“Công xưởng thế giới” bị đóng cửa hàng loạt, hàng triệu người mất việc
Từng được mệnh danh là “Công xưởng thế giới” nhưng giờ đây, Trung Quốc đang đánh mất dần vị thế của mình.
Dự báo, trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 5,64 triệu người Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp.
|
Doanh nghiệp đóng cửa liên tiếp
Năm ngoái, tại vùng châu thổ Châu Giang ở Quảng Đông liên tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, kéo theo nhiều người dân tụ tập biểu tình kháng nghị.
Nhiều doanh nghiệp ở Đông Hoản, Thâm Quyến cũng làm ăn thua lỗ khiến cuộc sống hàng chục ngàn công nhân bị ảnh hưởng. Tính từ tháng 11/2014 – 11/2015, tại Đông Hoản có ít nhất 4.000 doanh nghiệp đóng cửa. Tuy con số này chưa được chính quyền thừa nhận, nhưng ông Thị trưởng Đông Hảo – Viên Bảo Thành cho biết, năm 2015 tình hình kinh tế của khu vực suy giảm nghiêm trọng, những doanh nghiệp hạng trung và nhỏ bị áp lực nặng nề, chỉ trong năm 2014 trước đó đã có 428 doanh nghiệp đóng cửa.
Ông Viên Minh Nhân – Cố vấn Hiệp hội Đài Thương ở Đông Hoản cho biết: “Không chỉ ở Đông Hoản, tình hình doanh nghiệp sản xuất trên toàn quốc đều giống như nhau. Hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ở Ninh Ba, Thường Châu, Vô Tích, Côn Sơn, Tô Châu, Thiên Tân… đều giảm ở mức 40% trở lên.”
Hàng triệu người mất việc
Vào cuối tháng 9 năm 2015, nhiều hãng truyền thông đã đưa tin về vụ sa thải hàng loạt lao động có tính lịch sử của Trung Quốc. Tập đoàn Longmay, công ty khai thác mỏ lớn nhất ở Đông Bắc Trung Quốc, đã công bố sa thải 100.000 nhân viên, tương đương 40% trong tổng lực lượng lao động 240.000 người của công ty.
Mới nhất, hôm 29/1/2016 vừa qua, Tân Hoa Xã dẫn lời Li Xinchuang – Giám đốc Viện Nghiên cứu và kế hoạch hóa trong ngành công nghiệp luyện kim rằng, trên cơ sở kế hoạch do lãnh đạo Trung Quốc đề xuất để giảm dư thừa công suất, ngành sản xuất thép của đất nước sẽ giảm sản lượng, cắt giảm khoảng 400.000 lao động,
Ông Li nói thêm rằng, một lượng lớn người lao động ở các ngành phụ trợ liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Theo một số ước tính, ở Trung Quốc, mỗi người lao động trong ngành công nghiệp thép sẽ cần 2 đến 3 công nhân phụ trợ khác. Điều này có nghĩa rằng sa thải 400.000 công nhân ngành thép thì tổng số việc làm bị mất sẽ là từ 1,2 đến 1,6 triệu lao động.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm công suất sản xuất thép 100-150 triệu tấn, như vậy, sản xuất than sẽ bị giảm theo một lượng đáng kể.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Tằng Tương Tuyền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu việc làm Trung Quốc cho rằng, nếu nước này muốn đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước thì phải chuẩn bị tinh thần đón nhận làn sóng người mất việc làm lần thứ hai.
Theo các chuyên gia, việc sản xuất vượt tầm kiểm soát khiến sản lượng dư thừa chính là nguyên nhân dẫn tới hàng triệu người Trung Quốc sẽ phải thất nghiệp.
Tính cho đến tháng 10/2015, có 9 lĩnh vực bị dư thừa sản lượng nghiêm trọng. Trong đó, tiêu biểu là công nghiệp than đá, khai thác mỏ kim loại đen, kim loại màu, giấy và sản phẩm từ giấy công nghiệp, với tổng số lao động là 27,31 triệu người, chiếm 5,6% tổng số việc làm.
Còn 8 ngành công nghiệp như: sắt và thép, than, xi măng, kính, dầu khí, hóa dầu, quặng sắt, kim loại màu có chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trưởng âm hơn 40 tháng liên tiếp, sự đóng góp của toàn bộ PPI công nghiệp giảm 70% -80%. “Giả thuyết trong tình huống xấu nhất, toàn bộ số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải đóng cửa trong 2 năm tới thì sẽ có thêm 5,64 triệu người thất nghiệp, bình quân 2,82 triệu người mỗi năm.”
Nguy cơ mất ổn định xã hội
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc phân tích: “Bây giờ nhiều người lao động nhập cư phải vật lộn để tìm hỗ trợ trong một nền kinh tế đang tuột dốc. Khi các nhà máy không còn tiền và các dự án xây dựng trở thành vô dụng trên khắp Trung Quốc, và điều cuối cùng mà Bắc Kinh lo sợ đó là tình hình bất ổn đã gia tăng”.
Xuất hiện nhiều người ăn xin tại các thành phố lớn tại Trung Quốc
|
Hôm 11/1 vừa qua, trên Nhân dân Nhật báo có bài viết “Đừng để quỷ nhập doanh nghiệp” phân tích, năm 2016 Trung Quốc sẽ đối diện một nguy cơ nghiêm trọng là “quỷ nhập doanh nghiệp” phải giải quyết. Đây là tình trạng doanh nghiệp bị mất năng lực phát triển cũng như khả năng hoạt động trên thị trường. Những doanh nghiệp này sẽ rơi vào trạng thái ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng do bị lỗ vốn qua nhiều năm và không còn khả năng trả nợ, thậm chí có thể phải đóng cửa.
Tuy nhiên bài viết cũng cho rằng, tuy tình trạng sức khỏe doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi của người lao động, nhưng chỉ cần người lao động “nỗ lực nâng cao bản thân, có sở trường kỹ năng tốt thì lúc nào cũng có thể tìm được công việc hợp lý”.
Mất việc làm có thể thổi bùng lên làn sóng biểu tình của người lao động đang ngày một gia tăng tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Số lượng các cuộc đình công của công nhân ở Trung Quốc đã tăng so với năm ngoái, đạt mức kỷ lục hơn 2.700 cuộc, tăng hơn 2 lần so với số lượng các cuộc biểu tình được ghi nhận trong năm 2014.
Hoàng Sang
dđdn
|