Thứ Ba, 29/03/2016 14:45

Anbang tiếp tục thách thức Marriott trong vụ mua lại Starwood

Tập đoàn bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) ngày 28-3 nâng giá mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide – tập đoàn sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton – lên 14 tỉ đô la Mỹ, ngăn cản thương vụ sáp nhập giữa Starwood và tập đoàn khách sạn Marriott International (Mỹ) để hình thành nên chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. 

Tập đoàn bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) ngày 28-3 nâng giá mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide – tập đoàn sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton – lên 14 tỉ đô la Mỹ, ngăn cản thương vụ áp nhập giữa Starwood và tập đoàn khách sạn Marriott International (Mỹ) để hình thành nên chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Báo Wall Street Journal cho biết mức giá mới mà Anbang đưa ra là 14 tỉ đô la Mỹ tiền mặt, hay 82,75 đô la Mỹ/cổ phiếu - cao hơn mức giá mà Anbang chào mua trước đó là 78 đô la Mỹ/cổ phiếu.

Trước đó vào ngày 21-3, Marriot dường như đã giành thắng lợi trước Anbang trong thương vụ mua lại tập đoàn khách sạn Starwood với giá đề xuất 14,41 tỉ đô la Mỹ, tương đương 85,36 đô la Mỹ/cổ phiếu. Tuy nhiên, Marriot chỉ trả tiền mặt 21 đô la Mỹ/cổ phiếu, còn lại trả bằng 0,8 cổ phiếu của Marriott (tăng/giảm theo từng thời điểm).

Ngày 28-3, Marriott tiếp tục khẳng định quyết tâm mua lại Starwood và cho biết đề nghị của Marriott sẽ mang lại cho các cổ đông Starwood giá trị lâu dài hơn.

Sau thông tin trên, cổ phiếu của Starwood tăng 2,54%, lên 84,2 đô la Mỹ/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu của Marriott tăng 4,1%, lên 71,46 đô la Mỹ/cổ phiếu – theo Reuters.

Không từ bỏ

Đề nghị mới nhất từ Anbang cho thấy tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc không dễ lùi bước trên đường xây dựng chuỗi khách sạn của họ. Năm ngoái, Anbang đã mua khách sạn Waldorf Astoria tại quận Manhattan, thành phố New York (Mỹ) với giá 1,95 tỉ đô la Mỹ. Anbang cũng đang thỏa thuận mua lại hãng sở hữu bất động sản sang trọng Strategic Hotels & Resorts với giá 6,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu có được Starwood, Anbang sẽ ghi thêm tên các thương hiệu hàng đầu như Sheraton vào bộ sưu tập của họ, đây sẽ là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất trong lịch sử các công ty Trung Quốc hoạt động trên thị trường bất động sản toàn cầu.

Vào tháng 11-2015, Starwood đã đồng ý bán chuỗi khách sạn cho Marriott với giá 63,74 đô la Mỹ/cổ phiếu. Theo đó, toàn bộ mạng lưới 1.270 khách sạn tại 100 nước dưới các thương hiệu Westin, Sheraton, Le Meridien và W sẽ thuộc về Marriott. Tuy nhiên, tập đoàn Anbang đã trở thành kẻ phá bĩnh khi đề xuất mua lại Starwood với mức giá cao hơn nhiều so với mức giá mà Marriott đưa ra.

Thỏa thuận sáp nhập cần sự chấp thuận của cổ đông Starwood. Với đề xuất mới của Anbang, Hội đồng quản trị Starwood có thể bị lung lay.

Trung Quốc vung tiền mua thế giới

Liên quan đến các vụ thâu tóm, Bloomberg nhận định các doanh nhân Trung Quốc đã phát triển công thức cho sự thành công khi mua tài sản trên khắp thế giới - lập tức trả “tiền tươi” mà các đối thủ cạnh tranh không có ý định bỏ số tiền lớn như vậy.

Vào tháng 1-2016, chiến thuật vung tiền để vượt đối thủ cạnh tranh được áp dụng bởi Tập đoàn vận tải nhà nước Cosco (Hồng Kông) khi mua thành phố cảng Piraeus (Hy Lạp). Cosco trả giá bằng tiền mặt 22 euro/cổ phiếu, khi các chuyên gia độc lập định giá thành phố cảng Piraeus từ 18,4-21,2 euro/cổ phiếu. Kết quả là ở giai đoạn cuối cùng, chỉ có 1 nhà thầu tham gia — đó là Cosco. Chính phủ Hy Lạp đã tuyên bố tập đoàn này là nhà đầu tư ưu tiên.

Trong một thương vụ khác, Tổng công ty hóa chất Trung Quốc (ChemChina) cũng khá dễ dàng đạt thỏa thuận với hãng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ) khi đề nghị thanh toán bằng tiền mặt 470 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu (cao hơn giá bình quân trên thị trường chứng khoán thế giới). Thỏa thuận này sẽ được ký kết trước khi kết thúc năm nay.

Nhà phân tích Dmitry Tratas bình luận về chiến lược của các doanh nhân Trung Quốc: "Mặc dù gần đây, lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm đi nhưng vẫn là nguồn dự trữ khổng lồ. Vì thế, các công ty Trung Quốc có thể dễ dàng được cung cấp khoản vay của chính phủ. Họ sẵn sàng mua mọi thứ, kể cả cảng biển và công ty nước ngoài. Bằng cách này, các công ty và chính phủ Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch bành trướng về kinh tế, đảm bảo sự hiện diện trong tất cả thành phần kinh tế và khu vực trên thế giới".

Nhà nghiên cứu chính trị Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, Alexander Larin, cho biết: "Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, chiếm vị trí thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản. Từ lâu, Trung Quốc quan tâm đến kinh doanh khách sạn. Trung Quốc đã xây dựng nhiều khách sạn tại các khu vực khác nhau trên khắp thế giới với sự giúp đỡ của các Hoa kiều. Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới không phải là trở ngại với Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc lợi dụng những khó khăn, tích cực mua bất động sản với giá rẻ hơn".

Phúc Minh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Brazil điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Odebrecht (29/03/2016)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt sa thải công nhân (29/03/2016)

>   Thủ tướng Ai Cập: Đất nước đang khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng (28/03/2016)

>   Giá nhà thế giới sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong dài hạn (28/03/2016)

>   Nông dân Thái Lan rơi vào cảnh nợ nần vì hạn hán (28/03/2016)

>   Thị trường surimi tăng thúc đẩy XK cá minh thái của Mỹ (28/03/2016)

>   Trung Quốc: 6 quốc gia sông Mekong “chia sẻ số phận” (26/03/2016)

>   Bất động sản Nhật tăng giá lần đầu tiên sau 8 năm (26/03/2016)

>   Giá căn hộ chung cư ở Anh trung bình tăng 1.000 bảng mỗi tháng (26/03/2016)

>   Brazil trong “vòng xoáy” khủng hoảng kinh tế - chính trị (26/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật