Những điều cần biết trước quyết định lịch sử của Fed
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm nên lịch sử vào ngày thứ Tư nếu cơ quan này quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong một thập kỷ.
CNNMoney cho rằng đây là một khoảnh khắc quan trọng đối với kinh tế Mỹ và đã liệt kê những điều mà nhà đầu tư cần biết về lần nâng lãi suất này.
* Nhà đầu tư đổ xô vào tiền mặt trước cuộc họp lịch sử của Fed
* Dồn dập tín hiệu nâng lãi suất từ các quan chức đứng đầu Fed
1. Đó sẽ là lần nâng lãi suất đầu tiên trong gần 10 năm: Đây sẽ là lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 6/2006. Còn nhớ tại thời điểm đó, kinh tế Mỹ khá “nóng” với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.4% và bong bóng nhà ở sắp vỡ. Khi đó, Fed đã cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế thông qua việc nâng lãi suất.
2. Đó là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế: Đó sẽ là tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ tin tưởng vào sức mạnh của nền kinh tế và khả năng đương đầu với chi phí vay mượn cao hơn. Hơn nữa, việc nâng lãi suất cũng cho thấy nền kinh tế đã phục hồi tới đâu kể từ khi cuộc Đại suy thoái kết thúc vào năm 2009, khi tỷ lệ thất nghiệp chạm 10%. Hiện tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đang ở mức 5%.
3. Lãi suất đang rời khỏi mức 0%: Fed bắt đầu áp dụng mức lãi suất gần 0% vào tháng 12/2008 để thúc đẩy nền kinh tế và kích thích thị trường nhà ở. Kể từ thời điểm đó đến nay, lãi suất tại Mỹ không hề nhúc nhích.
4. Fed muốn nâng lãi suất chậm: Nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất từ mức gần 0 lên 0.25%. Đó là một mức tăng khá nhẹ. Dù vậy, cơ quan này có thể nâng lãi suất với tốc độ chậm và từ từ trong năm tới.
5. Cuối cùng người tiết kiệm cũng có được ít tiền: Nếu bạn để tiền trong tài khoản tiết kiệm của mình, bạn sẽ bắt đầu nhận được lãi suất trong vài năm tới khi lãi suất bắt đầu tăng cao. Được biết, kể từ năm 2008 đến nay, người tiết kiệm không hề nhận được lãi suất.
6. Lãi suất cao hơn không tốt cho thị trường chứng khoán: Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong đợt nâng lãi suất gần nhất của Fed từ năm 2004-2006, S&P 500 thực sự đã tăng 15%. Nhưng lãi suất cao hơn lại gia tăng chi phí vay mượn của các doanh nghiệp, và điều này có thể khiến nền kinh tế giảm tốc. Đó là điều mà thị trường chứng khoán không hề mong muốn.
7. Người mua nhà, đã đến lúc phải chú ý: Lãi suất thế chấp sẽ không tăng vọt trong một sớm một chiều nhưng được dự báo sẽ bắt đầu đi lên. Lãi suất thế chấp kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 3.9%, một con số quá thấp. Còn nhớ trong năm 2006, lãi suất thế chấp duy trì trên 6%.
8. Lãi suất cao hơn sẽ giúp đồng USD mạnh lên: Đồng USD mạnh là một tin mừng đối với các du khách Mỹ nhưng lại không tốt cho các doanh nghiệp nước này, chẳng hạn như Apple và Nike vì sản phẩm của họ được bán tại các thị trường nước ngoài. Đồng USD mạnh sẽ khiến các sản phẩm của Mỹ đắt đỏ hơn nhưng lại kém hấp dẫn hơn đối với người mua sắm nước ngoài.
9. Fed không muốn nâng lãi suất muộn: Fed không muốn gây thiệt hại cho lĩnh vực thương mại Mỹ nhưng cũng không thể đợi lâu hơn. Thông thường, phải mất vài tháng, lãi suất mới thực sự tác động đến nền kinh tế. Nếu lợi lâu hơn, mọi thứ có thể trở nên quá nóng.
10. Hầu như ai cũng muốn Fed nâng lãi suất: Theo phân tích từ tỷ lệ đặt cược của các chuyên gia giao dịch, của CME Group, 83% Fed sẽ nâng lãi suất vào ngày thứ Tư. Đó là tỷ lệ kỳ vọng cao nhất so với bất kỳ cuộc họp nào trước đó của Fed trong năm nay.
11. Người thực hiện động thái lịch sử của Fed là bà Janet Yellen: Cựu Chủ tịch Ben Bernanke đã điều hành ngân hàng trung ương trong lần nâng lãi suất gần nhất vào năm 2006. Còn hiện tại, người được ông “chọn mặt gửi vàng”, bà Janet Yellen đang giữ cương vị Chủ tịch Fed. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Fed trong lịch sử 112 năm của ngân hàng này./.
|