Dự trữ ngoại hối Trung Quốc “bốc hơi” thêm gần 100 tỷ USD
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 do Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) tiếp tục phải bán ra USD để bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Trong năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm hơn 500 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên giảm trong lịch sử.
|
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do PBoC công bố ngày 7/2 cho thấy, kho dự trữ lớn nhất thế giới của Trung Quốc sụt 99,5 tỷ USD trong tháng 1, còn 3,23 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, mức dự trữ này vẫn nhỉnh hơn so với mức 3,21 nghìn tỷ USD mà các chuyên gia được Bloomberg khảo sát ý kiến đưa ra trước đó.
Trong năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm hơn 500 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên giảm trong lịch sử.
Trung Quốc đang ra sức giữ giá đồng nội tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường chứng khoán lao dốc. Những nỗ lực bảo vệ tỷ giá đã và đang bào mòn dự trữ ngoại hối của nước này.
Tháng trước, tỷ giá đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất trong 5 năm sau khi PBoC bất ngờ giảm mạnh tỷ giá tham chiếu đồng tiền này so với USD - một động thái mà thị trường xem là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng cho phép đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn khi tăng trưởng giảm tốc.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm liên tục từ tháng 8/2015 đến nay, sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ gây hoảng hốt trên toàn cầu của PBoC. Trong tháng 8, dự trữ này sụt 94 tỷ USD, mạnh chưa từng thấy tính đến thời điểm đó.
Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2016 trong khoảng 6,5-7%. Năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng 6,9%, không đạt mục tiêu 7%, và là mức tăng chậm nhất trong 25 năm.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc một mặt sẵn sàng để cho đồng Nhân dân tệ giảm giá nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, nhưng mặt khác cũng không muốn đồng nội tệ mất giá quá nhanh vì như vậy sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn và sự hoảng loạn trên thị trường tài chính./.
vneconomy
|