Thứ Năm, 17/03/2016 21:31

HoREA: quy định chỗ để ô tô chung cư gây thiệt cho người sở hữu

Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trong Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-4 tới đây, được cho là sẽ bất lợi đối với các chủ sở hữu nhà chung cư về quyền chuyển nhượng, cho thuê đối với chỗ để xe ô tô.

Theo khoản 4.d điều 8 của Thông tư này: "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư".

Một số người đang sở hữu căn hộ chung cư băn khoăn rằng quy định này chẳng khác nào đã giới hạn họ về quyền được bán chỗ để xe trong chung cư mà họ đã sở hữu.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tổ chức đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, cũng cho rằng quy định trên sẽ gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhà chung cư.

Trong công văn góp ý vừa gửi Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM về thông tư trên, HoREA cũng cho rằng: Quy định này vô hình chung đã hạn chế quyền của chủ sở hữu nhà chung cư đang sở hữu chỗ để xe ô tô và tạo lợi thế hơn cho chủ đầu tư, bởi chủ sở hữu nhà chung cư chỉ được chuyển nhượng, cho thuê lại chỗ để xe ô tô cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư.

Trong khi đó, thông tư đã không hạn chế quyền của chủ đầu tư đã sở hữu chỗ để xe ô tô. HoREA dẫn ví dụ rằng: Chung cư có 10 căn hộ, có 10 chỗ để xe ô tô, trong đó có tám chủ sở hữu chung cư mua tám chỗ để xe ô tô, hai chủ sở hữu chung cư còn lại không mua nên hai chỗ để xe ô tô này thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Sau một thời gian, lại có thêm hai chủ sở hữu chung cư bán lại chỗ để xe ô tô, nếu theo quy định của Thông tư thì chỉ được chuyển nhượng lại cho chủ sở hữu chung cư, hoặc người sử dụng chung cư, hoặc chủ đầu tư. Nếu hai chủ sở hữu chung cư ban đầu không mua, nay vẫn tiếp tục không mua thì có khả năng cả hai chỗ để xe ô tô này sẽ được chủ đầu tư mua, và sau đó, chủ đầu tư có thể bán, cho thuê lại cho người bên ngoài chung cư vì Thông tư đã không điều chỉnh hành vi này.

Theo HoREA, ở nhiều nước, thị trường mua bán chỗ để xe ô tô tự do, sau khi chung cư đưa vào sử dụng đều có quy định ưu tiên bán chỗ để xe ô tô cho chủ sở hữu chung cư, nhưng sau đó, chủ sở hữu được toàn quyền chuyển nhượng chỗ để xe ô tô này, người bên ngoài cũng có quyền mua lại chỗ để xe ô tô của chung cư nếu có nhu cầu.

Do vậy, để đảm bảo quyền của người chủ sở hữu chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư, Hiệp hội đề nghị sửa khoản 4.d điều 8: "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì phải ưu tiên chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó, nếu các đối tượng này không mua, không thuê thì được quyền chuyển nhượng, cho thuê cho người có nhu cầu".

Ngoài ra, quy định của Thông tư này yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị nhà chung cư là người chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó (khoản 1, điều 19) theo HoREA là chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Bởi vì tại nhiều chung cư cao cấp có đến 80-90% chủ sở hữu cho thuê căn hộ. Do vậy, nếu quy định phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó thì vô hình chung đã tước đi quyền của một số chủ sở hữu chung cư (không sống tại chung cư đó) tham gia thành viên Ban quản trị; trong lúc người thuê căn hộ chung cư này (nhiều trường hợp là người nước ngoài) thì có thể họ không có nhu cầu tham gia Ban quản trị.

Theo quy định của Thông tư thì trong những trường hợp này, sẽ chỉ có một số ít chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó có cơ hội tham gia Ban quản trị. Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 1 này là "thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu, hoặc đại diện chủ sở hữu, hoặc người đang sử dụng nhà chung cư đó" thì phù hợp với thực tế và khả thi hơn.

Khoản 1 điều 19 cũng quy định: "Các thành viên Ban quản trị nhà chung cư là người có sức khỏe, không có tiền án, tiền sự;" Quy định này đã tạo ra sự phân biệt đối xử và hạn chế quyền công dân. Người chấp hành xong án phạt tù, đã có quyền công dân thì được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư, còn việc người đó có được bầu vào Ban quản trị nhà chung cư hay không là do sự tín nhiệm hay không tín nhiệm của Hội nghị nhà chung cư.

Mặt khác, quy định này cũng xung đột và vi phạm khoản 2 và khoản 3 điều 3 Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định:"Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù".

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Quá thời hạn yêu cầu, Keangnam Vina chưa bàn giao đủ phí bảo trì (17/03/2016)

>   Lập đoàn thanh tra vụ Tổng Công ty Sông Đà tự chuyển nhượng dự án (17/03/2016)

>   Đà Nẵng: Thu hồi gần 446 ha rừng và đất trồng lâm nghiệp IC để phát triển SX (17/03/2016)

>   VCR: Kẹt dự án tỷ đô, cổ tức 2010 khất đến 31/03/2017 (17/03/2016)

>   TPHCM: Thu hồi hơn 380 m2 đất của VNPT ở quận 10 (17/03/2016)

>   TPHCM: Thực hiện dự án nâng cấp đường Lê Văn Chí thuộc quận Thủ Đức (17/03/2016)

>   Hà Nội: Gần 630 tỷ nạo vét trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4 (17/03/2016)

>   Vụ cao ốc đè vịnh Nha Trang: "Tỉnh nghiên cứu theo khu vực" (17/03/2016)

>   Thêm một gói 30.000 tỉ đồng, nên không? (17/03/2016)

>   Toàn cảnh thương vụ thâu tóm "đất vàng" 93 Láng Hạ (17/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật