Thứ Hai, 29/02/2016 21:17

Chính phủ: phấn đấu đưa GDP đạt 7% năm nay

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng GDP năm 2016, phải đạt 7%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội giao, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29-2.

Cả ngày 29-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2016.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 2-2016. Ảnh VPCP cung cấp

Kinh tế 2015 đạt 6,68% dù thiệt hại lớn do giá dầu

Ông Định, người lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp báo thường kỳ thay Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cho biết cuộc họp này đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng năm 2015 là 6,2%, Chính phủ báo cáo Quốc hội là 6,5%, và đến nay đạt 6,68%.

Ông nói: “Đây là thành tựu rất lớn, là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua… Đây là tiền đề quan trọng để năm 2016 đạt chỉ tiêu 6,7% Quốc hôi giao, và Thủ tướng chỉ đạo phải đạt 7%”.

Theo ông Định, tỷ lệ này rất đáng nói khi năm 2015 nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, nhất là giá dầu thô, giá nông sản giảm mạnh làm thiệt 5,4-5,5 tỉ đô la Mỹ.

Ông Định cho biết, Thủ tướng nói tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam do nền kinh tế đã hội nhập sâu. Dự kiến tăng trưởng thế giới sẽ giảm, thương mại toàn cầu suy giảm, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, giá dầu vẫn có xu thế giảm.

Ông Định nói: “Vì thế Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành phải phân tích kỹ các tác động… biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy các cơ hội đối ngoại đưa hàng hóa Việt Nam ra ngoài”.

Ông Định cho biết, chỉ tiêu tạo việc làm mới năm 2015 là 1,625 triệu việc, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 1,6 triệu việc hàng năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 thực tế chỉ tăng 7,9%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 10% do giá nông sản, giá dầu giảm sâu. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 6,1% GDP, cao hơn so kế hoạch 5%.

Kinh tế đầu năm tích cực, nhưng nông nghiệp rất khó khăn

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong hai tháng đầu năm nay kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu đô la Mỹ. Thu hút vốn FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đến 15-2 ước đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% (thu nội địa tăng mạnh đến 12,8%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, hai tháng tăng 6,6%. Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Qua hai tháng nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực”.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phòng chống rét ở các tỉnh phía Bắc; kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Định cho biết thêm, hiện nay một nửa Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn làm ảnh hưởng lớn đến vụ mùa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị chi 632 tỉ đồng cho các tỉnh ngăn mặn, chống hạn; và dự kiến cần 55.000 tỉ đồng cho việc này trong 5 năm tới.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi đà giảm tốc của Trung Quốc (11/01/2016)

>   Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng cho 2016 (11/01/2016)

>   Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (09/01/2016)

>   WBG: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng năm 10% trước 2030 nhờ TPP (08/01/2016)

>   HSBC: NHNN sẽ chuyển sang chính sách thắt chặt dần trong nửa cuối 2016 (06/01/2016)

>   Chứng khoán Trung Quốc: Bạo phát bạo tàn (06/01/2016)

>   12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM năm 2016 (05/01/2016)

>   PMI tháng 12 tăng lại lên 51.3 điểm, cải thiện điều kiện kinh doanh chỉ ở mức nhỏ (04/01/2016)

>   Có thật là Việt Nam đang tụt hậu? (03/01/2016)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2016: Tốc độ tăng trưởng sẽ vượt Trung Quốc (02/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật