Thứ Ba, 26/01/2016 14:17

Mong muốn làn sóng đổi mới kinh tế lần hai

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mong muốn Nghị quyết Đại hội XII sẽ phát động làn sóng đổi mới thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trả lời phỏng vấn bên hành lang Đại hội XII

Bên lề Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XII), trả lời Báo Người Lao Động, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mong muốn Nghị quyết Đại hội XII sẽ phát động làn sóng đổi mới thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam và cho rằng cần bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng công nhân - nông dân - trí thức.

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 5 năm qua?

+ Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, một trong những thành công quan trọng của công cuộc đổi mới là đã hình thành một đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân ngày càng đông đảo. Hiện nay, chúng ta đã có hơn 500.000 DN và hàng triệu doanh nhân. Nếu như trước đổi mới, nền kinh tế của chúng ta chủ yếu có khu vực DN nhà nước thì con số trên là thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới.

Trong thời gian qua, khu vực DN tư nhân có đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và quan trọng nhất là khu vực này tạo ra công ăn việc làm và ý chí khởi nghiệp. Trở ngược về 30 năm qua, thành công lớn nhất cũng là tạo nên nền tảng, bệ đỡ rất tốt cho một giai đoạn khởi nghiệp mới của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Tinh thần doanh nhân chưa bao giờ cao như hiện nay. Chính tinh thần doanh nhân đang là động lực cho phát triển.

Về thể chế, chúng ta đang có những nền tảng cơ bản của nền kinh tế thị trường, dù còn những điểm cần phải hoàn thiện, cần phải tiếp tục đổi mới. Phải nói là trong những năm qua đã có yếu tố manh nha cho làn sóng đổi mới tiếp theo, với việc thực hiện một số chủ trương đột phá, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ở cấp hàng đầu thế giới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA)… Chúng tôi hy vọng với Nghị quyết Đại hội XII này sẽ phát động làn sóng đổi mới thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam, hướng tới thúc đẩy sự nghiệp làm kinh tế của toàn dân.

- Vậy theo ông, vấn đề nào quan trọng nhất trong đổi mới lần hai?

+ Tôi cho rằng điểm quan trọng nhất của nghị quyết là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải theo tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, và có nghĩa chúng ta sẽ đi chung con đường đi của nhân loại trong việc xây dựng thể chế, với xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thị trường. Trong văn kiện của Đại hội cũng nêu rõ việc “xây dựng một thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo những tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Chúng ta đã chọn con đường đi chung với nhân loại, để hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa nhưng theo con đường chung của nhân loại.

- Vậy ông có thể chỉ ra những điểm chung giữa con đường đi sắp tới với chuẩn của thế giới?

+ Hiện nay chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, toàn bộ những khuôn khổ để điều hành nền kinh tế sẽ được quy định bởi pháp luật, quyền tự do kinh doanh của người dân được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật. Chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế những quyền tự do kinh doanh đó. Tóm lại, chúng ta điều hành nền kinh tế theo một hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Chúng ta cũng xác định trong này có điểm quan trọng là ra sức thúc đẩy sự phát triển của khu vực DN tư nhân để trở thành động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phải xác định thể chế thị trường được quyết định bởi khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ pháp luật đó điều hành hoạt động kinh doanh và kinh tế tư nhân là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời tham gia những hiệp định thương mại tự do ở tầm cao nhất, nghĩa là chúng ta xác định chơi chung luật chơi của thế giới. Đây là điều rất quan trọng.

Tôi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực cao nhất của thế giới. Nền kinh tế thị trường là tinh hoa của trí tuệ nhân loại và có những thực tiễn tốt, chúng ta đang hướng tới thực tiễn đó. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 19 về Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam phấn đấu cải thiện môi trường kinh doanh năm 2016 ngang bằng với 4 nước hàng đầu trong ASEAN.

Đặc biệt, Nghị quyết của Đại hội XII phải nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh, khu vực tư nhân phải trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Phải hướng ra thế giới, tìm ra những kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển, điều hành nền kinh tế.

Tôi tin là với sức mạnh của toàn dân, với những tinh hoa của nhân loại sẽ tạo ra một động lực cho giai đoạn phát triển sắp tới.

- Các hiệp định thương mại với các đối tác lớn mà Việt Nam đã và sẽ tham gia có là lối mở cho Việt Nam thoát khỏi phụ thuộc vào thị trường các nước xung quanh?

+ Đó là điều đương nhiên. Các hiệp định thương mại tự do quan trọng với chúng ta ít nhất ở 3 góc độ.

Thứ nhất, mở cửa thị trường. Một thị trường có thể nói là vô tận cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai là tạo cơ hội cho chúng ta đa dạng hóa thị trường. Việt Nam là giao điểm của nhiều khu vực trên thế giới, chúng ta là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nhưng chúng ta có các hiệp định thương mại tự do hàng đầu và chúng ta đang ở cùng giao thoa của các hiệp định thương mại tự do lớn nhất. Điều đó tạo ra một không gian mở cửa thị trường vô tận và tạo cơ hội cho chúng ta đa dạng hóa thị trường và đảm bảo cho tính chất độc lập tự chủ khi hội nhập.

Hội nhập trong thế tự chủ, trong một thế trận tự chủ. Hiệp định thương mại tự do cũng là động lực để thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Như vậy chúng ta đang ở trong hai làn sóng, một là làn sóng hội nhập, hai là làn sóng cải cách thể chế. Hai làn sóng này tạo ra bước phát triển mới của Việt Nam.

- Một điểm trong văn kiện lần này là không đặt ra mốc thời gian để trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại. Điều này nói lên điều gì?

+ Tôi nghĩ là mục tiêu quan trọng hơn là trong 5 năm tới chúng ta cơ bản xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Điều này quan trọng, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, đạt được mục tiêu kia. Chứ còn trong 5 năm, chúng ta trở thành nước công nghiệp hiện đại sẽ khó, chúng ta cần một chặng đường dài hơn mà bây giờ chúng ta chưa thể định lượng chính xác, nhất là bây giờ thế giới đang có nhiều biến động.

Nhưng trong 5 năm, chúng ta phải hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, đấy là quyết tâm rất cao. Nếu chúng ta làm được điều này sẽ là động lực chính để đạt được mục tiêu kia trong dài hạn.

Bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng

Trả lời câu hỏi về những ý kiến góp ý thêm vào văn kiện Đại hội XII, ông Vũ Tiến Lộc nói:

Trước hết, tôi sẽ đề nghị bổ sung chỉ tiêu tạo việc làm vào trong báo cáo chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thời gian tới. Bởi công ăn việc làm chính là quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Mà dân số chúng ta là dân số trẻ, số người bước vào tuổi lao động hằng năm rất đông, khoảng 1,6-1,7 triệu người/năm. Thứ hai, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 70% lực lượng lao động. Vì vậy, thời gian tới phải tái cấu trúc khu vực này theo hướng hiện đại, vậy phần lớn người lao động phải chuyển khỏi khu vực này và họ cần cơ hội làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Hiện nay, trong dự thảo văn kiện đề cập kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị không quá 4%, nhưng tôi đề nghị không chỉ có chỉ tiêu về tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành phố mà cần có chỉ tiêu hạn chế tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông nghiệp.

Tiếp tục khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Đặc biệt phải bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng (công nhân - nông dân - trí thức). Trong lịch sử Đảng, trước đây chúng ta quy định liên minh nền tảng là công - nông, trong Hiến pháp 1992, Đảng ta chủ trương bổ sung trí thức vào liên minh nền tảng, nhưng nay khi lực lượng doanh nhân đang là chủ công trong phát triển, thì cũng nên bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng.

Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa DN nhà nước, “giải phóng” cho các DN này ra khỏi lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Đó là “giải phóng” DN nhà nước ra khỏi các mệnh lệnh hành chính không hiệu quả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và thành lập 1 cơ quan chuyên quản về vốn của nhà nước tại DN. Việc cổ phần hoá phải xây dựng có lộ trình cụ thể trong nghị quyết, với những mục tiêu ngắn hạn trong 1-2 năm tới.

Thế Dũng - Phạm Dương thực hiện

người lao động

Các tin tức khác

>   Chủ tịch nước, Thủ tướng... được rút khỏi danh sách đề cử (25/01/2016)

>   Báo Hong Kong: Kinh tế Việt Nam trong quỹ đạo tăng trưởng ổn định (25/01/2016)

>   Đề cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào Trung ương khóa 12 (24/01/2016)

>   Bloomberg đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam sau Đại hội XII (24/01/2016)

>   Chỉ số giá tiêu dùng cả nước không thay đổi trong tháng Một (24/01/2016)

>   Xác nhận ứng viên cho 4 chức danh chủ chốt (24/01/2016)

>   CPI TP.HCM giảm nhẹ 0,03% (23/01/2016)

>   Tổng bí thư: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế (22/01/2016)

>   Ông Vương Đình Huệ: “Phải tiến tới KT thị trường hiện đại” (21/01/2016)

>   CPI Hà Nội tháng 1 tăng 0.12% so tháng trước (21/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật