Thứ Sáu, 29/01/2016 14:22

Với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm”

Đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm”, Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này (sau Trung Quốc). Do đó, Hoa Kỳ đã yêu cầu đàm phán một chương riêng về dệt may trong TPP, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.

Thông tin này đã được đưa ra tại hội thảo: “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) phối hợp với Sáng kiến Phát triển Khu vực Tư nhân vùng MeKong (MBI) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức sáng nay (29/1) tại Hà Nội.

Dệt may là ngành “nhạy cảm”

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, dệt may là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam, và thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ. Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này (sau Trung Quốc). Do đó, cũng như trong nhiều FTA khác của Hoa Kỳ, theo yêu cầu của một nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may trong nước, Hoa Kỳ đã yêu cầu đàm phán một chương riêng về dệt may trong TPP, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.

Hội thảo: “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp tới tham dự

Trong đàm phán này, hai đối tác đàm phán chủ yếu là Hoa Kỳ (phía mở cửa thị trường) và Việt Nam (phía tiếp cận thị trường), ngoài ra còn có một số đối tác khác quan tâm như Mexico, Australia…

Do đó doanh nghiệp cần lưu ý, do được đàm phán riêng nên các vấn đề của dệt may (trừ thuế quan được quy định chung trong biểu thuế quan cho tất cả các hàng hóa) được quy định riêng, khác biệt so với các hàng hóa khác. Vì thế, doanh nghiệp dệt may cần xem chương 4 TPP (dệt may) trước khi xem các nội dung khác của TPP.

Tuy nhiên, trừ các vấn đề đã được quy định trong chương 4 (xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ, tự vệ, quy trình hải quan), đối với tất cả các vấn đề còn lại liên quan tới thương mại đối với hàng dệt may, các chương khác của TPP vẫn áp dụng như bình thường.

Một điểm quan trọng về dệt may trong TPP mà bà Trang cho biết, đó là quy tắc “từ sợi trở đi”. “Từ sợi trở đi” là tên gọi ngắn gọn để nói về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng dệt may trong TPP. Quy tắc này được hiểu chung nhất là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong cam kết TPP không có quy tắc “từ sợi trở đi” chung cho các sản phẩm dệt may mà các các quy tắc “từ sợi trở đi” cụ thể hóa đối với từng nhóm sản phẩm dệt may mà chính xác là nhóm theo mã số HS 4 số. Do đó, đối với nhóm sản phẩm dệt may, doanh nghiệp cần tra cứu cụ thể quy tắc xuất xứ riêng cho nhóm sản phẩm của mình, chứ không hiểu vắn tắt là “từ sợi trở đi” chung được. Bà Trang cho biết thêm, quy tắc xuất xứ với nhóm sản phẩm dệt may được quy địnhtrong phụ lục 4A của Chương 4 TPP.

Biện pháp tự vệ đối với dệt may

Theo bà Trang, trong trường hợp một sản phẩm dệt may của một nước TPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và xuất khẩu sang một nước TPP khác với một khối lượng gia tăng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc là đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó.

Cụ thể, nước nhập khẩu có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phảm dệt may đó nữa và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế Tối huệ quốc (thuế MFN) theo WTO mang lại thời điểm đó. Biện pháp này chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để ngăn ngừa hoặc bù đắp các thiệt hại do hàng nhập khẩu đó gây ra đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Cũng theo bà Trang, trước khi áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt, nếu được yêu cầu bởi nước xuất khẩu, nước nhập khẩu phải tiến hành tham vấn của nước nhập khẩu. Nếu nước nhập khẩu vẫn quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt, nước nhập khẩu phải đền bù thiệt hại kinh tế do biện pháp này gây ra cho nước xuất khẩu, nếu không nước xuất khẩu có thể tiến hành biện pháp trả đũa về thuế tương đương.

Hồ Hường

dđdn

Các tin tức khác

>   Chủ tịch VFF không phân công người sai thẩm quyền (29/01/2016)

>   “Doanh nghiệp ngày càng ọp ẹp trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng” (29/01/2016)

>   Đồng Nai đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp (29/01/2016)

>   Thủ tướng: Sẽ hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thành trụ cột (29/01/2016)

>   Sản xuất công nghiệp tháng 1/2016 tăng 5.9% so với cùng kỳ (29/01/2016)

>   Hơn 12,000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 1 (28/01/2016)

>   Nguyên Giám đốc chi nhánh VFC chiếm đoạt hơn 47 tỷ đồng (28/01/2016)

>   Giày dép, túi xách xuất phần lớn qua Mỹ (28/01/2016)

>   ​Mua bán, sáp nhập trong ngành nhựa tăng mạnh (28/01/2016)

>   Mở cửa thị trường mua sắm công: Ngân sách hết bị rút ruột? (28/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật