Một năm sóng gió nữa cho nông, thuỷ sản
Thị trường nông sản 2016 dự báo chưa thoát khỏi khó khăn. Kinh tế thế giới, giá dầu và việc đồng nội tệ nhiều nước tiếp tục bị phá giá sẽ tác động đến nhu cầu, giá cả nông sản.
Ngay từ lúc này, doanh nghiệp phải tính toán tiết giảm giá thành, cơ cấu danh mục sản phẩm, thị trường…
Gạo và thuỷ sản là hai nhóm mặt hàng chịu nhiều khốn đốn nhất trong năm 2015. Năm 2016, dự báo khó khăn sẽ tiếp tục “đeo bám” hai ngành này.
Lo cho gạo…
Với mặt hàng gạo, mới đây Thái Lan chính thức công bố thông tin còn tồn kho 13 triệu tấn gạo. Năm nay, cho dù sản lượng gạo xay xát của Thái Lan có giảm hơn, đạt khoảng hơn 16 triệu tấn, do ảnh hưởng El Nino nhưng doanh nghiệp Thái lại đặt mục tiêu bán hết số gạo này để đảo kho.
Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói, vài năm nay Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường châu Phi, vốn chiếm 15 – 19% sản lượng xuất khẩu hàng năm do kinh tế khu vực này giảm nhu cầu tiêu thụ gạo.
Ngoài ra, gạo Việt còn bị cạnh tranh quyết liệt bởi gạo Ấn, gạo Pakistan. Năm nay, xuất khẩu gạo vào thị trường châu Phi dự báo còn khốc liệt hơn khi có sự tham gia gạo của… Thái Lan.
Với kinh nghiệm thương trường hơn hẳn Việt Nam, doanh nghiệp Thái sẽ biết cách làm cho “gạo cũ mới lại” như cách mà doanh nghiệp Việt vẫn trộn gạo hè thu với đông xuân để xuất khẩu…
Một số chuyên gia lĩnh vực gạo cho rằng chỉ cần đưa gạo cũ lau bóng lại, trộn với tỷ lệ 30 gạo cũ/70 gạo mới, bán với giá cạnh tranh là Thái Lan sẽ giải quyết hết gạo tồn kho ngay trong năm 2016. Năm 2015, mỗi tấn gạo xuất khẩu đã giảm 33,7 USD so với 2014. Năm nay, với diễn biến như vậy, chưa biết hạt gạo sẽ còn mất giá bao nhiêu nữa.
Một lo ngại nữa, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, cộng với ước tính gần 2 triệu tấn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc (không được thống kê) mới tiêu thụ hết lượng gạo trong dân.
Tuy nhiên, năm nay mọi chuyện có thể sẽ khác. Nếu đồng NDT tiếp tục bị phá giá, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chắc chắn gặp rắc rối to, vì khi đó giá gạo tại Trung Quốc tăng làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Hơn nữa, biên độ DNT/USD thay đổi liên tục sẽ làm nản lòng nhà nhập khẩu có ý định đầu cơ, găm giữ. Tồn kho, do đó chắc chắn sẽ quay về lại nơi sản xuất.
Thuỷ sản gồng mình giữ thị trường
Cũng như gạo, lẽ ra kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm ngoái phải giảm sâu hơn con số 14%. Do doanh nghiệp hạ giá bán để cạnh tranh nên mới giữ được đà tụt giảm sâu. Năm 2016, dù là năm hội nhập của Việt Nam, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn thuế, nhưng việc nền kinh tế thế giới tiếp tục lún sâu vào khó khăn, giá dầu giảm và đồng USD cứ ngày một mạnh lên; trong khi đồng nội tệ ở nhiều nước bị phá giá mạnh thì xuất khẩu thuỷ sản cũng khó trụ vững.
Dưới tác động của đồng đôla mạnh, giá thuỷ sản nhập vào các quốc gia sẽ ngày một đắt đỏ hơn, điều này làm giảm nhu cầu, buộc các nhà buôn phải cân đối lại sản lượng và giá cả khi mua vào. Đây là điều bất lợi chờ đón doanh nghiệp trong năm 2016.
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2016, người ta đã chứng kiến cảnh bán tháo cá tra, tôm vào các thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ, EU hòng giảm tồn kho, vốn đang chất đống ở các nhà máy và ngay cả dưới ao nuôi. Một nguồn tin thân tín nói rằng lượng cá tra quá lứa còn tồn dưới ao nuôi ở một số doanh nghiệp dẫn đầu rất lớn. Chưa kể hàng chục ngàn tấn cá thành phẩm vẫn còn đông cứng ở các kho lạnh.
Các doanh nghiệp phải tính toán giảm giá hòng đẩy hàng càng nhanh càng tốt để cắt chi phí lưu kho, lãi vay… Không cứ gì các thị trường xa xôi như Mỹ, EU, Trung Đông, Nga… đang bị hạ giá “tận đáy”, ngay cả thị trường gần như Trung Quốc thời gian gần đây cũng xuất hiện tình trạng bán đổ bán tháo.
Bất kể doanh nghiệp bị đối tác ép thanh toán bằng đồng NDT đầy rẩy rủi ro. Cá tra bán sang Trung Quốc đã thấp hơn giá thành nuôi nhưng doanh nghiệp buộc phải bán. Trong dài hạn, viễn cảnh thị trường u ám rất khó được xoá tan bởi tháng 3 tới đây là thời điểm Mỹ công bố kế hoạch giám sát cá da trơn, điều này đồng nghĩa cá tra xuất vào đây sẽ khó khăn hơn.
Một doanh nghiệp đầu ngành tôm là Minh Phú cũng đang chịu áp lực tồn kho. Giá tôm toàn cầu đã giảm ít nhất 20% vào năm ngoái, cộng với nhu cầu tụt giảm ở hầu hết thị trường đã đẩy ngành tôm, hải sản xuất khẩu lâm vào tình trạng khốn đốn.
Năm 2016, giới kinh doanh cũng dự báo khi nào đồng yen Nhật, đồng euro hay bất cứ đồng tiền nào liên quan đến thị trường đầu ra của con tôm “ngừng rớt” thì lúc đó giá tôm, thuỷ hải sản mới tăng trở lại. Nhưng điều này là rất khó xảy ra, và từ bây giờ doanh nghiệp phải chuẩn bị cho kịch bản xấu.
Minh Khoa
tiếp thị thế giới
|