Chứng khoán toàn cầu đón năm mới với phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận phiên khai mạc năm mới tồi tệ nhất trong ít nhất ba thập kỷ trở lại đây với sắc đỏ bao trùm hầu hết các thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động giao dịch chứng khoán trong ngày thứ Hai sau khi số liệu sản xuất yếu kém đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ và khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận phiên khai mạc năm mới tồi tệ nhất trong ít nhất ba thập kỷ trở lại đây. Thị trường chứng khoán tại các nước thuộc thị trường mới nổi giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015, số liệu sản xuất thất vọng của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này rơi vào trạng thái bán tháo khiến sàn giao dịch Thượng Hải dừng hoạt động. Các tài sản mang tính rủi ro bị xa lánh, trong khi trái phiếu và đồng Yên được tìm đến như một nơi “trú ẩn an toàn”.
Mặc dù nhóm các bluechips của TTCK Mỹ đã phục hồi lại một nửa đà suy giảm trước đó trong cuối giờ giao dịch ngày thứ Hai (04/01) thì chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn ghi nhận phiên giao dịch mở đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ 2008. Các cổ phiếu của ngân hàng và các công ty chăm sóc sức khỏe dẫn đầu đà giảm của chỉ số S&P 500 khi giảm tới 1.5%.
Trước đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã có thời điểm giảm tới 467 điểm, trước khi phục hồi trở lại do đà bán tháo của TTCK Trung Quốc lan rộng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám.
Diễn biến giao dịch của chỉ số công nghiệp Dow Jones những phiên gần đây
Nguồn: Bloomberg
|
Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 2.1% tại thời điểm 17h00 theo giờ New York, trước đó mức giảm mạnh nhất ghi nhận tại phiên giao dịch đầu tiên của năm 2001 với 1.5%. Chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất kể từ phiên giao dịch ngày 18/12/2015 và là một trong sáu phiên khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 1927. Phiên giao dịch đầu năm mới giảm mạnh nhất ghi nhận vào năm 1932 với mức giảm 6.9%, theo sau đó là sụt giảm 2.8% trong sự kiện dot-com năm 2001.
Chỉ số đánh giá mức độ biến động, đo lường rủi ro của thị trường đối với 2 thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu đã tăng vọt, chỉ số Volatility đối với sàn CBO (Chicago Board Options) tăng 14% và tăng tới 22% đối với chỉ số Europe Stoxx 50.
Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2.5%, khởi đầu năm mới đáng quên với gần 580 cổ phiếu sụt giảm. Chỉ số DAX của TTCK Đức – một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất năm 2015, đã giảm tới 4.3%, mức giảm lớn nhất kể từ sự kiện bán tháo diễn ra tại TTCK Trung Quốc vào tháng 8/2015. Bên cạnh sự lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đà bán tháo của TTCK Trung Quốc, một phần nguyên nhân xuất phát từ tốc độ tăng trưởng lạm phát của nước này đã bắt đầu chậm lại.
Tại Châu Á, chỉ số Topix của thị trường Nhật Bản giảm 2.4%. Trong khi, Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động giao dịch chứng khoán trong ngày thứ Hai sau khi số liệu sản xuất yếu kém đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ và khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh. Chỉ số chính Shanghai Composite sụt 6.9 trong khi Shenzhen Composite rớt mạnh hơn 8%.
Đà bán tháo này đánh dấu khởi đầu năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của thị trường chứng khoán Trung Quốc và diễn ra ngay trong ngày đầu tiên áp dụng thiết bị ngắt giao dịch tự động (circuit breaker). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng circuit breaker cho các sàn chứng khoán.
Chỉ số S&P/NZX 50 của thị trường New Zealand giảm 1.4% trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016. Các chỉ số tương lai tại các thị trường Tokyo, Seoul và Hong Kong giảm ít nhất 0.4% trong hầu hết các giao dịch.
“Tôi cho rằng đợt bán tháo đã mang lại một số cơ hội vào cuối ngày giao dịch”, Jim McDonald, giám đốc chiến lược đầu tư của Northern Trust Corp – đơn vị đang quản lý 946 triệu USD có trụ sở tại Chicago cho biết. “Diễn biến giao dịch phản ánh nỗi lo trên thị trường phần lớn đến từ tác động bên ngoài. Nếu bạn nhìn vào cách các thị trường giao dịch, nó không nói lên rằng thị trường đang sợ hãi”./.
|