Trung Quốc di dời 9.000 dân để xây kính viễn vọng khổng lồ
Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra chi phí khổng lồ về nhân lực để tiến hành cuộc săn lùng người ngoài hành tinh đầy tham vọng của mình.
Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin các nhà chức trách có kế hoạch di dời 9.000 cư dân trong vòng 5 km để nhường chỗ cho kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới, có tên gọi FAST, với đường kính 305 km, vượt qua cả kính viễn vọng Arecibo của Mỹ đặt tại Puerto Rico.
Các dự án kỹ thuật và khoa học lớn trị giá 185 triệu USD sẽ cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện các tín hiệu vô tuyến xa hàng chục tỉ năm ánh sáng, thúc đẩy việc tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay và hoạt động trong một lõm đá vôi tự nhiên trên ngọn núi hùng vĩ ở tỉnh Quý Châu. Vị trí hẻo lánh này tối thiểu hóa sự can thiệp từ các tín hiệu vô tuyến khác.
Mỗi cư dân sẽ nhận được 12.000 nhân dân tệ (1.838 USD) tiền bồi thường. Các dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tìm nhà sẽ được bồi thường thêm 10.000 nhân dân tệ (1.535 USD).
Kính viễn vọng vô tuyến FAST lớn nhất thế giới của Trung Quốc.
|
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc di dời người dân để xây dựng các dự án công cộng. Khoảng 1,2 triệu người đã tái định cư để nhường chỗ cho đập Tam Hiệp. Kính thiên văn sau khi được lắp đặt sẽ bằng kích thước của 30 sân bóng đá. Khi hoàn tất, nó sẽ có khả năng phát hiện các tín hiệu vô tuyến và lần ra dấu hiệu của sự sống từ các hành tinh quay xung quanh hàng triệu ngôi sao và hệ mặt trời.
Nan Rendong, nhà khoa học chịu trách nhiệm dự án FAST, nói với Tân Hoa xã vào năm ngoái rằng kích thước kính viễn vọng càng lớn thì việc nhận diện càng chính xác. Độ chính xác hoàn hảo của nó sẽ cho phép các nhà thiên văn quan sát Dải ngân hà, các thiên hà khác và phát hiện những ẩn tinh.
Vào tháng 7-2015, NASA phát hiện một hành tinh Kepler-452b giống Trái đất. Kepler-452b nằm trong "vùng Goldilocks" - vùng không gian xung quanh một ngôi sao mà các hành tinh trong đó có áp suất khí quyển vừa đủ để có thể tạo ra nước lỏng trên bề mặt và sự sống có thể phát triển trên những hành tinh này.
Việc phát hiện các tín hiệu vô tuyến từ hành tinh này vượt quá khả năng của các công cụ hiện tại nhưng Wu Xiang Ping, Giám đốc của Hiệp hội Thiên văn Trung Quốc, tự tin rằng kính viễn vọng FAST sẽ làm được.
Năm 2003 Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba đưa người vào quỹ đạo và kể từ đó, các phi hành gia Trung Quốc đã bước vào không gian, tiến hành thí nghiệm và đã gửi một tàu thăm dò lên mặt trăng. Trung Quốc cũng đang xây dựng một tên lửa hạng nặng nhằm đưa robot lên sao Hỏa và xây dựng một trạm không gian nặng 60 tấn.
Mai Khanh
pltphcm
|