Chứng khoán Tuần 09 – 13/11: Đảo chiều mạnh mẽ tại vùng hỗ trợ 580-595 điểm
Đà giảm của thị trường đã không quá mạnh nhờ các phiên hồi phục tích cực về cuối tuần. Vùng hỗ trợ 580-595 điểm của VN-Index đã hoạt động khá tốt. Trong đó, giao dịch tích cực của VNM được xem là đầu tàu trong việc thu hẹp đà giảm cũng như kéo sắc xanh trở lại thị trường.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 09 – 13.11.2015
Giao dịch: Đảo chiều mạnh về cuối tuần. Các chỉ số thị trường kết thúc trái chiều trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giao dịch giảm nhẹ 0.18% đứng tại 611.27 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng nhẹ 0.09% đang dừng ở 81.57 điểm.
VS-Large Cap là nhóm giao dịch tiêu cực nhất trong tuần qua khi giảm 1.53%. Trong khi đó các chỉ số như VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ lần lượt 0.37%, 0.09% và 0.49%.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh hơn trong tuần qua nhưng chủ yếu do sự khởi sắc trong hai phiên cuối tuần. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE tăng 16.9% so với tuần trước và đạt 594 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh tăng 2.6% với 191 triệu cổ phiếu.
Thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng áp lực chốt lời gia tăng đã khiến các chỉ số thị trường giảm điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Áp lực chốt lời tăng cao được thể hiện rõ nhất qua việc các nhóm cổ phiếu tích cực trong tuần trước đều giảm điểm mạnh, điển hình như nhóm cổ phiếu Khai khoáng nhỏ, Vận tải, Cảng biển...
Mặc dù vậy, đà giảm của các chỉ số thị trường không quá mạnh nhờ vào: (1) mức giảm điểm ở các cổ phiếu Large Cap là không quá mạnh. Do đó, tuy số lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm ưu thế nhưng mức độ ảnh hưởng lên chỉ số chỉ vừa phải, (2) giao dịch tích cực ở VNM giúp thu hẹp đáng kể đà giảm của thị trường.
Sau các phiên giao dịch kém tích cực, thị trường đã có sự hồi phục ngoạn mục trong phiên giao dịch thứ 5 (ngày 12/11). Theo đó, đà bán tăng mạnh đã khiến chỉ số VN-Index mất mốc 600 điểm trong phần lới thời gian giao dịch. Tuy nhiên, khi chỉ số này rớt về mốc hỗ trợ 595 điểm thì lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng gia tăng trở lại và kéo thị trường xanh điểm trở lại về cuối phiên. Trong đó, VNM và FPT đã giao dịch tích cực và là “đầu kéo” cho thị trường.
Với xu hướng hồi phục tích cực, sắc xanh tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần. Giao dịch tiếp tục diễn ra sôi động ở nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường. Trong đó, VNM tiếp tục là nhân tố nổi bật nhất ở nhóm Large Cap, trong khi các cổ phiếu nóng như FLC, OGC và DLG là đích đến của dòng tiền đầu cơ.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng 359 tỷ đồng. Giá trị bán ròng của khối ngoại tập trung trên HOSE với 380 tỷ đồng, trong khi tiếp tục mua ròng nhẹ 21 tỷ đồng trên HNX. Hoạt động bán ròng của khối ngoại được thực hiện chủ yếu trong các phiên cuối tuần. Nhờ đó, hoạt động bán này đã không ảnh hưởng quá mạnh lên thị trường nhờ lực cầu bắt đáy diễn ra tích cực. Bên cạnh đó, việc bán ra cũng chỉ tập trung vào VIC và MSN nên tầm ảnh hưởng cũng không quá rộng.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là ở VIC với gần 195 tỷ đồng, kế đến là MSN với 123 tỷ đồng, OPC với 41 tỷ, GAS với 40 tỷ đồng… Về phía mua ròng là các mã như CII với 36 tỷ đồng, VHC 17.3 tỷ, NCT 13 tỷ…
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVC với 8.2 tỷ đồng, HDA gần 3.0 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở LAS với 3.4 tỷ đồng, VND với 2.0 tỷ.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với sắc xanh hiện diện ở 14/20 nhóm ngành. Tiện ích, Bảo hiểm và Khai khoáng là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm lần lượt 6.29%, 4.28% và 4.12%. Ở chiều ngược lại, SX Nhựa-Hoá chất, Bán lẻ và Thực phẩm-Đồ uống là những ngành tăng điểm mạnh nhất với 5.00%, 3.94% và 2.58%. Cùng với Khai khoáng, các ngành nóng còn lại như Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng và Ngân hàng đều nằm trong nhóm giảm điểm với mức giảm 1.29%, 1.82%, 0.84% và 1.47%.
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là OGC tăng với 23.08%, DAG với 15.97%, FLC với 15.71%; trên sàn HNX là VCS với 25.95%.
OGC tăng 23.08%. OGC đón nhận thông tin không mấy tích cực khi kỳ ĐHCĐ bất thường lần 2 tiếp tục thất bại trong việc tổ chức. Tuy vậy, với KQKD quý 3 ấn tượng đạt hơn 1,455 tỷ đồng thì không quá khó hiểu khi dòng tiền đầu cơ tiếp tục đổ về cổ phiếu này trong tuần.
DAG tăng 15.97%. DAG tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến HĐKD của cổ phiếu này. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã hiện diện ở cổ phiếu này khi KQKD quý 3 của DAG vẫn đang là ẩn số.
FLC tăng 15.71%. Với KQKD quý 3 ấn tượng thì việc dòng tiền đổ dòng về FLC là điều có thể hiểu được. Cụ thể, lợi nhuận của FLC đạt gần 239 tỷ đồng, tăng hơn 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
VCS tăng 25.95%. Dòng tiền đổ mạnh vào VCS trong tuần qua khi cổ phiếu này đón nhận KQKD quý 3 tích cực. Cụ thể, lãi ròng quý 3 của VCS đạt gần 113 tỷ đồng, tăng mạnh 8.7 lần so với cùng kỳ.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là LDG giảm 17.18%; trên HNX là KHL giảm 12.5%.
LDG giảm 17.18%. LDG giảm mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng LDG giảm do dòng tiền đầu cơ đẩy mạnh chốt lời sau khi đã công bố KQKD quý 3 vào cuối tuần trước.
KHL giảm 12.5%. KHL giảm mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng KHL giảm do dòng tiền đầu cơ đẩy mạnh chốt lời sau khi cổ phiếu này đã tăng mạnh trong tuần trước. Đây cũng là xu hướng giao dịch chủ yếu ở các cổ phiếu Khai khoáng có thị giá nhỏ trong tuần qua.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock
|