Tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới rút khỏi Nga
Phản ứng mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại trước những quy định mới của Nga đối với các tổ chức đánh giá tín nhiệm...
Từ lâu, các hãng đánh giá tín nhiệm đã ra sức vận động để Nga không đưa ra các quy định mới, nhưng không thành công - Ảnh: Financial Times.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service sẽ rút khỏi thị trường Nga trong bối cảnh các tổ chức đánh giá tín nhiệm toàn cầu rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa một bên là luật mới của Nga và một bên là lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow - tờ Financial Times cho biết.
Theo tờ báo trên, Moody’s ngày 9/3 tuyên bố sẽ ngừng hoạt động đánh giá tín nhiệm nội địa tại Nga sau khi “những thay đổi về pháp lý và các hạn chế tiềm tàng khác” ảnh hưởng đến hoạt động của liên doanh Moody’s Interfax Rating Agency (MIRA).
Ngay khi việc đánh giá tín nhiệm nội địa của Moody’s tại Nga kết thúc, liên doanh MIRA sẽ bị đóng cửa.
Quyết định của Moody’s đánh dấu phản ứng mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại trước những quy định mới của Nga đối với các tổ chức đánh giá tín nhiệm.
Quyết định này cũng cho thấy nguy cơ thị trường tài chính của Nga có thể càng bị cách ly xa hơn với thị trường tài chính toàn cầu - một kết quả của việc Moscow bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vì vai trò trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Hoạt động đánh giá tín nhiệm nội địa đưa ra mức điểm tín nhiệm đối với các nhà phát hành và nghĩa vụ tài chính bên trong biên giới của một quốc gia.
Theo điều chỉnh luật được thông qua vào năm ngoái của Nga, có hiệu lực từ năm 2017, Moscow chỉ cho phép các tổ chức đánh giá tín nhiệm được đánh giá tín nhiệm nội địa thông qua một chi nhánh tại Nga. Chi nhánh này phải tuân thủ một số điều kiện nhất định, bao gồm đảm bảo không rút lại đánh giá tín nhiệm do sức ép chính trị từ bên ngoài.
Luật mới cũng yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nga phê chuẩn việc áp hoặc rút đánh giá tín nhiệm nội địa.
Quy định mới này có thể khiến các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế hoặc vi phạm luật phương Tây hoặc luật Nga một khi họ đánh giá tín nhiệm các tổ chức phát hành của Nga đang chịu lệnh trừng phạt.
Moody’s là tổ chức duy nhất trong số 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới có liên doanh tại Nga.
Tháng trước, Fitch tuyên bố đang cân nhắc rút khỏi hoạt động đánh giá tín nhiệm nội địa tại Nga do quy định mới. Fitch mới chỉ đánh giá tín nhiệm các công ty Nga thông qua chi nhánh tại nước này, nhưng chi nhánh này không còn hợp pháp theo luật mới.
Về phần mình, Standard & Poor’s cho biết vẫn đang xem xét các lựa chọn cho thị trường Nga.
Tuy vậy, theo giới quan sát “tam đại gia” đánh giá tín nhiệm sẽ tiếp tục việc đánh giá tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành nợ của Nga trên phạm vi toàn cầu. Ước tính, khoảng 150 đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng bởi quyết định của Moody’s, dù một phần lớn các công ty Nga được Moody’s đánh giá nội địa nằm trong hệ thống đánh giá quốc tế của tổ chức này.
Từ lâu, các hãng đánh giá tín nhiệm đã ra sức vận động để Nga không đưa ra các quy định mới kể trên, nhưng không thành công.
Sau khi thông qua các quy định mới, Nga mở một tổ chức đánh giá tín nhiệm riêng của nước này là Analytical Credit Rating Agency nhằm tạo đối trọng với các tổ chức đánh giá tín nhiệm phương Tây. Tổ chức này đã đi vào hoạt động hồi tháng 11 năm ngoái.
Tháng trước, Nga tuyên bố lên kế hoạch cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine hồi năm 2014. Đây được xem là một nỗ lực của Moscow nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới giữa lúc nền kinh tế nước này bước sang năm suy thoái thứ hai liên tục.
Tuần trước, Moody’s cảnh báo xem xét hạ điểm tín nhiệm Chính phủ Nga. Hiện Moody’s dành cho trái phiếu chính phủ Nga định hạng tín nhiệm “rác” (junk - hạng không khuyến nghị đầu tư).
Thăng Điệp
vneconomy
|