Chứng khoán nước nào tốt nhất thế giới dù kinh tế suy thoái và nợ nần?
TTCK Argentina và Brazil hiện đang bứt phá mạnh nhất thế giới
Brazil có một nền kinh tế khá tồi tệ, nhưng bù lại thị trường chứng khoán nước này được đánh giá là một trong số những thị trường tốt nhất thế giới trong năm nay.
Theo CNN Money, sự hồi sinh của giá hàng hóa cùng với việc mở rộng cuộc điều tra tham nhũng đã kích thị trường chứng khoán Brazil hồi phục. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số thị trường Bovespa đã nhảy vọt 14.1% về phương diện đồng USD, chỉ đứng sau chỉ số thị trường của Argentina với mức tăng ngoạn mục 14.7% trong năm 2016.
Thị trường chứng khoán có thể là một chỉ báo hiệu quả để đánh giá cảm nhận của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, Brazil lại là minh chứng mới nhất cho thấy sự tách biệt hoàn toàn giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Cụ thể, kinh tế Brazil đang suy yếu trong khi thị trường chứng khoán nước này lại tăng mạnh.
Không chỉ riêng Brazil, thị trường chứng khoán của một số nền kinh tế đang gặp khó khăn khác như Nga và Nam Phi cũng tăng điểm trong năm nay.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Brazil lại là một trường hợp cực kỳ đặc biệt. Kinh tế nước này đã trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 25 năm, được châm ngòi bởi vụ bê bối tham nhũng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Vụ bê bối này đã trở thành tâm điểm chú ý vào hôm thứ Sáu tuần trước khi cảnh sát Brazil bắt giữ cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva để thẩm vấn về vụ án tham nhũng trong tập đoàn Petrobras. Tuy nhiên, ông đã được thả chỉ sau vài giờ thẩm vấn. Hiện ông Lula vẫn là một biểu tượng của tầng lớp dân nghèo và lao động.
Vụ việc này đã khiến Brazil chao đảo. Tuy nhiên, ngay sau khi cảnh sát tuyên bố bắt giữ cựu Tổng thống, thị trường chứng khoán Brazil lại vọt 7% trong ngày thứ Sáu. Đồng Real của quốc gia này cũng tăng ngoạn mục gần 3% so với đồng USD.
Hành động của cảnh sát cũng tượng trưng cho hy vọng vụ bê bối tham nhũng sẽ dần đi đến hồi kết.
Xét cho cùng, nhà đầu tư thực sự muốn kết tội Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff và hy vọng Tổng thống đương nhiệm sẽ được thay thế bởi một người khác với những chính sách thân thiện với thị trường hơn.
Trong khi đó, động lực đem lại đà tăng 14.7% cho thị trường chứng khoán Argentina, thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới, xuất phát từ việc kết thúc cuộc chiến nợ nần với các trái chủ Mỹ. Qua đó, dọn đường cho Argentina trở lại thị trường vốn thế giới sau 15 năm.
Hơn nữa, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên lạc quan hơn khi Mauricio Marci nhậm chức Tổng thống. Nhà đầu tư hy vọng đội ngũ của Marci sẽ giúp nền kinh tế trì trệ của Argentina đi đúng hướng.
Ngoài ra, lý do quan trọng khiến nền kinh tế Brazil, Argentina và các quốc gia khác lao đao là do đà trượt dốc kéo dài của giá hàng hóa trong 2 năm qua. Nhiều nước đang phát triển dựa vào hoạt động xuất khẩu các loại hàng hóa như dầu, sắt, nước tương và cà phê để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá hàng hóa đã hồi phục trở lại. Cụ thể, giá dầu đã tăng mạnh trở lại sau khi chạm đáy vào giữa tháng 02/2016. Hôm thứ Hai, giá quặng sắt bay cao 16%. Ngay cả giá đậu tương cũng tăng nhẹ trong năm nay.
Sự hồi sinh của giá hàng hóa đã châm ngòi cho đà phục hồi của nhiều thị trường mới nổi. Cụ thể, thị trường chứng khoán Nga tiến 7.8%, chỉ số thị trường Nam Phi cộng gần 4% và sàn giao dịch chứng khoán Mexico cũng tăng 4.6%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ lại lùi 2.5% trong năm 2016.
Thị trường chứng khoán Brazil và các quốc gia khác có tiếp tục tăng điểm hay không tất cả còn phụ thuộc vào động thái của giá hàng hóa. Riêng trường hợp của Brazil, điều này phụ thuộc vào việc kết tội Tổng thống Rousseff diễn ra như thế nào./.
|