Hồng Kông tiếp tục là nền kinh tế “tự do nhất thế giới”
Việt Nam đứng thứ 131 trong xếp hạng này...
Hồng Kông từ lâu vốn nổi tiếng về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, cánh cửa rộng mở đối với các dòng chảy thương mại và tài chính.
|
Vùng lãnh thổ Hồng Kông giữ vững vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới năm thứ 22 liên tiếp - theo xếp hạng Chỉ số Tự do kinh tế (Index of Economic Freedom). Việt Nam đứng thứ 131 trong xếp hạng này.
Tin từ CNBC cho hay, Chỉ số Tự do kinh tế là một báo cáo thường niên do tờ Wall Street Journal phối hợp với Quỹ Di sản (Heritage Foundation) thực hiện. Chỉ số này đánh giá mức độ tự do kinh tế dựa trên 4 trụ cột chính, gồm quy định luật pháp, chi tiêu chính phủ và tự do tài khóa, hiệu quả của các cơ chế giám sát, và thị trường mở.
Được công bố ngày 2/2, báo cáo Chỉ số Tự do kinh tế cho biết người dân sống ở những nền kinh tế tự do kiếm được thu nhập cao gấp hơn hai lần so với ở các nền kinh tế khác và cũng có tuổi thọ dài hơn.
“Người Hồng Kông có thể tiếp cận dễ dàng hơn với mức lương cao hơn, có tuổi thọ dài hơn, và được sống trong môi trường tốt hơn. Tất cả những điều này đến cùng với tự do kinh tế”, ông Ed Feulner, nhà sáng lập Heritage Foundation, phát biểu.
Xếp hạng chia 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào 5 nhóm dựa trên điểm số: nhóm các nền kinh tế tự do (free) gồm các nền kinh tế được điểm từ 80-100; nhóm gần như tự do (mostly free) có điểm từ 70-79,9; nhóm tự do vừa phải (moderately free) có điểm từ 60-69,9; nhóm gần như không tự do (mostly unfree) có điểm từ 50-59,9 điểm; và nhóm không tự do (repressed) có điểm từ 40-49,9.
Trong đó, nhóm thứ nhất có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Hồng Kông (88,6 điểm), Singapore (87,8), New Zealand (81,6), Thụy Sỹ (81), và Australia (80,3).
Nhóm thứ 2 có 33 nền kinh tế, nhóm thứ 3 có 54 nền kinh tế, nhóm thứ 4 có 62 nền kinh tế, và nhóm thứ 5 có 24 nền kinh tế.
Với điểm số 54 điểm, tăng 2,3 điểm so với năm ngoái, Việt Nam đứng ở vị trí 131, thuộc nhóm thứ 4. Có hai nước trong khu vực Đông Nam Á cùng nhóm với Việt Nam gồm Indonesia (vị trí 99) và Campuchia (112).
Các nước Đông Nam Á còn lại gồm Thái Lan (67), Lào (155), Singapore (2), Philippines (70), Brunei (51), Myanmar (158), và Malaysia (29).
Đáng chú ý, 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc (144), Ấn Độ (123), Nga (153), và Brazil (122) đều cùng nằm trong nhóm 4 với Việt Nam.
Mỹ xếp thứ 11, còn Nhật Bản đứng ở vị trí 22 trong xếp hạng này, cùng thuộc nhóm thứ 2.
Theo báo cáo, điểm tự do kinh tế toàn cầu năm nay là 60,7 điểm, cao nhất trong 22 năm lịch sử của xếp hạng. Năm nay có thêm nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Myanmar và Philippines thăng hạng so với năm ngoái.
Trong khi đó, có 19 nền kinh tế phát triển bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Thụy Điển chứng kiến điểm số tự do kinh tế suy giảm.
“Với điểm về tự do lao động, tự do kinh doanh và tự do tài khóa giảm đáng kể, điểm số tự do kinh tế của Mỹ giảm 0,8 điểm, còn 75,4 điểm, thấp nhất từ trước đến nay”, Heritage Foundation cho hay.
Hồng Kông từ lâu vốn nổi tiếng về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, cánh cửa rộng mở đối với các dòng chảy thương mại và tài chính. Tuy nhiên, gần đây, vùng lãnh thổ này cũng phải đối mặt với một số vấn đề như chưa thiết lập được chế độ chuẩn về số giờ làm việc và một chương trình lương hưu cho toàn thể người dân.
Đối với Việt Nam, báo cáo ghi nhận sự cải thiện trong năm qua ở các yếu tố tự do tiền tệ, tự do đầu tư, tự do tài chính, tự do thương mại và tự do tài khóa.
An Huy
vneconomy
|