Thứ Ba, 02/02/2016 08:53

Giấc mơ ôtô Việt: Tin vào sự thực tâm của Nga

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, có thể sự giúp đỡ của Nga-Belarus thực tâm hơn, họ không chạy theo lợi nhuận cực đoan như doanh nghiệp Nhật, Hàn.

Bài học của Việt Nam

Bình luận về thông tin Việt Nam bắt tay Nga, Belarus lập liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, lời hứa của Nga và Belarus chỉ là một phần, quan trọng là từ lời hứa đến tổ chức thực hiện họ có làm được không. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện phải tùy thuộc vào hai phía: một là phía Nga-Belarus có thực lòng bàn giao công nghệ không và phía Việt Nam có tổ chức thành lập các doanh nghiệp và hỗ trợ chính sách không.

 

Việt Nam bắt tay Nga, Belarus lập liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng. Ảnh minh họa

"Việt Nam phải  tổ chức được một hệ thống doanh nghiệp làm nguyên phụ liệu, linh kiện. Ngoài ra phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đứng vững vì khi bắt tay vào làm, lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, bán khó có lãi. Sau đó phải có con người chịu khó chịu khổ, chịu thua lỗ để làm thì may ra Việt Nam mới có được công nghiệp ô tô. Còn cứ giữ cách làm như hiện nay - doanh nghiệp Việt ngồi trông chờ doanh nghiệp Nhật, Hàn đến đặt hàng, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ thì chắc chắn là họ sẽ không làm chuyện đó.

Tôi hy vọng sau 30 năm Việt Nam không hình thành được ngành công nghiệp ô tô nội địa, có thể bây giờ cơ quan quản lý Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm để quan tâm đúng mức hơn, có chính sách đầy đủ hơn. 

Tình trạng hiện nay đã bức xúc lắm rồi. Thái Lan chỉ cần 20 năm đã có ô tô của mình, Malaysia cũng thế, Campuchia thậm chí sẽ tiến nhanh hơn, còn Việt Nam 30 năm rồi chưa có gì cả. Đây là thất bại lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, trong khi đây là ngành có vị trí rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa. Muốn công nghiệp hóa thành công phải có ngành cơ khí và trong các loại cơ khí thì cơ khí ô tô là triển vọng nhất vì ô tô sẽ là sản phẩm tiêu dùng đại chúng, Việt Nam cứ đi nhập thì chẳng biết bao nhiêu tiền cho đủ. Vấn đề là các nhà quản lý Việt Nam có đủ tầm để làm việc này hay không", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, những doanh nghiệp ô tô FDI của Nhật, Hàn, châu Âu đầu tư vào Việt Nam có thể coi là làn sóng đầu tiên đầu tư vào Việt Nam làm ô tô nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp ô tô. Đó là vì các nhà đầu tư ô tô nước ngoài không muốn làm, họ lấy cớ số lượng ô tô tại Việt Nam còn ít nên không thể đầu tư vào các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đây chỉ là cái cớ, thực ra trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI này có sẵn các xưởng làm phụ tùng, linh kiện ô tô ở Hàn, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...,Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ và họ muốn tận dụng Việt Nam để bán ô tô.

Còn về phía Việt Nam, cơ quan quản lý buông trôi, không bám mục tiêu then chốt, cho nên các doanh nghiệp lắp ráp ô tô của Việt Nam cứ vật vờ, ngay cả Vinamotor là doanh nghiệp nhà nước bây giờ cũng phải cổ phần hóa, chưa nói gì đến doanh nghiệp tư nhân. .

"Thông thường, đối với các nước, thất bại của giai đoạn đầu sẽ là bài học cho giai đoạn sau, còn Việt Nam có làm được như vậy hay không thì chưa rõ", ông Nam băn khoăn.

Hy vọng vào thiện chí của Nga-Belarus

Đối với Nga, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp ô tô nước này vào thị trường Việt Nam có thuận lợi là: Trước đây Nga đã giúp Việt Nam xây dựng một số nhà máy cơ khí có liên quan đén phụ tùng ô tô, máy kéo như diesel Sông Công, Trung quy mô, Cơ khí chính xác... Nhưng Việt Nam đã bỏ rơi những nhà máy này từ nhiều năm trước. Bây giờ, nếu Nga-Belarus vào Việt Nam phục hồi các doanh nghiệp này thì họ có thể thay đổi tình hình hiện tại của công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, có thể sự giúp đỡ của Nga, Belarus tận tình, thực tâm hơn, họ không chạy theo lợi nhuận một cách cực đoan như các doanh nghiệp Nhật, Hàn. Việc liên doanh ô tô Việt Nam-Nga chọn dòng xe tải để phát triển cũng được ông đánh giá cao vì đến nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn xe tải nguyên chiếc, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa dòng xe tải của liên doanh này sẽ không phải cạnh tranh.

"Hiện nay xe tải của Nhật, Hàn công suất lớn, chất lượng tốt, trong khi xe tải Trung Quốc lại có giá rẻ. Do đó, xe tải Nga sẽ phải cạnh tranh tứ phía và phải tính tới việc có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Kỹ thuật làm ô tô của Nga rất tốt nhưng nó chỉ chắc, bền, leo dốc tốt, còn họ ít chú ý đến mẫu mã, hình thức, trong khi xe của các nước tư bản chau chuốt, đẹp, gọn nhẹ, thay thế dễ dàng. Kỹ thuật cơ khí của Nga tốt nhưng kỹ thuật điều khiển học, tự động hóa yếu hơn xe của Nhật, Hàn.

Bên cạnh việc tận dụng nền tảng cũ là các nhà máy cơ khí trước đây, dù liên doanh với Nga, Việt Nam cũng cần học hỏi kỹ thuật của Nhật, Hàn. Cái này Việt Nam có thể làm được vì người Việt bắt chước rất giỏi, nên học hỏi để cải tiến những điểm yếu của ô tô Nga.

Tôi tin rằng Việt Nam có thể làm được với sự giúp đỡ của Nga, Belarus nhưng phải có chính sách cụ thể và phải tổ chức rất bài bản, chặt chẽ, không thể chỉ nêu chính sách rồi bỏ đấy theo kiểu đánh trống bỏ dùi", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan trước mục tiêu của liên doanh khi ngoài thị trường trong nước, còn nhằm tới sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á. Ông cho rằng, địa hình Đông Nam Á nhiều đồi núi, sông suối, nếu ô tô làm tốt, phù hợp với địa hình đó thì có thể xuất khẩu.

"Việt Nam cần chủ động trong cuộc chơi này, nhất là khi được Nga-Belarus nhiệt tình ủng hộ. Nếu Việt Nam làm tốt sau này có thể tiến tới làm những phụ tùng không chỉ lắp ráp ở Việt Nam mà còn lắp ráp ở Nga, Belarus. Nói cách khác, Việt Nam phải xâm  nhập được vào chuỗi giá trị của ô tô Nga, Belarus sau đó khẳng định được mình ở vị trí nào thì làm cái đó, còn nhanh hay chậm là tùy ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đứng ngoài chuỗi giá trị của các hãng xe FDI, chỉ biết tiêu thụ sản phẩm mà thôi. 

Mới đây, Bộ KHCN đã xác định nghiên cứu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải là một trong những nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia năm 2016. Điều này cho thấy có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý Việt Nam nhận ra rằng không thể lạc hậu mãi. Một khi đã xác định đây là nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia của năm, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, nghiên cứu, triển khai.

Chúng ta có quyền hy vọng vào thiện chí của Nga, Belarus vì đây là bạn truyền thống của Việt Nam, họ chưa đặt thương mại cao hơn các quan hệ khác như các tập đoàn của các quốc gia khác. Nhiều tập đoàn ô tô nước ngoài  đầu tư vào Việt Nam không suy nghĩ đến việc phải hỗ trợ nền công nghiệp ô tô Việt Nam, họ chỉ đổ cho chính sách Việt Nam chưa đủ ưu đãi, thị trường tiêu thụ thấp trong khi Việt Nam đã ưu đãi hết cỡ, cả đất đai, thuế... Cái Việt Nam nhận được chỉ là gia công, lắp ráp ở khâu cuối cùng, giá trị gia tăng cực thấp", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Thành Luân

đất việt

Các tin tức khác

>   Cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam-Australia trong TPP (02/02/2016)

>   Ủy viên Thương mại EU: "Việt Nam là một thị trường tiềm năng" (02/02/2016)

>   Sản xuất CN cả nước tăng gần 6% tháng đầu năm (01/02/2016)

>   TP.HCM: Bàn giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (01/02/2016)

>   Sây bay Lào Cai sẽ khai thác máy bay Airbus 320 và 321 (01/02/2016)

>   Doanh thu tháng Một của Tập đoàn Dầu khí chỉ đạt 74% kế hoạch (01/02/2016)

>   VRG: Năm 2016, cao su thiên nhiên tiếp tục khó, công nghiệp cao su và gỗ hưởng lợi (01/02/2016)

>   Sẽ giảm hệ số tiền lương tăng thêm của nhiều ngành (01/02/2016)

>   Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng đột biến (31/01/2016)

>   Một năm “bội thu” vốn đầu tư nước ngoài (31/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật