Quốc hội Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sau 40 năm
Các nhà chính trị của Mỹ vừa thông qua một dự luật cho phép dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm qua, MarketWatch đưa tin.
* Dầu mỏ của Mỹ có khả năng sẽ tràn ngập thị trường quốc tế
* Dầu lao dốc không thương tiếc 4 tuần liền
Động thái này là một phần của gói chi tiêu quy mô 1.1 ngàn tỷ USD được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày thứ Sáu nhằm tài trợ cho Chính phủ đến hết năm 2016. Dự luật này cũng đã được Tổng thống Obama ký thành luật ngay trong ngày thứ Sáu.
Giá dầu liên tục sụt giảm trong các tuần gần đây khi thị trường đối mặt với tình trạng dư thừa dầu thô. Tính chung cả tuần qua, hợp đồng dầu WTI tại Mỹ giảm 2.5%, đánh dấu tuần lao dốc thứ tư liên tiếp. Cùng kỳ, hợp đồng dầu Brent tại London sụt 2.8%.
Với động thái trên, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã có thể bán dầu thô ra thị trường quốc tế vốn đã bão hòa.
Được biết, một lượng lớn dầu của Mỹ đến từ các nhà sản xuất đá phiến. Các công ty khai thác và sản xuất cho rằng lệnh cấm – được áp dụng trong suốt giai đoạn cấm vận dầu A rập vào giữa thập niên 1970 – đã hết hạn và không còn cần thiết.
Những người phản đối cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ dẫn đến việc cắt giảm việc làm trong lĩnh vực lọc dầu và không tốt cho môi trường.
Với tình trạng thừa dầu trên toàn cầu như hiện nay, việc dỡ bỏ lệnh cấm được dự báo sẽ không dẫn đến việc Mỹ xuất khẩu nhiều dầu trong nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm, nhưng có thể giúp các nhà sản xuất tại nước này linh hoạt hơn.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và dầu WTI đã thu hẹp trước kỳ vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu sẽ xoa dịu tình trạng dư thừa nguồn cung tại Mỹ. Số liệu được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy hiện dự trữ dầu thô đang cao hơn 130 triệu thùng so với mức bình quân 5 năm./.
|