Thứ Ba, 24/11/2015 15:00

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và bài toán phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hai rủi ro chính là nợ và giảm phát. Trong các chiến lược đưa ra để cải thiện tình hình, đáng chú ý có chiến lược “Một vành đai, một con đường” để kết nối khu vực và quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này tạo nên những thách thức cho việc quy hoạch và phát triển  cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Đây là thông tin từ buổi tọa đàm “Trung Quốc năm 2015, nhìn về 2016 và tác động đến Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức vào ngày 20/11/2015.

Bóng ma nợ và giảm phát đang đeo bám Trung Quốc

Tại buổi tọa đoàm, TS.Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết so với giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng GDP hai con số 2000 - 2009, thế giới đang chứng kiến một giai đoạn phát triển khác của Trung Quốc kể từ năm 2011 trở đi, GDP của Trung Quốc giảm từ 9%/năm xuống còn 7%/năm như hiện nay. Các tổ chức quốc tế như WB, IMP hay OECD đều hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống khoảng 6.9% đến 7.3% cho giai đoạn 2015-2017. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, phần còn lại là những rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc mà trong đó 2 vấn đề lớn nhất là nợ và giảm phát.

Để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế từ năm 2012 với 8 lần hạ lãi suất và 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cụ thể, lãi suất huy động giảm từ 3% về 1.5% và lãi suất cho vay cũng giảm về 4.35%. Nhưng theo T.S Phạm Sỹ Thành, nền kinh tế Trung Quốc không còn khả năng hấp thụ vốn do 3 nguyên nhân chính, đó là (1) Chi phí đi vay của doanh nghiệp quá cao, (2) Tồn kho bất động sản và (3) Bóng ma nợ địa phương.

Trung Quốc vốn được coi là công xưởng của thế giới, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng là động lực cho nền kinh tế đã cho thấy dấu hiệu sụt giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh chỉ còn 2.5%, thấp hơn nhiều lần so với các năm trước và chỉ bằng 1/3 con số mà Chính phủ công bố. Điều đáng nói là sản xuất giảm đáng kể nhưng chi phí vay vốn liên tục tăng, lãi suất mà các doanh nghiệp đi vay thực tế cao hơn nhiều so với lãi suất danh nghĩa dẫn đến doanh nghiệp giảm lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ nên nhu cầu vay vốn giảm mạnh.

Bên cạnh đó, tồn kho bất động sản của Trung Quốc ước tính khoảng 2.5 tỷ m2 nhà ở không bán được, tương đương với diện tích cho 80 triệu dân thành thị và không cần xây thêm nhà trong 5 năm nữa. Lượng tồn kho quá lớn so với nhu cầu thực tế đã gây áp lực lên nên kinh tế và tạo gánh nặng nợ lên hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, tổng số nợ địa phương của Trung Quốc ở quy mô khoảng 17,000 - 20,000 tỷ USD, tương đương 170 - 200% GDP. Điều nguy hiểm nhất là số nợ khổng lồ này không có khả năng để trả, phần lớn do thế chấp đất để vay, địa phương cũng không có nguồn thu để trả nợ và mãi gầy đây Chính phủ mới cho phép phát hành trái phiếu địa phương để đảo nợ.

Những nỗ lực nới lỏng quy mô đảo nợ của Trung Quốc vẫn là “muối bỏ biển”, bóng ma nợ địa phương vẫn luôn hiện hữu và là vấn đề nan giải cho nền kinh tế nước này.

Thêm nữa, Trung Quốc đang phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng dư thừa sản xuất và lực cầu hàng hóa trong ngành công nghiệp không có nhiều cải thiện. Mức lạm phát của nước này liên tục sụt giảm trong 3 tháng gần đây, từ mức 2% trong tháng 8 giảm xuống 1.6% trong tháng 9 và giờ là 1.3%. Còn chỉ số sản xuất trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm 5.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ lụy của bóng ma giảm phát khiến cho thị trường tài sản sẽ vỡ vụn làm giảm giá tài sản và gia tăng nợ.

Như vậy, Trung Quốc đang gặp phải hai vấn đề chính đó là nợ và giảm phát trong nền kinh tế. Theo T.S Phạm Sỹ Thành, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có đủ nguồn lực và khả năng để xử lý các vấn đề nhưng sẽ phải trả giá đắt tương đương với việc hy sinh khoảng 30% GDP.

Thách thức cho quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam

Gần đây, Trung Quốc tăng cường nỗ lực tuyên truyền về chiến lược “Một vành đai, một con đường” đầy tham vọng của mình, nhằm tạo ra một hành lang kinh tế mới mở rộng lên tới 60 quốc gia trên toàn thế giới. Bằng chứng là Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, hệ thống cảng trải dài từ Đông Nam Á, Tây Á, Châu Phi sang Châu Âu… Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc rất tích cực cho vay và viện trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng theo trục “một vành đai” tại nhiều quốc gia. Theo TS Phạm Sỹ Thành, thông qua chiến lược này, Trung Quốc có thể đang thiết lập hệ thống vận chuyển hàng hóa độc lập với Mỹ và đến năm 2016 sẽ ráp nối những dự án đã làm với nhau.

Đối với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia...  và tạo “đòn bẩy cơ sở hạ tầng” tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Đến năm 2020, chiến lược này sẽ kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và chạy thẳng ra cảng biển của Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Trong khi đó, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chỉ dựa trên trục hình chữ Y chạy dọc từ Bắc vào Nam mà thiếu đi các dự án phát triển giao thông kết nối trục Đông – Tây và xuyên biên giới để kết nối với các nước Thái Lan, Lào, Campuchia... Ngoài ra, quy hoạch phát triển hệ thống cảng còn mang tính chất địa phương, chi phí đắt đỏ, dịch vụ kém, thời gian thông quan lâu cũng là những bất cập hiện tại.

Cơ sở hạ tầng của người Thái tốt hơn của Việt Nam, 3 nước còn lại là Lào, Campuchia, Myanmar tuy còn yếu nhưng đang được đầu tư rất mạnh từ Trung Quốc cho chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Một khi mạng lưới đó thông suốt, hàng hóa của Trung Quốc có thể tiếp cận khu vực Đông Nam Á bằng nhiều cách mà không cần thông qua hệ thống đường, cảng của Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam đang gặp thách thức lớn cho việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối với khu vực và đòi hỏi cần nghiên cứu và có giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới./.

Các tin tức khác

>   Năm 2016 sẽ giảm 4,139 biên chế Nhà nước (24/11/2015)

>   Lãnh đạo HAG, HVG, TH True Milk trải lòng về TPP (24/11/2015)

>   Hé lộ thêm kết quả kinh doanh 2014 tại công ty của tập đoàn Nhà nước (23/11/2015)

>   Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài nhiều ở ngành khai khoáng và nông nghiệp (23/11/2015)

>   Luật kế toán sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2017 (21/11/2015)

>   Tăng lương tối thiểu từ ngày 01/01/2016 (20/11/2015)

>   Việt Nam nhập khẩu 97,320 ô tô trong 10 tháng qua (19/11/2015)

>   10 tháng đầu năm 2015, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam thâm hụt gần 3.6 tỷ USD (19/11/2015)

>   TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 04/02/2016 (19/11/2015)

>   Tạm dừng xây dựng khu Trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương (18/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật