Rà soát các trường hợp “mập mờ” về gói 30 nghìn tỷ đồng
Với những hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng, hay nhân viên môi giới BĐS cố tình mập mờ, khiến khách hàng chưa hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định khi trao đổi với báo chí ngày 11/3.
Vừa qua, theo một số thông tin trên báo chí và dư luận phản ánh việc một số khách hàng vay vốn Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP bất ngờ và lo lắng khi biết số tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định thời hạn khép lại gói vay 30.000 tỷ từ ngày 1/6/2016 đã được công bố ngay khi ký văn bản.
Thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được NHNN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN.
Thông tư 11/2013/TT-NHNN cũng đã quy định: Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 1/6/2013). Các nội dung hướng dẫn về gói 30.000 tỷ đồng cũng đã được truyền thông rộng rãi cho doanh nghiệp và người dân.
Trong các văn bản hướng dẫn của NHNN cũng đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở. Theo đó đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Không có có quy định nào là khách hàng chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường.
Ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia Chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng.
Thực tế, một số khúc mắc về lãi suất hiện nay một phần lỗi do khách hàng khi không đọc kỹ các quy định của pháp luật, không đọc kỹ hợp đồng tín dụng. Vì Thông tư 11 đã ban hành từ năm 2013. Tuy nhiên thực tế cho thấy khi tiếp cận những căn hộ đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng, nhân viên môi giới giải thích rõ ràng rằng những khoản tín dụng của hợp đồng vay vốn giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ không được hưởng ưu đãi lãi suất 5%/năm mà phải chịu lãi suất thả nổi của ngân hàng thương mại quy định, hoặc trong hợp đồng cũng không ghi rõ.
Do đó, ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định với những hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khiến khách hàng chưa hiểu rõ, NHNN sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp. Thực tế, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.
Huy Thắng
Chính Phủ
|