Muôn vẻ ESOP cuối năm
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp cùng lúc lựa chọn thời điểm cuối năm để phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP). Bởi đây là thời điểm “vàng” vừa cho thấy “sức khỏe” doanh nghiệp một năm qua như thế nào vừa thể hiện sự quan tâm cũng như chính sách giữ người của doanh nghiệp đó.
Theo thống kê của Vietstock, trong khoảng thời gian kết thúc năm 2015, chuyển giao sang 2016, đã có 5/6 doanh nghiệp rục rịch với kế hoạch ESOP với mức giá rất ưu đãi, thậm chí thưởng không cho cán bộ nhân viên. Chỉ riêng trường hợp của SVN khá lạ!
Đầu tiên phải kể đến Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) với gần 7 triệu cp, chiếm tới 4.76% lượng cổ phiếu đang lưu hành để thưởng cho 886 người lao động trong tháng 12/2015 vừa qua. Tất nhiên lượng cổ phiếu 0 đồng này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và 50% trong năm tiếp theo. Với mức giá đang giao dịch tại 71,000 đồng/cp, số lượng ESOP của MWG trị giá trên 500 tỷ đồng. Ưu ái này cho thấy MWG đang có hoạt động kinh doanh khá thuận lợi khi lợi nhuận qua các quý trong năm 2015 đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt trên mức 200 tỷ đồng/quý.
MWG có lẽ là doanh nghiệp mạnh tay nhất trong việc phát hành ESOP thời gian qua khi năm 2014 đã phát hành 5%, còn 2016 công ty lên kế hoạch phát hành tối đa 3% nếu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng từ 10% trở lên. Lần này mức giá sẽ là 10,000 đồng/cp hoặc 50% giá thị trường tùy giá nào thấp hơn. Do theo quy định, thời gian phát hành các đợt phải cách nhau 12 tháng nên khả năng nhân viên của MWG sẽ tiếp tục nhận được cổ phiếu ESOP vào tháng 12/2016 tới. Với việc liên tục phát hành ESOP, ban lãnh đạo MWG cũng đã gặp không ít trở ngại từ cổ đông khi họ cho rằng “có sự bất hòa trong việc phân chia lợi nhuận giữa người lao động và cổ đông bên ngoài”… Tuy nhiên, lãnh đạo MWG cho rằng, phát hành ESOP thể hiện công ty ghi nhận nỗ lực đóng góp của người lao động, chia sẻ giá trị tạo ra chứ không phải chia sẻ lợi nhuận như nhìn nhận của một số cổ đông.
Gần đây nhất công bố phát hành ESOP chính là Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) với số lượng lên tới gần 19 triệu cp, so với lượng cổ phiếu đang lưu hành của GAS thì con số này chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, trong xu hướng giá cổ phiếu GAS liên tục lao dốc gần 60% từ đầu năm 2015 đến nay do ảnh hưởng của giá dầu thì mức giá ưu đãi 20,000 đồng/cp khó biết được có còn là “ưu đãi” sau thời gian hạn chế chuyển nhượng không. Theo GAS, việc phát hành ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp, thúc đẩy và nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó cũng thu hút và giữ chân những cán bộ chủ chốt, giàu năng lực kinh nghiệm và cũng bổ sung vốn tự có cho các dự án công trình của công ty.
Về hoạt động kinh doanh, với tác động ngoại cảnh, lợi nhuận của GAS đang có chiều hướng giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng vẫn duy trì trên ngưỡng 2,000 tỷ đồng – con số mà rất nhiều doanh nghiệp mơ ước.
Doanh nghiệp phát hành ESOP trong giai đoạn cuối 2015 đầu 2016
Cũng thuộc họ dầu khí, trong quý 1 hoặc 2/2016, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) sẽ triển khai phương án phát hành 11.4 triệu ESOP, tương ứng 3% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá chỉ bằng mệnh giá. Trong khi thị giá cổ phiếu DPM thời gian qua vẫn xoay quanh mốc 27,000 đồng/cp thì mức giá ESOP chỉ bằng 35%. Tương tự với Tập đoàn Pan (HOSE: PAN), với 1.1 triệu cp ESOP, nhân viên của doanh nghiệp này chỉ phải bỏ ra mức giá 18,700 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá 32,000 đồng/cp. Hay như Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP), giá mỗi cổ phiếu đang giao dịch quanh mốc 26,000 đồng/cp nhưng đơn vị này cho không nhân viên 200,000 cp, chiếm 1.27% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Cả DPM, PAN và RDP đều có hoạt động kinh doanh khá tốt trong năm qua thể hiện ở những con số tăng trưởng mạnh. Và thực sự ESOP lúc này đã rất phù hợp với sức khỏe cũng như sự tri ân của doanh nghiệp với người lao động.
Ngược lại, trong danh sách 6 doanh nghiệp phát hành ESOP đợt này, chỉ riêng Solavina (HNX: SVN) đang có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, kèm theo đó là kết quả kinh doanh khá èo uột chỉ vài trăm triệu đồng/quý. Mặc dù giá cổ phiếu hiện tại chỉ ở mức 3,900 đồng/cp nhưng SVN vẫn ESOP cho nhân viên với mức giá hơn gấp đôi tới 10,000 đồng/cp thì đã không còn ý nghĩa của việc ưu đãi mà dường như đã trở thành kênh huy động vốn từ nhân viên.
Phát hành cổ phiếu ESOP như là một phần thưởng cho nhân viên nhằm khuyến khích, động viên người lao động sau một quá trình cống hiến cũng như duy trì sự gắn bó lâu dài. Dù ESOP thực chất vẫn có những rủi ro khi bị hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian nào đó nhưng điều này vẫn có ý nghĩa rất lớn cả về phía người lao động và doanh nghiệp./.
|