Hàng Việt xuất ngoại đầu năm
Khi có nhiều hợp đồng xuất khẩu “khủng” thì nhiều doanh nghiệp Việt lại… lo.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), thông báo tin vui: Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu hạt điều đến tận tháng 5-2016.
“Thị trường thế giới đang tiêu thụ mạnh hạt điều Việt với giá xuất khẩu tăng từ 3,25 USD/kg lên mức 3,5 USD/kg” - ông Huyên chia sẻ.
Vừa mừng vừa lo
Thực tế cho thấy đầu ra của hạt điều Việt ngày càng tốt hơn, ngay cả ở những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ. Tuy vậy, khi có các hợp đồng xuất khẩu “khủng” thì không ít doanh nghiệp (DN) lại… lo. “Công ty không dám ký hợp đồng số lượng lớn vì sợ không đủ nguyên liệu để chế biến đáp ứng những đơn hàng đã ký” - ông Huyên chia sẻ.
Sự lo lắng của ông Huyên là có cơ sở, bởi hiện nay lượng nguyên liệu điều thô trong nước chỉ cung cấp đủ 30% cho nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thừa nhận mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 1,3 triệu tấn hạt điều, song trong nước chỉ cung cấp được 500.000 tấn, số còn lại phải nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia.
Ông Thanh phân tích: “Việc nhập khẩu nguyên liệu hạt điều gặp nhiều khó khăn vì vấp phải sự cạnh tranh với các đối thủ khác như Ấn Độ. Thậm chí một số nước châu Phi cũng đang đầu tư chế biến xuất khẩu khiến việc mua nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu càng khó khăn hơn”.
Đang vào vụ thu hoạch thanh long, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, thông tin tình hình xuất khẩu đầu năm diễn ra thuận lợi. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, hiện nay công ty còn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, châu Âu và các nước Đông Nam Á. Giá xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc khoảng 1 USD/kg.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
“Tuy nhiên, khó khăn là xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị thu mua thanh long như tranh mua, tranh bán… Điều này dẫn đến tình trạng DN xuất khẩu không có đủ hàng ổn định để đáp ứng hợp đồng của phía đối tác nước ngoài” - ông Hiệp nói.
Sau một năm bết bát, trong những ngày đầu năm nay ngành xuất khẩu gạo đã có dấu hiệu tích cực. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dẫn chứng nhờ hai hợp đồng tập trung ký với Philippines và Indonesia đã giải phóng được lượng gạo tồn kho mua tạm trữ rất lớn. Riêng quý I-2016 xuất khẩu gạo dự kiến đạt mức 1,2 triệu tấn gạo, cao hơn khoảng 300.000 tấn so với cùng kỳ năm nước.
Tuy vậy, theo các đơn vị xuất khẩu gạo, năm nay dự báo sẽ khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Ấn Độ do lượng tồn kho khổng lồ 12-13 triệu tấn gạo. “Nếu Thái Lan xả hàng thì gạo Việt có thể tắc đầu ra. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đã giảm nhập, do họ tăng nhập gạo từ Myanmar, Campuchia và cả Thái Lan” - đại diện một DN lo lắng.
Chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
Thời gian qua, Việt Nam liên tục tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Những hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các thị trường tiềm năng, rộng lớn.
Nhìn nhận về cơ hội này, ông Trần Quốc Mạnh, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nói năm nay đơn hàng xuất khẩu của các DN trong ngành sẽ tốt hơn nhiều so với những năm trước. Không chỉ xuất khẩu, thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng tốt. Lý do là vài năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trong nước không ngừng tăng.
Đáng chú ý là một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản trước đây thường mua nguyên liệu gỗ của Trung Quốc thì nay đang chuyển hướng sang mua hàng của Việt Nam.
Để khai thác được cơ hội này, theo ông Mạnh, các DN xuất khẩu gỗ đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo quy tắc xuất xứ mà các hiệp định thương mại đặt ra. Khi đạt các tiêu chuẩn này, giá bán sản phẩm sang các nước cao hơn 15%-30% loại bình thường.
Với ngành thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay năm nay tình hình xuất khẩu sang Hàn Quốc có nhiều triển vọng khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực. Lý do là thuế xuất khẩu thủy sản sẽ giảm mạnh và đây được cho là động lực lớn để thúc đẩy xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc. Riêng mặt hàng tôm còn được cấp quota miễn thuế 10.000 tấn mỗi năm.
“Vấn đề là các DN phải xây dựng được chuỗi sản xuất từ giống, nuôi, thức ăn đến chế biến, đóng gói và phải đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, phải nắm rõ nhu cầu thị trường. Chẳng hạn người Hàn Quốc thích ăn tôm chế biến sẵn, thủy sản khô được đóng gói và phải có hướng dẫn cụ thể” - ông Lĩnh chia sẻ.
Không ít DN ngành dệt may cũng đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I-2016. Song đại diện số DN nhìn nhận để hàng may mặc hưởng lợi từ các FTA thì các DN phải chủ động liên kết để tạo thành chuỗi khép kín từ việc cung cấp nguyên phụ liệu đến thành phẩm và xuất khẩu; chuyển từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu trực tiếp.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN
Những năm qua, xuất khẩu của chúng ta sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi nhưng có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới.
Do vậy, các DN Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, sắt thép…
Ông TRẦN THANH HẢI, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu
Năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điều bao gồm dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm phụ…, đạt khoảng 2,5 tỉ USD trong năm 2015, cao nhất từ trước đến nay.
|
Quang Huy
pháp luật tphcm
|