang tích cực đàm phán nhiều Hiệp định FTA mới.

Các FTA song phương đã ký: Việt Nam-Chile (CVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA); Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan); Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); Việt Nam-EU (EVFTA).

Các FTA đa phương đã tham gia: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA); các FTA giữa ASEAN với các nước: Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Nhật Bản (AJFTA), Ấn Độ (AIFTA), Úc-Niu Di lân (AANZFTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các FTA đang đàm phán: FTA giữa Việt Nam và Israel; FTA giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do Châu Âu (gồm Thuỵ Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (gồm ASEAN và Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Trung Quốc); FTA ASEAN-Hong Kong.

Đã ký 13 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và 03 Nghị định thư trao đổi thông thuế (Bỉ, Singapore và Hong Kong), nâng tổng số Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký lên 74 Hiệp định, trong đó có 61 Hiệp định đã có hiệu lực. Trong 5 năm qua, đã có thêm 38 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số lên 59 nước.

Đã huy động có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài (ODA, vốn vay ưu đãi, FDI) cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị ODA và vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, tăng 5,36% so với giai đoạn trước; giải ngân đạt khoảng 23,22 tỷ USD (giai đoạn 2006-2010 là 13,86 tỷ USD). Tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 99 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 60,5 tỷ USD, tăng 35,6% so với giai đoạn trước.

[32] Báo cáo số 627/BC-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ về tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015./.

Chính phủ

Các tin tức khác

>   “Quốc hội nhận trách nhiệm trước yếu kém của đất nước” (22/03/2016)

>   Tổng Giám đốc IMF: Không cải cách, kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro (21/03/2016)

>   8 giải pháp của Chính phủ để phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (21/03/2016)

>   Hơn 3 năm tái lập, Ban Kinh tế T.Ư đã làm được những gì? (21/03/2016)

>   Một nhiệm kỳ Quốc hội, hai lần bầu nhân sự cấp cao (21/03/2016)

>   Tân Thủ tướng tuyên thệ ngày 7/4 tới (20/03/2016)

>   Thất nghiệp có xu hướng giảm (18/03/2016)

>   Giảm bội chi để có thể huy động “của để dành” (18/03/2016)

>   Quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng ODA (17/03/2016)

>   Hiệp thương bầu Quốc hội: Phân bổ ít nhất 35 người ngoài Đảng (17/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật