Thứ Hai, 28/12/2015 17:25

Chiến tranh tiền tệ trở lại khi Nhân dân tệ trượt giá?

5 tháng sau khi Trung Quốc khiến toàn thế giới choáng váng với quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ - động thái từng làm dấy lên lo sợ về một cuộc chiến tiền tệ với các quốc gia láng giềng tại châu Á, nhà đầu tư nhận thấy mình đang trong một cuộc chiến như vậy.

* Nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ

 

Việc Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào đầu tháng này đã làm dấy lên kỳ vọng rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá mạnh hơn nữa.

Đầu tháng 12, Nhân dân tệ đã rớt giá hai phiên liên tiếp khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức thấp hơn. Cụ thể, hôm thứ Năm (03/12), PBoC thiết lập tỷ giá bình quân chính thức ở mức 6.4236 NDT đổi 1 USD, thấp hơn 0.15% so với tỷ giá cố định trước đó. Động thái này ngay lập tức đã khiến Nhân dân tệ mở cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 02/08 khi PBoC phá giá đồng nội tệ bớt 2%.

Được biết, PBoC cho phép tỷ giá giao ngay Nhân dân tệ tăng/giảm tối đa 2% so với đồng USD quanh tỷ giá cố định chính thức.

“Đà phục hồi mạnh gần đây của cặp tỷ giá USD/Nhân dân tệ lên trên mức 6.42 được nhìn thấy lần cuối sau động thái phá giá bất ngờ hôm 11/08 đang gia tăng hoài nghi về việc hạ giá Nhân dân tệ có sự chỉ đạo của PBOC”, nhận định của Chang Wei Liang, chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Bank.

Theo nhận định của các nhà phân tích, nếu đó là sự thật, các thị trường mới nổi châu Á có thể làm suy yếu chính đồng nội tệ của mình để duy trì sự cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại.

“Các dấu hiệu về thị trường ngoại hối châu Á và rộng hơn là toàn bộ các thị trường mới nổi trên toàn cầu đã rõ ràng – đà giảm giá hơn nữa của đồng Nhân dân tệ có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tiền tệ, có thể bắt nguồn trực tiếp từ động thái của các nhà làm chính sách hoặc gián tiếp do làn sóng bán tháo các đồng tiền châu Á của nhà đầu tư. Những nhân tố này có thể dẫn đến sự bất ổn của các thị trường ngoại hối mới nổi toàn cầu”, nhận định của Jason Daw, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại Societe Generale.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) từng can thiệp vào thị trường để ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ, chẳng hạn như Malaysia và Indonesia, có thể sẽ không hành động như vậy trong thời gian tới. Ngoài PBoC, các nhân tố trong nước cũng có thể ảnh hưởng đến động thái của các NHTW này.

“Nhìn chung, các ngân hàng trung ương châu Á không quá chống đối đà trượt dài của các đồng tiền. Các nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên một đồng tiền có giá trị thấp không phải lúc nào cũng là điều xấu. Dù động thái của Trung Quốc có thể không phải là tác nhân duy nhất khiến các đồng tiền giảm giá hơn nữa nhưng về cơ bản đang xác nhận xu hướng này”, nhận định của Nizam Idris, Trưởng bộ phận chiến lược, thu nhập cố định và tiền tệ của Macquarie.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc được xem là dễ bị tác động nhất khi đồng Nhân dân tệ suy yếu sau động thái phá giá hồi tháng 8 của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Ju-Yeol đã bác bỏ bất kỳ tác động lớn nào từ đà giảm giá của đồng tiền này.

Ông nói: “Tôi cho rằng sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục một trong thời gian dài. Tác động tiêu cực từ đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ không lớn khi chúng tôi đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng mua vào trước viễn cảnh Nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu và trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ mới. Ngân hàng Mizuho cho rằng các thị trường có thể đã hiểu nhầm ý định của PBoC khi Phó Thống đốc Yi Gang cho rằng không có cơ sở cho việc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế và lạm phát giá sản xuất ngày càng sụt giảm của Trung Quốc đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương nước này có thể không còn sự lựa nào.

“Tiếp tục phá giá là bước đi cần thiết cho việc điều chỉnh cán cân thanh toán và cần thiết để các nhà quản lý giành lại quyền kiểm soát các điều kiện tiền tệ trong nước cũng như chấm dứt chu kỳ giảm phát”, lý giải của ông Jeremy Stevens, nhà kinh tế người châu Á tại Standard Bank.

Số liệu công bố đầu tháng này cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 của Trung Quốc giảm 5.9% so cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 45 liên tiếp.

Theo ông Daw, trong bất kỳ trường hợp nào, đà giảm giá nhanh chóng khó có thể xảy ra do ngân hàng trung ương nước này đã quá mệt mỏi với việc can thiệp và kiên trì với mục đích áp dụng cơ chế thả nổi tỷ giá. Ông dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ ở mức 6.8 đổi 1 USD vào cuối 2016.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng tỷ giá cố định thấp hơn của PBoC không phải hoàn toàn là bất ngờ. Nhiều người dự tính tính Bắc Kinh sẽ cho phép Nhân dân tệ giảm giá sau khi tiến vào giỏ tiền tệ dự trữ mang tên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.

Các tin tức khác

>   Kinh tế Nga ngày càng thu hẹp vì suy thoái (28/12/2015)

>   M&A châu Á đạt kỷ lục trên 1,000 tỷ USD năm 2015 (28/12/2015)

>   Nga yêu cầu khai thông tin cá nhân khi mua bán ngoại tệ (25/12/2015)

>   Quốc hội Ukraine đã thông qua ngân sách quốc gia năm 2016 (25/12/2015)

>   Vàng đảo chiều tăng 1%/tuần khi USD giảm liền 2 phiên (25/12/2015)

>   Dầu WTI vọt gần 6%/tuần và cao hơn dầu Brent 3 phiên liên tiếp (25/12/2015)

>   Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt thu mua trái phiếu của Nhật Bản (24/12/2015)

>   Các ngân hàng châu Âu tinh giản biên chế (24/12/2015)

>   Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2016 (24/12/2015)

>   Trung Quốc kéo dài thời gian giao dịch Nhân dân tệ từ 04/01/2016 (24/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật