Thứ Ba, 29/03/2016 07:47

Thu 1 mét vuông đất ở, đền bằng 1kg thịt bò

Đó là giá đền bù mà các hộ dân bị thu hồi đất ở dự án xây dựng tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương (hay còn gọi đường vành đai phía Nam giai đoạn 2 tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhận được.

Ngoài ra, người dân bị giải tỏa còn cho rằng việc áp dụng qui định giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc ở dự án này vô lý, lạc hậu. Bởi họ bị giải tỏa năm 2015 nhưng lại được đền bù theo giá ban hành năm 2012.

 

Một người dân ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho rằng giá đền bù quá thấp khiến dân không đủ tiền làm nhà nơi ở mới - Ảnh: Hữu Khá

Thu 79,9m2 đất ở đền 22,3 triệu đồng!?

Để phục vụ dự án đường Hòa Phước - Hòa Khương, UBND huyện Hòa Vang đã có quyết định thu hồi của bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) 381m2 đất ở.  

Khi bị thu hồi, 1m2 đất ở của bà Hồng được nhà nước đền bù với giá 280.000 đồng, như vậy với 381m2 đất ở bà Hồng được đền tổng cộng gần 107 triệu đồng.

Theo thông báo của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng, hộ gia đình bà Hồng được TP giải quyết bố trí lại 1 lô đất tái định cư diện hộ chính đường 7,5m. Bà Hồng có quyền được chọn 1 lô đất tái định cư ở tại khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ hoặc khu dân cư số 1 đường ĐT 605 (giai đoạn 2).

Sau đó tháng 4-2015, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng phát đi thông báo yêu cầu hộ gia đình bà Hồng đến nhận tiền đền bù.

Tuy nhiên, bà Hồng không chịu nhận tiền. Lý do, số tiền bà được nhà nước đền bù không đủ để mua lại một lô đất tái định cư do nhà nước bố trí để làm nhà ở.

Được biết, giá đất tái định cư do UBND TP Đà Nẵng ban hành tại 2 khu tái định cư là khu B - Khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ với loại đường 7,5m có giá thấp nhất là 1.760.000 đồng/m2 và khu dân cư số 1 đường ĐT 605 (giai đoạn 2) với tuyến đường 7,5m là 1.080.000 đồng/m2.

Như vậy, nếu bà Hồng muốn nhận 1 lô đất diện tích 100m2 ở vị trí có giá trị thấp nhất ở khu B - khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ thì phải nộp 176 triệu đồng. Tương tự, nếu bà nhận một lô đất tái định cư khu dân cư số 1 đường ĐT 605 (giai đoạn 2) thì ít nhất phải nộp 108 triệu đồng.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hiền (trú tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chị Hiền có khu đất ở 150m2, bị nhà nước thu hồi 79,9m2, không được bố trí lại đất tái định cư.

Với giá 280.000 đồng/m2 đất ở, số tiền chị được đền bù là 22,3 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn được đền bù vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất là 8,7 triệu đồng.

“Khi biết tin được đền bù đất với số tiền 22,3 triệu đồng tôi thấy thật tức cười. Sao lại đền bù với giá rẻ như vậy. Đền 1m2 đất ở chỉ 280.000 đồng, giá chỉ bằng 1kg thịt bò thì ai mà chấp nhận được" - chị Hiền nói.

Giá bồi thường năm 2012?

Theo các hộ dân dự án giải tỏa năm 2015 nhưng khi áp giá đền bù Trung tâm phát triển quỹ đất TP lại chiếu theo quyết định năm 2012 để thực hiện khiến giá bồi thường cực thấp.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nguyên nhân giá đền bù thấp là do Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng áp dụng căn cứ quyết định 63 năm 2012 của UBND TP Đà Nẵng qui định về giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Thương, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, tuyến đường dự án dài 10km đi qua 4 xã với 1.272 hồ sơ giải tỏa liên quan (trong đó có 467 hồ sơ đất ở và 805 hồ sơ đất nông nghiệp).

Ông Thương cho biết hiện nay đã hoàn thành việc giải tỏa đền bù với tất cả hồ sơ đất nông nghiệp, riêng các hồ sơ giải tỏa về đất ở và vật kiến trúc thì vẫn gặp vướng.

“Địa phương đang thực hiện từng bước, các hộ nào thống nhất thì di dời, còn ai chưa thống nhất thì vẫn cứ để đó chứ chưa kiên quyết buộc di dời ngay. Do nhiều hộ dân đề nghị được hỗ trợ chênh lệch giá để có điều hiện xây dựng lại nhà ở mới nên mình vẫn đang thận trọng xem xét từng trường hợp”- ông Thương, nói.

Theo ông Thương đa số các hộ dân đều cho rằng giá bồi thường quá thấp. Tuy nhiên đơn giá là quy định chung của thành phố vượt ngoài thẩm quyền của huyện. Về giá đất tái định cư ở nơi ở mới mà người dân phản ánh quá cao, ông Thương cho rằng đây là giá hợp lý bởi nhà nước đã “đầu tư tất cả”.

“Anh ở nơi nông thôn ra nơi ở mới có đèn điện, đường thảm nhựa, nền đất đẹp thì phải chấp nhận giá cao là đương nhiên”- ông Thương cho biết.

Tuy nhiên, điều mà ông Thương nói không được người dân đồng tình. Bởi người dân cho rằng nhà nước có cho nợ thì người dân cũng phải trả. Ở đây họ đòi hỏi công bằng về chính sách giá chứ không phải nhà nước có cho nợ hay không.

Riêng với trường hợp thu hồi 79,9m2 đất nhưng không giải quyết đất tái định cư và chỉ được đền 22,3 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Hiền, ông Thương nói lô đất này chỉ bị cắt một phần, không ảnh hưởng nhà cửa nên chỉ đền bù tiền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Anh, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất cho biết: “Tất cả việc áp giá đền bù của dự án này đơn vị thực hiện theo đúng qui định của TP. Hiện trạng như thế nào thì đền bù như thế ấy chớ biết làm sao".

Khi PV hỏi việc áp dụng giá đền bù như vậy là đúng qui định nhưng có hợp lý với thực tế hay không thì ông Anh không trả lời. Ông Anh nói giá đền bù hoặc giá đất tái định cư cao hay thấp là “tùy theo nhận định của mỗi người".”

Vì sao giải tỏa năm 2015 nhưng lại áp dụng giá đền bù nhà cửa theo qui định năm 2012? Ông Anh nói: “Trước giờ có thay đổi gì đâu, giá bồi thường theo qui định hiện hành".

Mong điều chỉnh lại giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có chức vụ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng trực tiếp tham gia chỉ đạo điều hành việc áp giá đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư ở dự án xây dựng tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương nói: “Việc TP bán đất tái định cư cho các hộ giải tỏa với giá như vậy người ta có ý kiến là đúng. Đối với các hộ thuộc diện dự án này thì cần phải điều chỉnh giá đất tái định cư cho phù hợp".

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Gian bếp yêu thương – Món quà tặng vợ (30/03/2016)

>   ĐHĐCĐ Dabaco: “Dứt duyên” với BĐS, tập trung vào chăn nuôi (28/03/2016)

>   Hơn 4.000 trường hợp phân lô, tách thửa (28/03/2016)

>   Metro có nguy cơ “đứng bánh” vì kẹt tần số vô tuyến (28/03/2016)

>   Hà Nội xây trung tâm thương mại trên ‘đất vàng’ Công viên Thống Nhất (28/03/2016)

>   1.000 tỉ đồng lát đá granit khu trung tâm TP.HCM (28/03/2016)

>   Giá nhà thế giới sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong dài hạn (28/03/2016)

>   IPO Tín Nghĩa sẽ không “ế” như Sonadezi? (29/03/2016)

>   Tuyến buýt nhanh BRT nghìn tỉ hiện đại nhất Thủ đô: Chậm tiến độ, lãng phí (28/03/2016)

>   Bộ bắt đầu “siết” chủ đầu tư chung cư? (27/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật