TPP - hệ thống ngân hàng và hai mặt của tấm huy chương…
Ngày nhỏ, những khi lười ăn hay trốn uống thuốc là lại được nghe câu dọa: “Nhanh lên không con ‘ngáo ộp’ vào bắt bây giờ…”. Đôi lúc lấm lét hỏi nhỏ, con ‘ngáo ộp’ trông như thế nào thì chỉ nhận được nụ cười đầy bí hiểm…
Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng tại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (và trong cả hiệp định thương mại tự do với EU) về cơ bản giống như cam kết đã có khi gia nhập WTO
|
Nhưng, những lúc thành phố mất điện, ngồi trong lòng người lớn, biết là bóng người hắt từ ánh đèn dầu soi trên tường, nhưng vẫn sợ bóng, sợ gió, nghĩ đến đủ thứ quái đản…
“Tăng Sâm giết người”
Sách Cổ học tinh hoa của Trung Quốc kể chuyện rằng, thời Xuân Thu có ông Tăng Sâm người đất Phi là học trò Khổng Tử. Ông tính tình chân thật và có hiếu. Lúc bấy giờ có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông rằng: “Tăng Sâm giết người”.
Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, vẫn ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Đến lúc này, bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo nên bà mẹ tin con không thể là kẻ giết người. Vì thế, hai lần trước có người bảo "Tăng Sâm giết người", bà mẹ không tin. Nhưng đến lần thứ ba thì bà cuống cuồng chạy trốn. Thế mới thấy những chuyện đồn thổi, những cái sợ bóng sợ gió nó tác động mạnh đến con người ta thế nào.
So sánh nào có lẽ cũng là khập khiễng, nhưng từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, trong hệ thống ngân hàng, cái cụm từ “thách thức khi hội nhập” TPP xuất hiện nhan nhản, từ những diễn đàn chính thức đến câu chuyện trà dư tửu hậu. Nào là ngân hàng Việt sẽ mất lợi thế trên sân nhà khi nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường với những hậu thuẫn từ TPP, nào là nguy cơ nhãn tiền việc các ngân hàng bị thâu tóm, nguy cơ chảy máu nhân sự giỏi… vân vân và vân vân…
Nói là cứ “an nhiên” tọa hưởng thị trường nội địa thì là lạc quan tếu, nhưng “cái bóng” TPP liệu có ám ảnh đến vậy?
Điểm lại thông tin chính thức mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tại thị trường Việt Nam có gần 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 53 văn phòng đại diện, 4 ngân hàng liên doanh và 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Nếu bỏ ra ngoài 53 văn phòng đại diện (không được phép có hoạt động kinh doanh) thì số lượng thực thể có yếu tố nước ngoài đang hoạt động ngân hàng tại Việt Nam là gần 60 đơn vị.
Nếu so với con số 31 vào năm 2006, đúng là số lượng thực thể có hoạt động ngân hàng ngoại nhập tăng gần gấp đôi, thể hiện sự quan tâm lớn hơn tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy số tăng thêm này chủ yếu là các chi nhánh. Số lượng ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn ngoại vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, có ít nhất 3 ngân hàng đã hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu dưới hình thức chi nhánh, sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì chuyển từ chi nhánh lên thành ngân hàng 100% vốn (ANZ, HSBC và Standard Chartered).
Thực tiễn đó cho thấy điều gì? Một là, thị trường Việt Nam dường như vẫn chưa đủ mức hấp dẫn để các ngân hàng nước ngoài quyết định mở ngân hàng con (100% vốn). Thậm chí, hiện nay đã có những ngân hàng 100% vốn nước ngoài không còn mặn mà cho DN Việt Nam vay vốn. Hai là, số lượng thực thể nước ngoài tăng chủ yếu ở mảng “chi nhánh”, cho thấy ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam lúc này dường như chỉ là đi theo để phục vụ khách hàng chính quốc, những người đã quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Rõ ràng, 9 năm qua, cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng khi gia nhập WTO chưa gây ra sức ép cạnh tranh đáng kể cho các ngân hàng Việt Nam. Hệ thống ngân hàng có những thời điểm yếu đi là do các yếu tố nội tại chứ không phải do cạnh tranh từ các ngân hàng ngoại. Ngay cả trong thời gian mà các ngân hàng Việt Nam yếu nhất (2011 - 2014), các thực thể có yếu tố nước ngoài cũng không “tận dụng” được để gia tăng thị phần…
Theo một chuyên gia trực tiếp tham gia đàm phán TPP, cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng tại Hiệp định TPP (và trong cả FTA với EU) về cơ bản giống như cam kết đã có khi gia nhập WTO. Như vậy, thách thức tăng thêm trong lĩnh vực ngân hàng do tham gia TPP và FTA với EU là có, nhưng không quá đáng sợ.
Do cam kết trong TPP và FTA với EU là tương tự như cam kết khi gia nhập WTO nên tổng mức góp vốn mua cổ phần của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại từng ngân hàng TMCP Việt Nam vẫn không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng đó, trừ khi pháp luật Việt Nam có quy định khác hoặc được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Nói cách khác, trong thời gian tới, nếu pháp luật của ta không đồng loạt mở “room” (hoặc Ngân hàng Nhà nước không cho phép trường hợp nào “đặc cách”) thì không một ngân hàng TMCP nào, dù nhỏ đến mấy, lại có thể bị thâu tóm cả. Những lo lắng về việc quyền sở hữu các ngân hàng TMCP nhỏ sẽ “dần dần được chuyển cho nước ngoài” vì vậy, là không có cơ sở.
Thế mới hay, cái áp lực từ dư luận thiên hạ rất mạnh khi nói đến 2 từ “thách thức” mà chỉ nhìn ở ngọn chứ không nhìn từ gốc… Tấm huy chương nào cũng có hai mặt, nhưng người lạc quan là người mắt chiêm ngưỡng sự lấp lánh, đẹp đẽ, còn tay nắm chắc mặt xù xì, gai góc.
“Lợi mê lòng người”
Nhưng ai sẽ là những người lạc quan thận trọng này? Trên thực tế, chỉ một số ít ngân hàng hiểu rõ cạnh tranh của khối ngoại sẽ đến từ đâu? Thách thức nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư công nghệ hiện đại đời nào, lúc nào cũng có. Không có TPP hay FTA với EU thì câu chuyện này vẫn đến như thường…
Trong huy động, khối ngoại có lẽ chấp nhận thua ngân hàng nội vì thiếu một sự “linh hoạt” nhất định. Đối với cho vay, có 2 mảng là DN (tập đoàn kinh tế) và cá nhân (tiêu dùng, bán lẻ). Do đặc thù kinh tế Việt Nam và DN Việt Nam, khối ngoại chắc chắn “thua” khối nội trong mảng cho vay DN.
Chỉ khi nào môi trường kinh doanh Việt Nam có sự thay đổi về chất, dẫn đến sự thay đổi về chất của các DN Việt Nam thì khối ngoại mới có cơ cạnh tranh với khối nội về cho vay DN. Nhưng, mảng cá nhân thì khác. Đây là mảng mà khối nội, nếu không sớm tỉnh ra và cơ quan quản lý nhà nước, nếu không sớm có giải pháp khéo léo để giúp khối nội cạnh tranh với khối ngoại thì… sẽ lấm lưng, trắng bụng.
Mảng cá nhân là tương lai của dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam với trên 90 triệu dân, đa phần trẻ, mê công nghệ, độ phủ 3G-4G cao, nếu khối nội vẫn đam mê cho vay DN thì tới lúc nào đó ngoảnh lại, sẽ thấy tiếc nuối.
Còn bạn, những người trẻ hoặc trung niên, nếu ai đó có thể bảo đảm với bạn rằng bạn chỉ cần dùng điện thoại để nhận lương, vay tiền, thanh toán các khoản nợ, các loại hóa đơn và tiêu tiền ở mọi nơi bạn muốn thì bạn có đến với người đó không? Hay là bạn vẫn muốn giống ông bà của mình, thỉnh thoảng lại lãng mạn dắt tay nhau ra chi nhánh ngân hàng để xếp hàng, lấy số thứ tự, chờ gọi tên mình và khai đủ các loại giấy tờ?
Câu hỏi thật dễ có đáp án!
Một thách thức thực sự và cực kỳ to lớn nữa của các ngân hàng nội, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng có chất lượng. Nếu không thay đổi tư duy quản trị, các ngân hàng sẽ rất khó vượt qua thách thức về nguồn nhân lực.
Trong khi đó, chuyện tại không ít ngân hàng, những cuộc họp bất thường từ 7h tối đến 11h đêm là việc thường ngày ở huyện. Chuyện rằng, 11 giờ đêm, “sếp” gọi điện bảo, 4h sáng mai đi công tác với “sếp” là chuyện như cơm bữa. 11 giờ đêm “sếp” điện thoại mà không nghe máy, ngay lập tức ngày hôm sau “sếp” cho nghỉ việc. Và “sếp” muốn cho công ty sân sau của “sếp” vay tiền là quyền của “sếp”, việc của nhân viên chỉ là lo ký các giấy tờ…
Trên thực tế, thù lao tài chính không phải là tất cả bởi với đa số người giỏi, môi trường làm việc quan trọng không kém. Chừng nào các ông chủ, bà chủ nhiều ngân hàng TMCP Việt Nam vẫn còn coi ngân hàng này là “của tôi” và cần được điều hành “theo kiểu của tôi” thì chừng đó sẽ còn có sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Chuyện rằng nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: “Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này”. Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa. Người đàn bà cãi: “Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra”.
Anh kia nói: “Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dày, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cái áo thâm dày cho tôi, còn phải nói lôi thôi gì nữa!”. Lời bàn rằng, cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình mà không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái…
Nhuệ Mẫn
đtck
|