Thứ Hai, 09/11/2015 13:04

KSK-KHB-KHL: Câu chuyện “phát - rút” và sự xuất hiện đại gia bí ẩn

Cùng là doanh nghiệp khoáng sản, cùng lên kế hoạch tăng vốn trong nửa sau năm 2014, cùng xuất hiện cổ đông cá nhân Phạm Thị Hinh sau các đợt huy động vốn… và KSKKHBKHL tiếp tục “gặp nhau” trong tháng 11 này khi cùng có kế hoạch rút vốn đầu tư vào các dự án liên quan đến phát hành vừa qua.

3 doanh nghiệp – Một kịch bản

Từ giữa năm 2014, CTCP Khoáng Sản Hòa Bình (HNX: KHB), CTCP Khoáng sản Luyện kim Màu (HNX: KSK) và CTCP Khoáng sản & VLXD Hưng Long (HNX: KHL) cùng nhau lên kế hoạch huy động vốn bằng phương án phát hành cho cổ đông chiến lược. Và đáng chú ý là sự xuất hiện xuyên suốt của bà Phạm Thị Hinh với vai trò là cổ đông chiến lược.

Cụ thể, tháng 10/2014, KHB phát hành 20 triệu cp cho 4 nhà đầu tư chiến lược gồm CTCP Phương Trung (11 triệu cp – 41.87%), CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình (7 triệu cp – 26.64%), bà Phạm Thị Hinh (1 triệu cp - 3.8%) và ông Vũ Đình Hưng (1 triệu cp - 3.8%). Vốn thu được từ đợt phát hành KHB chủ yếu dành 150 tỷ đồng hợp tác đầu tư mỏ khoáng sản với CTCP Khoáng sản Vĩnh Thịnh.

Trước đó, trong tháng 6/2014, KHL cũng đã phát hành 6.4 triệu cp cho bà Phạm Thị Hinh (2.4 triệu cp – 20%) và CTCP Tài nguyên Sài Gòn (4.2 triệu cp – 35%). Tổng số tiền thu được dùng để đền bù cho dân cư ở dự án khai thác mỏ đất sét 13.9 ha tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh (9 tỷ đồng). Đây là dự án KHL hợp tác với CTCP Phương Trung có tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng, mỗi bên góp 50%, tức 50 tỷ đồng. Thời gian hợp tác tối đa 3 năm.

Đối với trường hợp của KSK, tháng 7/2014, đơn vị này góp 60 tỷ đồng vào Tài nguyên Sài Gòn. Đến tháng 12/2014, KSK cũng chỉ phát hành được 8.2 triệu cp trong tổng số chào bán 23 triệu cp do cổ đông chiến lược là Chứng khoán VSM và ông Đặng Tuấn Hà rút khỏi danh sách đăng ký. Theo đó, 8.2 triệu cp này được phân phối cho 4 nhà đầu tư gồm bà Phạm Thị Hinh (2 triệu cp – 8.37%), Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thu Trang và Lương Thị Cẩm Giang. Số tiền thu được từ đợt phát hành KSK dành 30 tỷ đồng để mua phần vốn góp của doanh nghiệp tư nhân Kim Cương Lai Châu khai thác mỏ vàng.

Tuy nhiên, gần 1 năm sau khi đợt huy động vốn thành công thì cả ba doanh nghiệp trên cùng thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 11 này bàn việc rút vốn khỏi các đơn vị đã góp vốn đầu tư. Theo đó, KHB sẽ rút vốn khỏi Khoáng sản Vĩnh Thịnh; KSK muốn rút vốn hợp tác đầu tư với Tài Nguyên Sài Gòn và Kim Cương Lai Châu trong khi KHL thì xin rút vốn tại Phương Trung.

Dường như công thức chung của các doanh nghiệp này là huy động vốn để đầu tư rồi lại rút vốn. Hiện vẫn chưa có thông báo nào từ phía các doanh nghiệp trên về lý do, mục đích cho việc này là gì và sau khi rút vốn, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào đâu tiếp theo?

Giải mã nút thắt chung

Như đã đề cập ở trên, điểm chung của các doanh nghiệp này là đều có sự xuất hiện của bà Phạm Thị Hinh (SN 1973) trong vai trò là cổ đông chiến lược mua lượng lớn cổ phần trong các đợt phát hành hoặc nắm vị trí chủ chốt.

Điều đặc biệt, bà Hinh chỉ mới xuất hiện tại các tổ chức này từ năm 2014 trở lại đây. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ 2014, dàn HĐQT của KHB được thay mới hoàn toàn, trong đó bà Phạm Thị Hinh (nắm 4.16% vốn) giữ chức Chủ tịch thay cho bà Đỗ Thị Cẩm Thúy. Cổ đông lớn của KHB gồm CTCP Phương Trung đã nắm giữ gần 42%, CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình sở hữu 26.64%.

Tháng 3/2014, bà Hinh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch KHL, sau đó bà mua 20% vốn từ đợt phát hành, còn Tài Nguyên Sài Gòn mua 35% vốn. Tuy nhiên, trong tháng 7/2015 vừa qua, bà Hinh và tổ chức này đã gần như thoái hết vốn khỏi KHL.

Ngược lại, không xuất hiện trong dàn lành đạo mới của KSK tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, nhưng bà Hinh cũng đã trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi gom 8.37% vốn trong đợt phát hành hồi tháng 7/2014.

Hiện bà Phạm Thị Hinh đang đồng thời giữ những chức Chủ tịch HĐQT tại KHB, KHL, KSA và cả CTCP Chứng khoán VSM. Trước đó, bà cũng đã từng kênh qua các chức vụ quan trọng khác tại 3 công ty chứng khoán là An Bình (ABS), phố Wall (WSS) và Quốc gia (NSI).

Cũng liên quan đến bà Hinh và ngành khoáng sản. Dù không nắm giữ cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) nhưng sau khi lên giữ chức Chủ tịch được 9 tháng thì đơn vị này cũng đang lên kế hoạch phát hành 67 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và chiến lược. Trong đó, Chủ tịch Phạm Thị Hinh cũng đăng ký mua được 1.4 triệu quyền mua, trên tổng số 1.5 triệu quyền mua đăng ký. Vốn thu được từ đợt phát hành KSA dự kiến hợp tác đầu tư vốn với Đầu tư Sài Gòn khai thác mỏ Titan-Zircon (150 tỷ đồng), xây dựng nhà máy xỉ titan (300 tỷ đồng), thực hiện giai đoạn 1 dự án mỏ Titan-Zircon...  Đồng thời, KSA cũng sẽ thoái vốn gần 46 tỷ đồng khỏi CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HOSE: BII).

Mối quan hệ và sở hữu của bà Phạm Thị Hinh và các đơn vị liên quan

Ở một khía cạnh khác, hồi tháng 12/2014, KSK và VSM đã gom 20 triệu cp trong đợt phát hành của CTCP Tập đoàn Đại Châu (HOSE: DCS) – mỗi tổ chức sở hữu 16.58% vốn, riêng cá nhân bà Phạm Thị Hằng (chị gái bà Phạm Thị Hinh) cũng mua 2 triệu cp, chiếm 3.32% vốn DCS).

Điểm chung của các cổ phiếu khoáng sản như KHL, KSK, KHB và KSA kể trên là đều giao dịch dưới mệnh giá nhưng các đợt phát hành đều được gom ở mức giá 10,000 đồng/cp. Hoạt động kinh doanh không có nhiều khởi sắc, mỗi quý chỉ lãi “lẹt đẹt” khoảng vài trăm triệu đồng.

Kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu KHL, KSK, KHB và KSA từ 2014 đến nay

 

 

 

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   DNNY ngành ô tô: KQKD tăng hạng, giá cổ phiếu thăng hoa (09/11/2015)

>   TAG: Thành lập chi nhánh tại Quảng Ninh (09/11/2015)

>   Đồng Tâm Group: Lãi sau thuế 10 tháng đạt 192 tỷ đồng (09/11/2015)

>   B82: Thành lập công ty con vốn 10 tỷ đồng (09/11/2015)

>   VE9: Biên lãi gộp giảm mạnh, lỗ ròng quý 3 hơn 10 tỷ đồng (09/11/2015)

>   TVS: Báo cáo tài chính quý 3 năm 2015 (09/11/2015)

>   VE9: Báo cáo tài chính quý 3/2015 (công ty mẹ) (09/11/2015)

>   Lại cúp nước khẩn vì rò rỉ đường ống nước sông Đà (07/11/2015)

>   CTCK Phú Hưng bị buộc tạm ngừng ký mới hợp đồng giao dịch ký quỹ (07/11/2015)

>   CKD: Báo cáo tài chính Quý 3/2015 (06/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật