VPBank: Khoản trích lập dự phòng rủi ro tài sản có 2015 hơn 230 tỷ là do đâu?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tài sản có hơn 230 tỷ đồng phần lớn do cho khoản tiền gửi đã quá hạn.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 18% so với thời điểm đầu năm, đạt 193,876 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại VPBank tăng trưởng 20% lên 130,270 tỷ đồng.
Khoản mục cho vay khách hàng tại Ngân hàng cũng tăng mạnh 49% lên 116,804 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của VPBank tăng 58% lên hơn 3,145 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn cao gấp 2.6 lần đầu năm với 1,354 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của VPBank cũng tăng từ 2.54% lên 2.69%.
Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tại VPBank tăng 14% lên mức 4,520 tỷ đồng, trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt gần 567 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tài sản có khác của Ngân hàng lại giảm 30% xuống hơn 9,900 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu bên ngoài bao gồm đặt cọc theo các hợp đồng kinh tế, các khoản tiền gửi quá hạn được phân loại là tài sản có rủi ro tín dụng và phải thu khác giảm mạnh từ 7,000 tỷ xuống gần 1,920 tỷ đồng. Khoản mục tài sản có khác tăng 20% lên 3,800 tỷ đồng, bao gồm tài sản nhận gán nợ (từ các khách hàng vay nợ quá hạn và đang được VPBank xử lý thu hồi nợ theo quy định) 1,934 tỷ, phải thu các hợp đồng ủy thác đầu tư 887 tỷ đồng (trong đó có 750 tỷ ủy thác đầu tư cho một công ty quản lý quỹ để mua trái phiếu kỳ hạn hợp đồng 62 tháng và hưởng lợi tức theo kết quả kinh doanh thực tế, không có tài sản đảm bảo).
Đáng chú ý, VPBank có khoản dự phòng rủi ro các tài sản có nội bảng khác chiếm hơn 232 tỷ đồng (giảm 9%). Trong đó phần lớn là dự phòng cụ thể trích lập năm 2015 cho khoản tiền gửi quá hạn được phân loại sang tài sản có rủi ro tín dụng.
Lãi sau thuế 2015 tăng 90%
Về kết quả hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần trong năm 2015 của VPBank đạt hơn 10,350 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước.
Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác của Ngân hàng đột biến lên 875 tỷ đồng trong khi năm 2014 lỗ gần 7 tỷ đồng. Khoản này của VPBank phần lớn đến từ hoạt động mua bán nợ 622 tỷ và thu từ nợ đã xử lý rủi ro 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2015, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư của VPBank không gặp thuận lợi như những mảng còn lại. Trong đó, Ngân hàng chỉ đạt 28 tỷ đồng lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (năm 2014 là 465 tỷ) và lỗ thuần 290 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối.
Chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng 55% so với năm trước lên hơn 5,690 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank cao gấp 3.3 lần năm trước với hơn 3,277 tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt 2,395 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2014. Riêng trong quý 4/2015, VPBank đạt gần 500 tỷ đồng lãi sau thuế, cao gấp 2.7 lần so với cùng kỳ năm trước./.
|