Châu Á hụt hẫng khi HSBC quyết định ở lại London
Đại gia ngân hàng toàn cầu HSBC vừa quyết định duy trì trụ sở chính tại thủ đô của Anh sau khi có ý di chuyển sang Hồng Kông trước lo ngại về các quy định ngày càng thắt chặt và mức thuế cao hơn tại Anh.
* HSBC “đóng băng” lương và tuyển dụng toàn cầu 2016
* HSBC tuyên bố sa thải tiếp 25,000 nhân viên trên toàn cầu
Theo CNN Money, sau 10 tháng xem xét, Hội đồng quản trị HSBC đã nhất trí bỏ phiếu ở lại London với kết luận rằng Anh vẫn là “một nền kinh tế quan trọng và kết nối với toàn cầu”, ngân hàng này cho biết trong thông báo hôm Chủ Nhật (14/02).
Chính phủ Anh có thể thở phào nhẹ nhõm vì quyết định của HSBC được xem là một phép thử về vị thế bền vững của London như một trung tâm tài chính quốc tế.
Vào tháng 4/2015, khi HSBC tuyên bố ngân hàng này sẽ xem xét rời khỏi Anh, kinh tế Anh đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, các nhà điều hành lo lắng rằng cuộc bầu cử vào tháng 5/2015 có thể khiến môi trường hoạt động của các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn, hoặc đe dọa đến vị thế thành viên Liên minh châu Âu (EU) của quốc gia này
Vào thời điểm đó, Đảng Lao động đối lập công bố kế hoạch áp dụng thêm các quy định ngân hàng. Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đã giành chiến thắng, giúp môi trường chính trị thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn về tương lai của Anh tại EU vẫn còn bỏ ngỏ và Thủ tướng Cameron từng cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào cuối năm tới.
Việc di chuyển trụ sở chính sang Hồng Kông đối với HSBC cũng giống như việc “hồi hương” vì HSBC được thành lập tại Hồng Kông khi đặc khu hành chính này còn là một thuộc địa của Anh. Năm 1992, HSBC di chuyển trụ sở chính sang Anh sau khi mua Midland Bank.
Đối với HSBC, tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh tại châu Á – đặc biệt là tại Trung Quốc – đã tăng mạnh qua các năm khi chiếm tới 80% lợi nhuận của ngân hàng này. Năm 2014, mảng kinh doanh tại châu Á đã đem lại cho HSBC khoản lợi nhuận 12 tỷ USD, so với mức thua lỗ 257 triệu USD tại châu Âu.
Nguồn: Bloomberg
|
Hồng Kông cũng là một điểm đến hấp dẫn với tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn và các quy định ngân hàng ít nghiêm ngặt hơn so với tại Anh.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, HSBC nhận thấy “sự kết hợp giữa chiến lược tập trung vào châu Á và việc duy trì trụ sở chính tại một trong những trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, London, không chỉ thích hợp mà con đem lại kết quả tốt nhất cho các khách hàng và cổ đông của ngân hàng, nhận định của Chủ tịch HSBC Douglas Flint.
Bất chấp quyết định ở lại Anh, HSBC tái khẳng định rằng châu Á “vẫn là trọng tâm” trong chiến lược của ngân hàng này. Các nhà chức trách Hồng Kông cho biết họ tôn trọng quyết định của HSBC.
“Đối với một ngân hàng quốc tế lớn như HSBC, việc di dời trụ sở là một nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp”, nhận định của ông Norman Chan – Giám đốc Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA).
HSBC cho biết hiện ngân hàng này quyết định ngừng xem xét việc di dời trụ sở được tiến hành 3 năm một lần và “chỉ đề cập lại vấn đề này khi hoàn cảnh thay đổi đáng kể”./.
|