Vì sao USD liên tục giảm giá so với JPY Nhật?
Đồng USD hạ 3% so với đồng JPY, đánh dấu 2 tuần giảm giá liên tiếp
Đồng USD đã tăng giá trở lại so với đồng EUR và đồng JPY trong ngày thứ Sáu sau khi số liệu doanh số bán lẻ cho thấy chi tiêu tiêu dùng – động lực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ - đạt kết quả khả quan hơn dự báo trong tháng 1/2016.
* Bộ trưởng Tài chính Nhật cảnh báo NĐT khi đồng JPY vọt lên đỉnh 15 tháng
* Đồng USD xuống đáy 15 tháng so với đồng JPY
Tuy nhiên, theo MarketWatch, đà tăng của đồng bạc xanh trong ngày thứ Sáu không thể ngăn chặn đồng tiền này ghi nhận tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp so với các đối thủ chủ chốt giữa bối cảnh bán tháo hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán toàn cầu và mối nghi ngờ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong năm 2016.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với giỏ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng 0.4% lên 95.97 trong ngày thứ Sáu nhưng vẫn giảm 1%/tuần.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong phiên so với đồng JPY sau khi số liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ tăng 0.2% trong cả tháng 1/2016 và tháng 12/2015 sau khi số liệu tháng 12 đã được điều chỉnh so với kết quả yếu kém trước đó. Dù vậy, đồng bạc xanh đã rút ngắn đà tăng sau số liệu ảm đạm hơn kỳ vọng về tâm lý tiêu dùng tháng 2.
Cụ thể, đồng bạc xanh đã tăng lên mức 113.26 JPY trong ngày thứ Sáu, so với mức 112.29 JPY vào cuối ngày thứ Năm tại New York. Đồng EUR giao dịch tại mức 1.1255 USD, so với mức 1.1316 USD trong ngày thứ Năm.
Bất chấp đà phục hồi trong phiên cuối tuần, đồng bạc xanh vẫn giảm 3% so với đồng JPY và 1% so với đồng EUR trong tuần qua.
Kể từ đầu năm 2016, đồng USD đã suy yếu so với cả đồng EUR và đồng JPY do những bất ổn trên các thị trường đã khiến nhà đầu tư chuyển sang các kênh tài sản được xem là “vịnh tránh bão” như đồng JPY và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Thêm vào đó, buổi điều trần của Chủ tịch Janet Yellen tại Capitol Hill trong ngày thứ Tư và thứ Năm đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất khi cơ quan này nhóm họp vào tháng 3 tới hoặc trong các cuộc họp còn lại của năm nay. Trong 2 buổi điều trần tại Thượng viện và Hạ viện, bà Yellen cho rằng các điều kiện tài chính “ngày càng ít hỗ trợ cho đà tăng trưởng”.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết đồng EUR cũng được hưởng lợi từ mức thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng cao tại Eurozone vì điều này giúp đồng tiền chung trở nên hấp dẫn hơn đối với hoạt động kinh doanh tiền tệ hưởng chênh lệch lãi suất (carry trade). “Carry trade” là một chiến lược đầu tư trên thị trường ngoại hối khi nhà đầu tư vay mượn một đồng tiền với lãi suất tương đối thấp sau đó đổi lấy một đồng tiền với lãi suất cao hơn và bỏ túi phần chênh lệch.
Đồng USD tiếp tục suy yếu thậm chí sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lần đầu tiên quyết định áp dụng lãi suất âm, một quyết định mà các nhà phân tích cho là sẽ khiến đồng nội tệ của nước này suy yếu. Dù vậy, đồng JPY – cũng được xem là một đồng tiền phổ biến trong hoạt động carry trade – đã tăng mạnh khi nhà đầu tư chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn.
Mối lo lắng về đồng JPY mạnh đã khiến chỉ số Nikkei 225 lao dốc 4.84% trong ngày thứ Sáu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014, đánh dấu 3 phiên sụt giảm liên tiếp.
Các nhận định từ Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso trong ngày thứ Sáu cũng đã tác động tiêu cực đến đồng JPY khi ông cảnh báo nhà đầu tư về đà tăng vọt của đồng JPY và cho rằng Chính phủ sẽ hành động hợp lý trên thị trường tiền tệ.
“Chúng tôi đã chứng kiến biến động khá mạnh của tỷ giá trong thời gian gần đây”, ông Aso cho biết tại buổi họp báo định kỳ sau cuộc họp của các bộ trưởng Chính phủ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của thị trường ngoại hối và sẽ có hành động hợp lý nếu điều đó là cần thiết”. /.
|