Thứ Năm, 11/02/2016 19:37

Nới hạn trái phiếu VAMC, cấm ngân hàng chia cổ tức

Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị ban hành thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Thời hạn trước đây quy định là 5 năm, tới đây một số trường hợp có thể được giãn ra thành 10 năm.

Điểm chính của thông tư mới là tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ xử lý các vấn đề tài chính của các tổ chức tín dụng cần, sau khi đã bán nợ xấu và nhận về trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Đó là hướng dẫn cụ thể về việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt VAMC. Thời hạn trước đây quy định là 5 năm, tới đây một số trường hợp có thể được giãn ra thành 10 năm. Áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu này theo đó cũng được rải ra theo quãng thời gian dài hơn, thay vì dồn lại mà có thể gây thêm khó khăn đối với tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ định hướng về tinh thần của thông tư sắp ban hành: “Giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm duy trì các tỷ lệ lành mạnh tài chính và an toàn hoạt động trong thời gian tới cho các tổ chức tín dụng đang thực hiện cơ cấu lại hoặc khó khăn về tài chính bán nợ xấu cho VAMC”.

Như vậy, các đối tượng liên quan được xác định là các tổ chức tín dụng đang thực hiện cơ cấu lại hoặc khó khăn về tài chính. Các trường hợp cụ thể sẽ do Ngân hàng Nhà nước xét duyệt.

Như trên, với mục tiêu giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ khó khăn về tài chính cho các tổ chức tín dụng này khi thực hiện xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về điều kiện được gia hạn trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là các tổ chức tín dụng thực sự khó khăn tài chính thể hiện ở kết quả kinh doanh bị lỗ.

Tổ chức tín dụng được chấp thuận cho phép gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt phải sử dụng toàn bộ phần vượt giữa mức chênh lệch thu chi thực tế của năm tài chính so với mức chênh lệch thu chi dự kiến của năm tương ứng để trích lập thêm dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt đã được gia hạn ngay trong năm tài chính nhưng không vượt quá số tiền dự phòng rủi ro phải trích cho trái phiếu đặc biệt đó khi thời hạn là 5 năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định trên nhằm yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu khi tình hình tài chính trong năm được cải thiện.

Cũng theo tinh thần đó, các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức, để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán./.

Nhật Nam

VNeconomy

Các tin tức khác

>   TPP - hệ thống ngân hàng và hai mặt của tấm huy chương… (10/02/2016)

>   Cho vay bất động sản sẽ bị siết chặt  (09/02/2016)

>   Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất 2016 có thể giảm nhẹ (08/02/2016)

>   Eximbank: Quý 4/2015 lỗ hơn 463 tỷ đồng (09/02/2016)

>   SDF được sáp nhập vào MBB (05/02/2016)

>   NHNN phát hành 5,000 tỷ đồng tín phiếu kho bạc đầu 2016 (05/02/2016)

>   VietABank được bổ sung hàng loạt nội dung hoạt động (05/02/2016)

>   So với đầu tuần, giá vàng SJC tăng 430.000 đồng mỗi lượng (05/02/2016)

>   Ngân hàng DBS Bank Ltd - chi nhánh TP Hồ Chí Minh tăng vốn (04/02/2016)

>   VIB tăng trưởng tín dụng 25% trong năm 2015 (04/02/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật