Nhịp đập Thị trường 14/03: Rung lắc nhẹ
Thị trường vẫn tích cực, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ trong phiên ngày 14/03 nhưng thanh khoản đột biến nhờ giao dịch sang tay khủng của MSN. Mặc khác, UPCoM-Index tăng gần 1.8% lên 52.2 điểm và hàng “hot” VGG của May Việt Tiến tiếp tục “cháy hàng”. Khối ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên cả hai sàn. Nhóm dầu khí, công nghệ và thép tăng đồng thuận.
Trên sàn HOSE, chỉ số có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng cũng là thấp nhất, với 0.12% tương ứng với chỉ số VN-Index dừng lại tại 577.98 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index trên sàn HNX có phiên điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên tăng liên tiếp. Thanh khoản phiên hôm nay tăng đột biến với hơn 230 triệu đơn vị, tương ứng 5,800 tỷ đồng được giao dịch nhưng không phân bố đều. Tính đột biến có được nhờ giao dịch “sang tay” của cổ phiếu MSN hơn 3,000 tỷ đồng.
VN-Index tăng điểm nhờ sự đóng góp không nhỏ giao dịch thỏa thuận của MSN. Tính cả phiên hôm nay thì từ đầu năm 2016, MSN đã “sang tay” gần 59 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 4,120 tỷ đồng. Trên sàn, giá cổ phiếu MSN tăng hơn 2% để giao dịch tại mốc 75,000 đồng/cp. Cũng liên quan đến Massan, được biết là Singha Asia Holding Pte Ltd đã góp vốn lần đầu 650 triệu USD vào các công ty thành viên của MSN.
Về các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu dầu khí và công nghệ duy trì được sắc xanh trong hầu hết phiên, sự tăng giá mang nhiều yếu tố nội tại hơn là các thông tin. Đáng chú ý là GAS và FPT - hai cổ phiếu đầu ngành cũng là bluechips. Tuy nhiên, nhà đầu tư chú ý rằng giá đóng cửa cao hơn phiên trước nhưng lại thấp hơn giá mở cửa. Hai trường hợp này cho thấy lượng gia tăng khi tiếp cận vùng giá cao hơn, tương ứng 48,500-49,500 đồng/cp của cả GAS và FPT.
Ngoài ra, cổ phiếu ngành thép từ "to đầu" đến "liu riu" đều đón nhận rất tích cực trước thông tin về việc Việt Nam áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Đáng chú ý, cổ phiếu HPG tăng 4% lên 30,000 đồng/cp, cao nhất kể từ đầu năm. Trong khi đó, TLH tăng quá hưng phấn và đóng cửa trần, sau một tuần nhà đầu tư có lợi nhuận 28% từ cổ phiếu này.
Cổ phiếu HAG đã công bố lãi ròng gần 40 tỷ trong quý 4/2015, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2015, chỉ tiêu này ở mức 583 tỷ đồng, cũng tăng 162% so năm 2014. Tuy nhiên, thị trường “trơ” trước tin tốt này, cổ phiếu HAG lạnh lùng đóng cửa tại giá tham chiếu, khối lượng khớp chỉ đạt 3.9 triệu đơn vị thấp hơn trung bình trong tuần trước.
Khối ngoại mua ròng hơn 2.2 triệu đơn vị, giá trị lên đến 32 tỷ đồng trên HOSE. Khối ngoại cũng mua ròng hơn 8 tỷ đồng trên HNX.
13h30: Sôi động nhờ MSN
Thị trường tích cực hơn so với cuối phiên sáng nhờ vào sự cải thiện của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Kèm theo thanh khoản đột biến xuất hiện, với giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt 4,500 tỷ đồng.
Đặc biệt, cổ phiếu MSN thỏa thuận gần 44.8 triệu cp tương đương hơn 3,100 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực cũng xuất hiện trên nhóm ngân hàng khi VCB và BID xanh nhẹ trở lại.
VHG vượt mặt FLC về thanh khoản, hiện khớp khối lượng lớn nhất trên 2 sàn, tương ứng 4.7 triệu đơn vị, giá VHG tăng lên 6,000 đồng/cp. Cổ phiếu thép cũng giao dịch sối động hơn HPG, HSG và TLH rất đáng chú ý.
Phiên sáng: Ngân hàng “ghìm chân” thị trường
Nhóm dầu khí và công nghệ tăng khá tốt nhưng ngược lại nhóm ngân hàng và tài chính cho thấy sự điều chỉnh ngay trong phiên về mức giá tham chiếu trở xuống trên hầu hết các cổ phiếu. Do đó, VN-Index vẫn đang bị ghìm chân dưới mốc 580 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí làm tốt vai trò giữ nhịp cho thị trường. Cổ phiếu GAS tăng 300 đồng lên 48,400 đồng/cp, PVD tăng 400 lên 26,900 đồng/cp, PXS bó trần 12,900 đồng/cp với khối lượng đột biến lên đến 1.76 triệu đơn vị đã khớp, giá cao nhất kể từ đầu năm 2016.
Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đồng thuận tăng giá nhưng ở top đầu với những cái tên như FPT, ITD hay ELC. Nội bật là FPT khớp nhiều nhất nhóm với 760 ngàn đơn vị, giá tăng 500 đồng lên 49,000 đồng/cp. Mặt khác, nhóm ngân hàng và tài chính hầu hết điều chỉnh ngay trong phiên, lui về tham chiếu hoặc giá đỏ.
Một số cổ phiếu đơn lẻ như LCM, KMR, CSV, STG, IMP, CDC, HNM, VC7... tăng mạnh. Đáng chú ý, PVT đang vận động tích cực, giá được mua lên đã tăng gần 5%, chỉ cách hai bước giá là khớp trần 11,000 đồng/cp. Ngược lại, các cổ phiếu như GTT, TNT, NBB, SGO, PVL... rớt mạnh.
VN-Index tăng 0.2% lên 578.4 điểm, HNX-Index tăng 0.04% lên 80.1 điểm. Mức tăng này thua xa so với sàn UPCoM, chỉ số này tạm dừng 52.0 điểm tăng 1.49%. Giao dịch khá sôi động với giá trị sang tay hơn 36 tỷ đồng. Tâm điểm là cổ phiếu VGG của May Việt Tiến mới lên sàn phiên thứ 3 nhưng đã “cháy hàng” liên tục. Là bởi thanh khoản chỉ hơn 200 ngàn đơn vị nhưng đã không còn hàng để bán ra. Giá tăng vọt lên 74,000 đồng/cp. Được biết, May Việt Tiến hiện là công ty dệt may lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dẫn dầu thanh khoản là cổ phiếu PFL của CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam, giá tăng trần lên 1,800 đồng/cp.
Cổ phiếu MSN có giá trị thỏa thuận lớn nhất trong phiên sáng, với hơn 1.7 triệu đơn vị, giá trị lên đến gần 118 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 giá trị giao dịch thỏa thuận trên 2 sàn.
10h30: Lình xình
Thị trường đang giằng co trên 2 sàn. So với đầu phiên, số cổ phiếu giảm nhiều hơn và có phần cân bằng lại số cổ phiếu tăng. Do đó, nhiều cổ phiếu đang bị áp lực cung ra trong đó có 2 cổ phiếu bluechip như VNM và VCB. Điểm nhấn là nhóm dầu khí vẫn duy trì được sắc xanh.
Chỉ số chỉ tăng nhẹ lên 577.6 điểm đối với VN-Index và 80.1 điểm đối với HNX-Index. Khối lượng khớp đạt 66 triệu đơn vị với giá trị hơn 930 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí khá đồng thuận và vẫn duy trì sắc xanh. Được biết, giá dầu thô thế giới chốt phiên ngày 12/3 đã tăng cao nhất trong 1 tháng qua.. Tính chung trong thời gian qua, giá dầu thế giới đã phục hồi đáng kể khi tăng tới hơn 40%. Trong khi các cổ phiếu top đầu như GAS cũng đã tăng 61% tính từ đáy, PVD và PVS cũng tăng mạnh lần lượt là 46% và 34%. Nhưng có hai điểm đáng chú ý với nhóm này đó là tốc độ tăng đang chậm lại và sự rung lắc mạnh hơn.
Dầu khí tăng nhẹ nhưng cổ phiếu bluechips thì đã xuất hiện rung lắc nhiều hơn khiến thị trường vẫn bị “ghìm chân” dưới 580 điểm. Cụ thể, cổ phiếu BVH, CTG hay BID đã về tham chiếu sau phút đầu tăng nhẹ, còn VNM và VCB khá lình xinh đầu phiên thì lực cung ra khiến cổ phiếu giảm nhẹ sau đó.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép đang đón nhận thông tư tích cực trong ngắn hạn khi Việt Nam áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Các cổ phiếu như HSG, HPG, TLH, NKG… đều đồng loạt tăng giá.
Trong tuần này, thị trường cũng sẽ đón nhận thông tin về hoạt động tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETFs diễn ra.
Mở cửa: Chỉ số tăng nhẹ
Thị trường đang có mức tăng nhẹ trên cả 2 sàn. Trong đó, các bluechip giữ điểm cho VN-Index là MSN, BVH, GAS, VCB, BID và CTG.
Mặt khác, VNM chỉ tham chiếu trong khi VIC đang xuống dưới tham chiếu tại mức giá 45,100 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT đang được mua lên với lực cầu khá tốt hơn các phiên trước, hiện đã khớp hơn 250 ngàn đơn vị. Tuy nhiên, thanh khoản hiện tại của FPT là khá thấp so với giai đoạn thông tin SCIC thoái vốn. Ngoài ra, QCG, TCR, C47, ATA, STG... đang khớp giá trần, số mã cổ phiếu tăng cũng chiếm áp đảo so với số giảm.
Trên HNX, đang chú ý có cổ phiếu IVS khớp giá trần, khối ngoại mua vào gần 70 ngàn đơn vị và không bán ra. Ở chiều ngược lại, DPS và SGO tiếp tục bị xả mạnh mà chưa có lực cầu nào đáng kể để bắt đáy, 5 phiên gần đây cả hai cổ phiếu này đã rơi tự do trên dưới 20%.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 1.35 điểm lên 578.6 điểm, HNX-Index tăng 0.04 lên 80.1 điểm. Thanh khoản 2 sàn đạt khoảng 320 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đáng chú ý có CCI sang tay gần 1.7 triệu cp, giá trị lên đến 17.7 tỷ đồng./.
|