Chỉ số giá tiêu dùng cả nước không thay đổi trong tháng Một
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một, không đổi so với tháng 12/2015 và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Tuy nhiên, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính vẫn có 9 nhóm tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục tăng 0,89%, thấp nhất là hai nhóm thiết bị-đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa-giải trí-du lịch cùng có mức tăng 0,16%.
Trái lại, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá giảm là giao thông (-2,82%) và bưu chính viễn thông (-0,06%).
Như vậy, lạm phát cơ bản (chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng này chỉ tăng 0,27% so với tháng 12/2015 và tăng 1,72% so với cùng kỳ.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng Một so cùng kỳ năm trước tăng 1,72%, cao hơn mức 0,8% của lạm phát chung là do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung (thuộc nhóm được loại trừ) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó bà Ngọc cũng chỉ ra diễn biến tăng, giảm từng nhóm chỉ số hàng hoá-tiêu dùng trong tháng.
Lương thực tăng do nhu cầu sắm Tết
Theo bà Ngọc, để chuẩn bị hàng cung cấp cho Tết nên chỉ số nhóm thực phẩm đã có mức tăng 0,3% (cụ thể thịt gia súc tươi sống tăng 0,58%; thịt gia cầm tươi sống tăng 0,53%; thịt chế biến tăng 0,25%; thủy sản tươi sống tăng 0,65% ). Thêm vào đó, nhu cầu mua sắm khi Tết Nguyên đán đang tới gần, vì vậy giá quần áo, giầy dép có xu hướng tăng cao khiến cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%.
Một điểm đáng chú ý khác, chỉ số giá nhóm lương thực đạt được mức tăng 0,48% nhờ vào tác động tích cực của việc Việt Nam đã dành được các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia trong những tháng cuối năm 2015, theo đó hợp đồng giao hàng được thực hiện từ tháng 10/2015 đến hết quý 1/2016.
“Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia hiện có kế hoạch mua thêm 350.000 tấn gạo ngay trong quý này đồng thời cơ quan Lương thực quốc gia Philippines cũng cho biết đã có kế hoạch mua thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung lương thực,” bà Ngọc nói.
Giá dầu giảm “chi phối” CPI
Riêng trong tháng Một, giá gas trong nước giảm 1,56% so với tháng 12/2015 (cụ thể từ 1/1/2016, giá gas đã giảm 31.000đ/bình 12 kg do giá gas thế giới giảm).
Thêm vào đó, giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít (vào các 18/12/2015 và 4/1) đã khiến cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%. Điều này đồng thời kéo theo giá của dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,35% với việc một số doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh giảm giá cước xe khách và taxi.
Vàng và USD biến động trái chiều
Trong tháng, giá vàng trong nước tiếp tục biến động theo xu hướng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới chịu sức ép giảm giá trước ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (12/2015). Tại thị trường Luân Đôn, giá vàng giao ngay đạt mức 1.088,8 USD/ounce (15/1) sau khi tăng 24,6 USD/ounce (15/12/2015), theo đó bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.280.000 đồng/chỉ vàng SJC (15/1).
“Trái lại, tỷ giá lại có xu hướng tăng trước việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 0,25%, thêm vào đó là với việc nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã khiến tỷ giá đô la Mỹ tháng Một đã tăng 0,18% so với tháng trước,“ bà Ngọc nói.
Trước đó ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết địnhsố 2730/QĐ-NHNN (có hiệu lực từ ngày 4/1) về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/-3%, theo đó tỷ giá trung tâm sẽ được điều chỉnh hàng ngày bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá trung tâm biến động có tăng-giảm.
Nhưng theo bà Ngọc, ngày 4/1, tỷ giá trung tâm được công bố tăng so với tỷ giá liên ngân hàng của tháng 12/2015 khiến tỷ giá giao dịch trên thị trường đã tăng mạnh.
"Nhưng tỷ giá chỉ tăng trong tuần đầu của tháng Một và sau đó đã bắt đầu giảm. Diễn biến này cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ đồng thời khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua," bà Ngọc nhận định./.
Hạnh Nguyên
vietnam+
|