Doanh nghiệp nắm 30% YAMAHA VN và 43,500 ha đất là đích đến tiếp theo của bầu Hiển
Theo phương án cổ phần hóa của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - VinaFor (VinaForVN) mới được Sở GDCK Hà Nội (HNX) công bố, đơn vị sẽ trở thành cổ đông chiến lược mua 140 triệu cp, tương đương với 40% vốn được VinaFor lựa chọn là một cái tên khá quen thuộc - CTCP Tập đoàn T&T.
Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (trước đây là Tổng Công ty Lâm sản Việt Nam) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được thành lập vào ngày 04/10/1995 trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng Công ty, Liên hiệp các xí nghiệp trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (cũ).
Giá trị thực tế của VinaFor để cổ phần hóa tại thời điểm 31/12/2014 (gồm công ty mẹ và 6 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước) là 3,945 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 3,458 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại VinaFor dự kiến sẽ giảm xuống còn 51% trên tổng vốn điều lệ là 3,500 tỷ đồng, bán cho cổ đông chiến lược (Tập đoàn T&T) 140 triệu cp, tương đương 40% và bán cho đối tượng khác 9% (trong đó bán đấu giá ra công chúng 6.96%, bán cho người lao động thường xuyên 0.68%, bán cho người có hợp đồng nhận khoán là 1.32% và bán ưu đãi cho công đoàn là 0.05%).
Tập đoàn T&T cũng không phải là cái tên mới xuất hiện, kể từ đầu năm 2015, Tập đoàn này do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là Chủ tịch HĐQT đã thể hiện mong muốn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sân bay, cảng biển, bênh viện cho đến các doanh nghiệp nhà nước. Thương vụ mới đây nhất được Tập đoàn này thực hiện là việc trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện Giao thông Vận tải và Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco với sở hữu đều trên 50%.
Vậy VinaFor có gì hấp dẫn đối với Tập đoàn T&T?
30% tại YAMAHA Việt Nam với mức cổ tức gần 91% cho năm 2014
Điểm cần chú ý đầu tiên khi nhắc đến VinaFor phải là danh sách các công ty con, liên doanh và liên kết, bởi không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi mà cổ tức nhận được từ những công ty này mới là nguồn lợi nhuận chính cho Tổng Công ty trong thời gian vừa qua.
Nguồn: BCTC Công ty mẹ trước soát xét năm 2015 của VinaFor.
|
Theo danh sách được công bố, hiện VinaFor đang có 19 công ty con với sở hữu trên 51%; 18 công ty liên kết với sở hữu từ 13% - 49% và 11 công ty liên doanh với sở hữu từ 17% - 49%. Với danh sách các công ty con, liên doanh, liên kết “khủng” như vậy, mức cổ tức mà Tổng Công ty này thu về bình quân 2 năm 2014 và 2015 là hơn 175 tỷ đồng. Trong đó, không thiếu những công ty con, công ty liên kết chi trả cổ tức cho VinaFor với tỷ lệ trên 100%, cá biệt có trường hợp chi trả cổ tức 2014 với tỷ lệ gần 175% (mức cổ tức mà công ty con này chi trả năm 2013 tỷ lệ 190%).
Đứng đầu về giá trị khoản vốn góp trong danh sách này phải kể tới 30% vốn góp vào YAMAHA Việt Nam (vốn điều lệ 539 tỷ đồng). Theo BCTC công ty mẹ năm 2015 của VinaFor, giá gốc và giá trị hợp lý của khoản vốn góp vào doanh nghiệp này tại thời điểm đầu năm là gần 162 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm cuối năm, con số này tăng vọt lên gần 916 tỷ đồng (chiếm 62% trên tổng giá trị vốn góp vào các đơn vị).
Khoản đầu tư vào YAMAHA Việt Nam cũng đem về “quả ngọt” cho VinaFor với mức cổ tức bình quân 3 năm 2012, 2013 và 2014 hơn 82% (riêng năm 2014 là gần 91%). Theo bản công bố thông tin, doanh nghiệp này đạt doanh thu 18,545 tỷ đồng trong năm 2014 với gần 648 tỷ đồng lợi nhuận.
"Hấp dẫn" lại từ đất
Bên cạnh dang mục “khủng” về công ty con, liên doanh và liên kết của VinaFor, một điểm cần chú ý khác liên quan đến Tổng Công ty này là quỹ đất đang quản lý và sử dụng trải dài khắp cả nước.
Trước cổ phần hóa, VinaFor quản lý khoảng 92,383 ha đất tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đất phi nông nghiệp là 191.6 ha và đất nông nghiệp là 92,192 ha. Riêng 2 thành phố là Hà Nội và Hồ Chính Minh là gần 6.8ha đất phi nông nghiệp.
Theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, tổng nhu cầu về diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty tại 12 tỉnh, thành phố khoảng 43,449.5 ha, bao gồm: 43,400 ha đất nông nghiệp và 48.8 ha đất phi nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp nằm chủ yếu ở các tỉnh: Gia Lai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đồng Nai, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Về kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa, VinaFor dự kiến sẽ đạt mức doanh thu, thu nhập khác 3,600 tỷ đồng trong năm 2016 và tăng lên 4,500 tỷ đồng vào năm 2018. Lãi ròng dự kiến từ 212 tỷ đến 274.6 tỷ đồng với mức cổ tức từ 5.5% tới 7.1%.
Về định hướng đầu tư, bên cạnh các dự án sửa chữa, cải tạo, đại tu máy móc, một dự án BĐS sẽ được Tổng Công ty tập trung hoàn thành trong 3 năm tới là Dự án xây dựng, khai thác và kinh doanh tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp tại số 55 đường 430 Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 1,000 tỷ đồng do liên doanh giữa VinaFor và CTCP Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư. Trong đó, VinaFor góp quyền sử dụng đất và sẽ được hưởng 3,100 m2 sàn sau khi dự án hoàn thiện (dự kiến quý 4/2017).
Nguồn: VinaFor
|
|