10 phiên mở màn sóng gió nhất trong lịch sử Phố Wall
- Dow Jones lao dốc gần 400 điểm sau khi tích tắt ngã nhào tới 500 điểm
-
Tính chung cả tuần, Dow Jones hạ 2.2%, S&P 500 mất 2.2% và chỉ số Nasdaq rớt 3.3%.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu, với chỉ số S&P 500 chìm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014 khi giá dầu rớt mốc 30 USD/thùng và nỗi lo sợ về nền kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng, Reuters đưa tin.
* Biến động dữ dội trên các thị trường tài chính toàn cầu
* Chứng khoán Trung Quốc tiến vào "thị trường con gấu"
Trong ngày thứ Sáu, khối lượng giao dịch tăng cao bất thường và hơn 1/5 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 chạm mức thấp nhất trong 52 tuần. Tất cả 10 lĩnh vực của S&P 500 chìm trong sắc đỏ. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 rớt 3.5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 07/2013.
Lĩnh vực năng lượng lùi sâu 2.87% khi giá dầu trượt dốc 6.5% một phần là do nỗi lo sợ về tốc độ tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại Trung Quốc và thị trường chứng khoán của quốc gia này cũng tụt dốc trong ngày hôm qua. Lĩnh vực năng lượng đã mất gần 1 nửa giá trị sau khi chạm mức cao kỷ lục vào cuối năm 2014.
Dẫn đầu đà sụt giảm trong tất cả lĩnh vực của S&P 500 là lĩnh vực công nghệ với mức trượt dốc 3.15% khi kết quả hoạt động hàng quý ảm đạm từ công ty chế tạo “chip” Intel đã tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Intel trượt dốc 9.1%, mức sụt giảm mạnh nhất trong 7 năm.
Hiện chỉ số S&P 500 đã rớt khoảng 12% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại xác lập ngày 21/05/2015, qua đó đẩy chỉ số này trở về phạm vi điều chỉnh. Trong phiên giao dịch cùng ngày, các chỉ số chính tại Trung Quốc giảm hơn 3%.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ giao dịch vào ngày thứ Hai nhân dịp Lễ Martin Luther King, trong khi thị trường chứng khoán tại Trung Quốc vẫn mở cửa giao dịch bình thường.
Trong ngày thứ Sáu, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên phố Wall, tăng vọt 29.2% lên 30.95, mức cao nhất kể từ tháng 09/2015.
Dữ liệu kinh tế tại Mỹ trong ngày thứ Sáu cũng không khả quan, với doanh số bán lẻ bất ngờ sụt giảm và sản lượng ngành công nghiệp lao dốc 1 lần nữa trong tháng 12/2015, khiến triển vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 4 trở nên tồi tệ hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 2.39% xuống 15,988.08 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 2.16% còn 1,880.33 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 2.74% khép phiên tại 4,488.42 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones hạ 2.2%, chỉ số S&P 500 mất 2.2% và chỉ số Nasdaq rớt 3.3%. Từ đầu năm đến nay, Dow Jones đã giảm tổng cộng 8.25%.
Diễn biến của Dow Jones từ đầu năm 2016 đến nay
Nguồn: CNN Money
|
Trên sàn New York, số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng theo tỷ lệ 2,591:529. Tỷ lệ này trên sàn Nasdaq là 2,377:502.
Khoảng 10.8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn so với mức bình quân hàng ngày trong 20 phiên vừa qua là 7.6 tỷ cổ phiếu, theo dữ liệu của Thomson Reuters./.
|