Nhịp đập Thị trường 16/11: Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp
VN-Index sau những giằng co mạnh đã đóng cửa tại 609.21 điểm, giảm 2.06 điểm so với phiên trước. HNX-Index biên độ dao động không lớn, xu hướng giảm vẫn chiếm phần lớn thời gian giao dịch, đứng ở mức 81.05 điểm, giảm 0.52 điểm.
VN-Index phục hồi vào cuối phiên giao dịch chủ yếu nhờ vào đà tăng mạnh của VNM (+3,000 đồng), BMP tăng 5,000 đồng, CTD tăng 3,000. Bên cạnh đó, MSN đã có sự phục hồi lại về mốc tham chiếu, trong khi đó đà giảm của GAS, FPT được thu hẹp mạnh cũng góp phần không nhỏ để củng cố cho chỉ số. Một số mã sau đợt khớp lệnh ATC tăng điểm mạnh như: BTT, COM, GMD, LIX, SKG, VSC với mức tăng gần 3,000 đồng.
Tuy nhiên, bao nhiêu đó là chưa đủ so với phần còn lại của thị trường, đặc biệt những cổ phiếu lớn như VCB, GAS, BVH, BID... đều giảm mạnh. Nói đúng hơn thì trong những mã Large Cap ảnh hưởng đến chỉ số trong phiên hôm nay chỉ có một mình VNM làm trụ đỡ, tuy đà tăng mạnh nhưng vẫn là không đủ để VN-Index chinh phục lại mốc 610.
Thị trường cuối phiên xuất hiện dòng tiền mua vào lớn, thanh khoản thị trường đạt 3,234 tỷ đồng, dù giảm nhẹ so phiên cuối tuần trước nhưng vẫn được xem ở mức cao.
Diễn biến dòng tiền khối ngoại có sự khác biệt giữa hai sàn, khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp trên sàn HOSE với giá trị gần 36 tỷ đồng trong khi đó mua ròng 2.6 tỷ đồng trên sàn HNX.
13h50: Giằng co dưới mốc 610
Thị trường tiếp tục xu hướng tiêu cực trong 45 phút đầu tiên của phiên chiều, nhưng đến 13h50, nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng của một số mã, được dẫn dắt bởi VNM với đà tăng 2,000 đồng, VN-Index đã đảo chiều áp sát mốc 610 điểm.
Lúc 13h55 phút, VN-Index hiện đang đứng tạm tại mốc 608.64 điểm, giảm 2.63 điểm so với mở cửa, HNX-Index lùi 0.69 điểm, còn 80.87 điểm.
Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng mã giảm điểm đã lên tới 244, chỉ có 126 mã tăng điểm khiến độ mở thị trường càng lúc càng hẹp. Đà giảm của các mã Large Cap đã bắt đầu lan rộng ra toàn thị trường khi tất cả các nhóm Market Cap đều đang giảm điểm. Ảnh hưởng mạnh nhất lên chỉ số lúc này vẫn là các mã có vốn hóa lớn khi giảm tới 2.64 điểm.
Ngành Khoáng sản hiện đang có số lượng mã kịch sàn lớn như FCM, DHM, KSA, BGM. Bên cạnh đó trong nhóm ngành Bất động sản hiện đang có sự phân hóa nhẹ khi LDG, NVT, KAC giảm sàn, một số mã vốn hóa lớn như DXG, HQC liên tục đỏ điểm thì DRH có lúc kịch trần.
Thanh khoản thị trường không tăng mạnh, hiện chững ở mức 2,269 tỷ đồng với khối lượng giao dịch gần 133 triệu đơn vị.
Phiên sáng: VN-Index giảm hơn 3 điểm khi lực bán quay lại
Những mã cổ phiếu có đà tăng bứt phá trong lúc mở cửa bắt đầu thu hẹp mức tăng vào thời điểm nghỉ giữa phiên, trong khi các nhóm Market Cap lại chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, khiến thị trường có lúc lao dốc gần 5 điểm trong phiên sáng.
Đến thời điểm nghỉ giữa phiên, VN-Index mất 3 điểm, còn 608.27 điểm. HNX-Index lùi 0.5 điểm, dừng ở mức 81.07 điểm.
Độ mở thị trường thu hẹp mạnh, chỉ có 129 mã tăng điểm được dẫn dắt bởi VNM (18 mã kịch trần), số mã giảm điểm lên tới 243 (21 mã kịch sàn). Phần lớn các mã Large Cap đều dưới ngưỡng tham chiếu trong suốt phiên sáng, chính là lý do khiến VN-Index có phiên điều chỉnh sâu như vậy.
Thanh khoản toàn thị trường trong phiên sáng đạt 1,835 tỷ đồng với khối lượng giao dịch hơn 99 triệu đơn vị. Như vậy, so với phiên ngày thứ 6, dòng tiền đang chuyển hướng tập trung vào các mã có vốn hóa lớn.
10h30: VN-Index thu hẹp đà giảm
VN-Index sau một đợt tăng nhẹ vượt mốc tham chiếu, hiện tại đã điều chỉnh về mức 610.59 điểm, giảm 0.68 điểm, HNX-Index tiếp tục giảm nhẹ, còn 81.22 điểm, mất 0.35 điểm.
Đến thời điểm này, một số mã cổ phiếu đã bứt phá tăng điểm ngoạn mục như: CTD tăng 6,000 đồng, VNM tăng 2,000 đồng, BMP tăng 4,000 đồng. Nhóm cổ phiếu tầm trung như COM, CLC, GMD cũng nằm trong xu thế tăng điểm với mức tăng gần 2,000 đồng trong khi đó TMS bứt phá đạt trần.
Có thể thấy thị trường đang chịu tác động mạnh mẽ từ các mã nhóm Large Cap do ảnh hưởng trọng số giá trị vốn hóa. Mặc dù các nhóm Mid Cap, Small Cap, Micro Cap đều xanh điểm, nhưng do ảnh hưởng giảm điểm mạnh của nhóm Large Cap (-0.7 điểm) nên thị trường vẫn chưa hồi phục
Ngược lại với xu thế tăng điểm của VN-Index thì đến thời điểm hiện tại HNX-Index vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào được phát ra khi số lượng mã vốn hóa lớn giảm điểm khá nhiều trong khi số lượng mã tăng điểm khá hạn chế, chỉ có PVI, S99, VCS xanh điểm - những cái tên quen thuộc vẫn đang trong đà tăng điểm trong tuần qua.
Điểm tích cực trong buổi sáng hôm nay là dòng tiền đổ vào thị trường nhiều hơn khi thanh khoản tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước với khối lượng giao dịch đạt hơn 61 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch là 1,195 tỷ đồng.
Mở cửa: Hai sàn điều chỉnh, MWG thỏa thuận "khủng"
Những phút đầu tiên sau mở cửa chứng kiến sự điều chỉnh của cả hai chỉ số sau đợt bứt phá vào cuối tuần trước để chinh phục lại mốc 610. Đến 9h44, VN-Index đang đứng ở 610.56 điểm mất 0.71 điểm, HNX-Index dừng ở 81.36 điểm, lùi 0.21 điểm.
Điểm nhấn trong buổi sáng hôm nay là giao dịch thỏa thuận của MWG với khối lượng giao dịch lên tới 4.4 triệu cp ở mức giá trần, tổng giá trị giao dịch là 365 tỷ đồng.
Đến 9h25, trong những mã Large Cap chỉ có VNM vẫn tiếp tục giữ vững sắc xanh. Những mã khác như VIC, GAS, CTG, VCB đang ở trong xu thế điều chỉnh. Một mình VNM vẫn chưa đủ lực để nâng VN-Index lên mức tham chiếu.
HQC, FLC vẫn tiếp tục chiếm được nằm trong danh sách được các nhà đầu tư chú ý với khối lượng giao dịch lớn nhất 2 sàn. Đáng chú ý, DQC sau đợt bứt phá tăng điểm vào hôm thứ sáu tuần trước, hiện tại đã giảm sàn, mất 4,500 đồng.
Có lẽ đà điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới khi chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 8 của chứng khoán phố Wall do đà bán tháo cổ phiếu ở nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong tuần qua cả ba chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mỹ đều ghi nhận tuần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 8. Chỉ số Dow Jones mất 3.7%, chỉ số S&P 500 sụt 3.6% và chỉ số Nasdaq rớt 4.3%. Chỉ số S&P 600 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng sụt 4.6% trong tuần qua, đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong hơn 3 năm.
Phạm Trần
|