Không tiếp tục đổi mới, Việt Nam sẽ khó khăn, tụt hậu
“Tôi chịu nhiều sức ép khi làm luật”, “tôi được yêu nhiều hơn là ghét”... Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh mà ông nói “là lần cuối cùng” bởi ông sắp về hưu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói không đổi mới, VN sẽ khó khăn. Thực tế đang xuất hiện rất nhiều giấy phép con trở lại, doanh nghiệp vẫn bị “đòi phí” trắng trợn...
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng mấy chục năm đổi mới vừa qua VN đã có nhiều thành tựu, cải cách sâu rộng. Nhưng tác động từ những cải cách đó đã dần cạn rồi. Nếu không tiếp tục đổi mới thì VN sẽ khó khăn, tụt hậu...
“Tôi chịu nhiều sức ép khi làm luật”, “chất lượng cổ phần hóa rất kém”, “tôi rất tiếc nhưng tôi không thể làm gì hơn”, “tôi được yêu nhiều hơn là ghét”... Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh vào dịp cuối năm mà ông nói “là lần cuối cùng” bởi ông sắp về hưu.
Thẳng thắn, ông Bùi Quang Vinh đã kể lại nhiều câu chuyện và những suy nghĩ của mình trong năm năm làm bộ trưởng.
“Chúng tôi tập hợp hàng trăm chuyên gia hàng đầu thế giới. Kết quả, thấy một trong những vấn đề căn cơ là VN cần tiếp tục thay đổi, đổi mới thể chế, xây dựng các nhân tố thị trường đầy đủ hơn...
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
|
Chất lượng cổ phần hóa rất thấp
* Ông đã rất quyết liệt, Luật doanh nghiệp và đầu tư 2014 rất cải cách. Nhưng trên thực tế đang xuất hiện rất nhiều giấy phép con trở lại, doanh nghiệp vẫn bị “đòi phí” trắng trợn. Môi trường kinh doanh đã không được cải thiện như mong muốn?
- Cải cách là một quá trình, không thể mong một quy định giải quyết được tất cả. Tôi phải nói cái xin - cho đã ăn rễ trong đầu từng cán bộ rồi.
Hiện tại, đúng là còn tình trạng ban hành nhiều giấy phép con không theo tinh thần Luật doanh nghiệp. Chính phủ đã thành lập tổ thi hành Luật doanh nghiệp, đầu tư, chúng tôi đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra. Có lẽ đầu năm 2016 sẽ có tổng rà soát, xem từ khi có luật có bao nhiêu giấy phép con đẻ ra thêm...
* Ông đã thành công khi bảo vệ được Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Nhưng ông có gặp thất bại, khó khăn nào không? Như Luật quy hoạch, đang lãng phí hơn 8.000 tỉ đồng...
- Đây là câu hỏi hay. Không phải không có Luật quy hoạch thì lãng phí 8.200 tỉ đâu. Mà đó mới là tiền bỏ ra làm quy hoạch. Còn cái nó gây tác hại (do không có chỉnh đốn lĩnh vực quy hoạch, quy hoạch chồng chéo - PV)... thì lãng phí gấp ngàn, gấp vạn lần số 8.200 tỉ. Khi các luật ra đời tràn lan, nó cản trở, hạn chế phát triển.
Tôi rất tiếc vì hiện Chính phủ đã quyết không thông qua luật này (không đưa ra Quốc hội) dù nó được đánh giá đổi mới. Chỉ có điều nó động đến quá nhiều ngành. Để nhiệm kỳ sau lỡ cả nhịp... Tôi rất tiếc nhưng tôi không thể làm gì hơn...
* Vậy cổ phần hóa, cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước thì sao? Gần đây nhà nước định bán cả Vinamilk (VNM), Bộ KH-ĐT có làm chính sách gì để thúc đẩy việc bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước?
- Hiện nay chúng ta mới cổ phần hóa trên đầu số doanh nghiệp. Còn chất lượng cổ phần hóa, theo tôi, phải nói là rất thấp. Bộ Tài chính nói ta mới bán được khoảng 5% giá trị ở các doanh nghiệp. Còn 95% vẫn là của Nhà nước. Vậy mà ta nói đã cổ phần hóa mạnh mẽ thì... không phải đâu! Chúng ta đừng quan trọng số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa. Phải chuyển sang tiêu chí họ bán được bao nhiêu phần trăm cổ phần, có đủ để thành phần ngoài nhà nước chi phối không? Chứ bán 5% thì bộ máy, chính sách, vận hành... vẫn thế!
Hiện nay, nghiệp vụ chính được Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ban đổi mới sắp xếp doanh nghiệp tại Văn phòng Chính phủ. Bộ KH-ĐT quản lý khung chính sách, như tiêu chí doanh nghiệp nhà nước nào cổ phần hóa 65%, loại nào giữ hơn.
Bộ KH-ĐT chúng tôi đang sửa đổi các nghị định để thu hẹp hơn nữa những ngành nghề Nhà nước cần giữ 100% vốn và giữ chi phối. Quan điểm của tôi là càng thu hẹp càng tốt, lĩnh vực nào tư nhân làm tốt hơn thì Nhà nước nên nhường cho tư nhân làm. Cái này nói thì dễ nhưng làm thì khó.
Trước đây chúng ta vẫn nghĩ rằng sân bay, bến cảng không thể để tư nhân làm được, trong khi thế giới họ không làm vậy. Tư nhân nào thì cũng Nhà nước quản lý, chứ họ có thể bê sân bay, bến cảng sang Anh, sang Mỹ được đâu? Song, để đổi mới không đơn giản. Nhưng chúng tôi sẽ thể hiện tinh thần này qua các văn bản về đổi mới doanh nghiệp.
Phải tiếp tục đổi mới
* Bộ trưởng từng nói trăn trở nhất là thể chế. Vậy đến nay, sau khi đã đi gần hết nhiệm kỳ, vào chặng cuối rồi, ông đánh giá đã đạt được gì?
- Thể chế là vấn đề lớn, có nhiều việc phải làm. Chúng ta đã khởi động với nhiều cố gắng, từ cấp Chính phủ đến các chuyên gia. Thời gian qua, với sự đồng tâm, ta có bước chuyển mạnh mẽ về thể chế, bắt đầu từ việc sửa Hiến pháp, đến các luật quan trọng như Luật tổ chức bộ máy Chính phủ, Bộ luật dân sự, hình sự, Luật doanh nghiệp, đầu tư...
Tất cả đã hướng theo sự tiến bộ, đổi mới thể chế. Nhưng cố gắng đó tôi cho rằng chưa đủ. Cái mong đợi nhất là thúc đẩy nhân tố thị trường thì còn rất nhiều việc phải làm.
* Vậy theo ông, chúng ta phải tiếp tục cải cách ra sao, tăng tính thị trường ở đâu?
- Mấy chục năm đổi mới vừa qua VN đã có nhiều thành tựu, cải cách sâu rộng. Nhưng tác động từ những cải cách đó đã dần cạn rồi.
Thực tế ta đã bị chững lại nhiều năm qua, không cẩn thận còn đi xuống. Cứ bình bình, không đổi mới thì VN sẽ khó khăn, tụt hậu, đó là điều rõ ràng rồi. Chúng tôi tập hợp hàng trăm chuyên gia hàng đầu thế giới, trong đó có cả người từng đoạt giải Nobel để phân tích.
Kết quả, thấy một trong những vấn đề căn cơ là VN cần tiếp tục thay đổi, đổi mới thể chế, xây dựng các nhân tố thị trường đầy đủ hơn... Ví dụ như đất đai. Đất đai ở VN hiện nay chưa thực là thị trường, nên đang có thị trường ngầm, vẫn phân bổ nguồn lực theo quyết định hành chính. Trong khi thị trường là doanh nghiệp nào, nhân tố nào sử dụng hiệu quả nhất thì họ được tiếp cận.
Lao động cũng vậy. Ta phải có thị trường lao động, ai làm giỏi sẽ được trọng dụng. Cán bộ nay tôi tuyển vào, không làm tốt mai tôi sa thải ngay. Thế mới tạo được động lực. Ta chưa làm được. Phải tạo dựng thị trường đồng bộ thì sẽ có động lực tiếp tục phát triển...
“Tôi được yêu nhiều hơn ghét”
* Ông có chịu áp lực khi đưa ra chính sách cải cách không? Qua nhiều đổi mới, giờ nhìn lại ông thấy mình bị ghét hơn hay được yêu hơn?
- Để đổi mới không tránh được những đụng chạm tới lợi ích ngành này, ngành kia, cá nhân ai đó, nên họ phản đối. Bộ KH-ĐT đã phải chịu không ít áp lực này, cá nhân tôi còn chịu nhiều hơn khi làm luật.
Nhưng tôi thấy tôi được yêu quý nhiều hơn là ghét. Tôi nói có căn cứ. Ví dụ các địa phương đều mong bộ trưởng Bộ KH-ĐT tiếp tục thực hiện cải cách đầu tư công. Họ bị thít lại, nhưng họ hiểu điều kiện đất nước không thể khác được nữa...
* Ông đã có nhiều tư duy đổi mới. Bây giờ nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Ông có lo những đổi mới sẽ không được tiếp tục?
- Đổi mới là cả quá trình lâu dài, một nhiệm kỳ không thể làm được hết. Tôi không thể nói chắc nhiệm kỳ sau như thế nào. Tôi cũng tin Đảng, Nhà nước sẽ chọn người tiếp tục giương cao ngọn cờ cải cách.
Chúng ta đồng tâm trước những cải cách có lợi cho đất nước. Nếu đã xác định là đúng thì bất cứ ai là bộ trưởng Bộ KH-ĐT sẽ phải tiếp bước. Còn nếu quay lại cơ chế cũ, cái cục bộ... thì người đó không xứng đáng. Tôi không có quyền chọn người thay thế. Tôi cũng không biết ai là người thay tôi. Chỉ có điều chắc chắn biết là tôi sẽ nghỉ.
* Nếu ông được hỏi tới đây VN cần dựa vào động lực nào để phát triển, thoát khỏi phận nước nghèo, ông sẽ trả lời thế nào?
- VN cần phát triển thông qua thể chế phù hợp nhất với thế giới, phù hợp hoàn cảnh của VN để khơi dậy mọi tiềm năng. Tôi nghĩ VN phải khơi dậy trí tuệ con người. Từ người cao nhất, ta phải làm sao chọn được người tài năng nhất, có tâm huyết nhất.
Những ai có tài, có đức được trọng dụng sẽ tạo sức mạnh to lớn. Lịch sử cho thấy những người tài có thể biến đất nước từ không có gì thành đất nước phát triển. Đó là động lực quan trọng nhất, chứ không phải là tài nguyên. Hi vọng VN ta sẽ làm được.
XUÂN TOÀN - CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Tuổi trẻ
|