Kinh tế thị trường nhìn từ các “tập đoàn xác sống” Nhật
Câu chuyện của sự tồn tại khốn khổ của một doanh nghiệp mới tại Nhật dưới đây sẽ cho thấy môi trường kinh doanh tại Nhật khốc liệt đến như thế nào, đặc biệt khi mà chính phủ Nhật cho phép các “tập đoàn xác sống” ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm, theo một bài báo mới đây trên Bloomberg.
Sharp đã chính thức trở thành một tập đoàn xác sống (zombie), và cũng chẳng riêng mình Sharp, trước đó Nhật đã có hàng trăm tập đoàn/công ty như thế - Ảnh: Japan Times.
|
“Tập đoàn xác sống”
Hãy tưởng tượng bạn là một thanh niên Nhật 26 tuổi với rất nhiều ước mơ, hoài bão làm những điều lớn lao. Bạn tốt nghiệp từ ngành kỹ thuật trường đại học tư Waseda danh tiếng nhất nhì nước Nhật.
Bạn và những sinh viên cùng học với mình thường đi xem anime trên tivi màn hình LCD và bạn chắc chắn rằng bạn có thể sản xuất được sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn rất nhiều so với Sharp - hãng sản xuất tivi LCD lớn thứ 10 trên thế giới. Hay ít nhất ở hiện tại, bạn đã có rất nhiều ý tưởng để cải tiến sản phẩm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn đi làm cho một tập đoàn chế tạo và sản xuất tivi LCD quy mô lớn. Trong quá trình làm việc ở đây, bạn nhìn thấy nhiều khiếm khuyết của quá trình sản xuất và bạn biết bạn có thể sửa được lỗi đó. Bạn cũng biết bạn có thể sản xuất được sản phẩm tương tự nhưng với thiết kế trẻ trung để thu hút nhiều hơn đối tượng khách hàng trẻ.
Thế nhưng bạn biết thừa nếu bạn đề xuất ý tưởng đổi mới lên cấp trên, bạn sẽ chỉ nhận lại là sự thờ ơ thậm chí trách móc. Vì thế bạn bỏ doanh nghiệp ra chung vốn cùng với bạn bè để khởi nghiệp với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng hơn, giá rẻ hơn. Bạn tin rằng Sharp dù là người khổng lồ nhưng bạn có khả năng chiến thắng.
Ban đầu, công việc kinh doanh của bạn rất ổn. Đối thủ chính của công ty bạn, Sharp, đang khó khăn đến mức Sharp phải cầu xin nhân viên mua sản phẩm tivi của họ để họ có doanh thu.
Trong khi đó, bạn vẫn được các nhà đầu tư và ngân hàng rót vốn để tiếp tục phát triển công việc kinh doanh. Lãi suất dù cao một chút nhưng với tiềm năng tăng trưởng tốt, bạn sẽ vẫn trả được nợ.
Một ngày mùa hè đẹp trời vào tháng 5/2015, bạn mở báo ra xem và bất chợt phát hiện ra rằng 2 ngân hàng lớn nhất của Nhật bao gồm Mizuho Bank và Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ đã phải tung tiền cứu Sharp. Hai ngân hàng đó nhận tiền trực tiếp từ chính phủ Nhật để hỗ trợ cho Sharp, thế nên nói một cách khác thì Sharp được chính phủ cứu một cách gián tiếp.
Sharp đã chính thức trở thành một tập đoàn xác sống (zombie), và cũng chẳng riêng mình Sharp, trước đó Nhật đã có hàng trăm tập đoàn/công ty như thế. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã phàn nàn về điều này trong nhiều thập kỷ nhưng chẳng có thay đổi chính sách tích cực nào được đưa ra.
Bóp nghẹt nguồn sống
Chính phủ Nhật mỗi năm vẫn tiếp tục bơm ra rất nhiều tiền dưới hình thức các khoản vay lãi suất thấp để giữ cho các tập đoàn yếu kém tồn tại và bán ra thị trường những sản phẩm với giá siêu rẻ.
Chính điều này đã bóp nghẹt nguồn sống của các tập đoàn/công ty khác với sản phẩm chất lượng tốt nhưng vì không thể tiếp cận với nguồn tài chính chi phí thấp tương đương nên không thể cạnh tranh được.
Công ty của bạn cũng không tránh khỏi số phận trên. Bạn càng cố gắng bao nhiêu thì càng thấy khó bán hàng bấy nhiêu.
Cùng lúc đó, bên trong tập đoàn Sharp, tiền của chính phủ cũng chẳng thay đổi được gì. Những giám đốc điều hành lười biếng của tập đoàn cũng không muốn tự sống, họ cào cấu để chương trình hỗ trợ của chính phủ kéo dài càng lâu càng tốt.
Bạn cứ cố hy vọng cuối cùng chính phủ Nhật cũng sẽ mệt mỏi mà buông tay với những tập đoàn xác sống như Sharp, nhưng bạn đã nhầm.
Tháng 1/2016, chính phủ Nhật tiếp tục cứu Sharp bằng 200 tỷ yên, tức khoảng 1,7 tỷ USD. Một công ty khác sẽ tiếp quản bộ phận sản xuất màn hình LCD và sáp nhập nó với một công ty đối thủ.
Và với kiểu hỗ trợ các tập đoàn lớn như vậy, sẽ chẳng có cách nào để công ty của bạn có thể tồn tại trên thị trường. Chính phủ Nhật đơn giản chẳng thèm quan tâm đến những công ty chỉ tuyển dụng có 100 nhân viên trong khi Sharp có đến 50 nghìn nhân viên.
Vậy bạn sẽ phải làm gì? Hãy cuốn gói khỏi nước Nhật và đến khởi nghiệp ở thung lũng Silicon, Mỹ, điều mà rất nhiều doanh nhân Nhật đã làm.
Bằng chính sách duy trì các tập đoàn xác sống kiểu Sharp như trên, chính phủ Nhật cũng gián tiếp giết chết các tập đoàn nước ngoài có ý định cạnh tranh với doanh nghiệp Nhật trên đất Nhật. Bởi đơn giản, chẳng có tập đoàn nước ngoài nào có thể cạnh tranh được với đống sản phẩm nội địa giá siêu rẻ bán ngập thị trường nội địa Nhật, từ điện thoại di động, điều hòa nhiệt độ, máy in, lò vi sóng và rất nhiều sản phẩm khác.
Bất kỳ doanh nghiệp nào dám mơ mộng coi thị trường Nhật là bàn đạp để phát triển công việc bán hàng của mình sẽ phải thất vọng tràn trề và buộc phải ra đi vì sức ép cạnh tranh từ các “tập đoàn xác sống”.
Còn nhớ vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, 2009, chính phủ Mỹ cũng đã tung tiền cứu một số ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm và một số tập đoàn ô tô lớn của Mỹ. Với lập luận trên, chắc chắn sẽ không ít người cho rằng chính phủ Nhật cũng chỉ làm như chính phủ Mỹ và vì thế không có lý do gì để chỉ trích người Nhật.
Thế nhưng xét về bản chất, hai cách giải cứu trên khác nhau hoàn toàn. Chính phủ Mỹ cứu các tập đoàn nước này khi kinh tế Mỹ suy thoái cực kỳ sâu và yêu cầu các tập đoàn này có lộ trình cụ thể và chặt chẽ trong việc trả lại tiền thuế của người dân Mỹ và đồng thời tiến hành tái cơ cấu.
Tuy nhiên chính phủ Nhật lại hỗ trợ cho nhiều tập đoàn kiểu như Sharp hết năm này qua năm khác, bất chấp việc kinh tế Nhật khó khăn hay tăng trưởng và các tập đoàn cũng chẳng bị ép phải tuân thủ theo lộ trình tái cơ cấu chặt chẽ. Chính vì thế nhiều tập đoàn yếu kém cứ tồn tại bằng tiền của chính phủ Nhật hết năm này qua năm khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đã đến lúc chính phủ Nhật cần chấm dứt những chính sách mang tính hủy hoại sức cạnh tranh của thị trường, động lực tăng trưởng của nền kinh tế và gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài như thế.
Phương Dung
Vneconomy
|