Lãnh đạo HAG, HVG, TH True Milk trải lòng về TPP
Tại diễn đàn Đầu tư nông nghiệp thời TPP ngày 21/11, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ, Việt Nam trở thành một nước rất có giá, có khả năng tạo sức ép trong đàm phán khi tham gia TPP, bởi thế “TPP không có Việt Nam thì chẳng có ý nghĩa gì cả!”.
Ông dẫn chứng, về mặt kinh tế, sau Nhật Bản, Việt Nam sẽ là nước tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho Hoa Kỳ. Với 90 triệu dân, cộng thêm dân số trẻ thích mua sắm, thì đây là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Trong khi đó, các nước khác dân số ít, lại có nhiều hiệp định với các nước khác… Tuy nhiên, khi tham gia TPP sẽ tạo ra áp lực cải cách thể chế để tạo ra sức cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Còn đối với ngành nông nghiệp, ông nêu quan điểm không thích từ “nông nghiệp phát triển toàn diện” mà là “phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với chương trình nông thôn mới dựa trên lợi thế sẵn có”. Vì thế, cần bỏ từ nông nghiệp mà thay bằng ngành công nghiệp sản xuất lương thực và thực phẩm.
Tham gia TPP, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều thách thức. Nhưng các nhà đàm phán đã bảo hộ ngành chăn nuôi, trừ ngành sữa. Vì thế, hướng quan trọng nhất để phát triển cũng như cạnh tranh là giảm chi phí vận tải, sản xuất và công nghệ chăn nuôi phải tốt. Việc bảo hộ cần phải dành cho những ngành có tiềm năng phát triển, với điều kiện tạo thời gian để dịch chuyển. Ông dẫn chứng, Việt Nam đã từng bảo hộ ngành mía đường nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa đạt được mức sản lượng 70 tấn/ha, trong khi năng suất mía đường ở Lào đã hơn 100 tấn/ha. Vì thế doanh nghiệp không chuyển dịch thì bảo hộ không có ý nghĩa.
Thêm một thách thức nữa đối với ngành nông nghiệp là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sống chống dịch bệnh. Cho dù thuế về 0 mà các doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt. Đây là trách nhiệm cực lớn đối với ngành nông nghiệp.
Vì thế, ngành nông nghiệp phải triển khai chương trình tái cơ cấu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Hình thành vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn và đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, hướng tới chất lượng, giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Bên cạnh đó, cần phải xác định đúng đắn vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tổ chức, quy hoạch phát triển, phát triển hệ thống khuyến nông và thú y; doanh nghiệp phải tham gia nhiều khâu trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ khâu đầu đến khâu chế biến bảo quản.
Các diễn giả đang chia sẻ tại diễn đàn
Doanh nghiệp đã chuẩn bị gì cho TPP?
Trước một sân chơi mới như TPP, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) chia sẻ, Việt Nam đang đi vào bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn khi tham gia TPP, FTA… Tuy nhiên, hội nhập phải đi liền với công nghệ sản phẩm. Thời gian qua HVG cũng đã áp dụng công nghệ vào sản xuất và rút ra được nhiều kinh nghiệm, cụ thể là vấn đề thức ăn cho thủy sản. Doanh nghiệp cần đầu tư lâu dài, không thể một sớm một chiều. Để làm được phải đầu tư vào công nghệ và liên kết chuỗi. Trong chuỗi đó có trách nhiệm với nông dân khi mua lại sản phẩm.
Việt Nam có cơ hội thị trường nội địa lớn. Tuy nhiên đối với ngành chăn nuôi, tỷ lệ 90% cho heo, gà vịt là doanh nghiệp FDI nắm hết do họ có lực tài chính để đầu tư và công nghệ. Vì thế HVG đã chuyển sang thị trường nội địa, công ty đặt mục tiêu đạt 1.5 triệu tấn thức ăn trong năm 2015 và tổng mức đầu tư năm 2016 về công nghệ trong chế biến thức ăn từ chuỗi con giống trên 2,000 tỷ đồng.
Ông cũng đề xuất, khi Việt Nam mở cửa thị trường thì vấn đề tiêu dùng sẽ là vấn đề chính, lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành nông nghiệp nên thu ít lại để có khoản tái đầu tư. Thứ hai là chính sách về vấn đề vốn đầu tư cho nông nghiệp phải mang tính dài hạn, lãi suất thấp doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH (TH True Milk) cũng cho rằng khi tham gia TPP thì lĩnh vực chăn nuôi và bò sữa chịu nhiều thiệt thòi nhất. Khi đó thuế quan được dỡ bỏ, doanh nghiệp sữa nội sẽ phải đối mặt với 3 cường quốc là Mỹ, Úc, New Zealand. Bởi họ có thương hiệu, quy chuẩn công nghệ cao, giá thành thấp nên có nhiều lợi thế thương mại hơn, trong khi tại Việt Nam còn mù mờ chưa minh bạch. TPP có hiệu lực, doanh nghiệp phải đối phó để vượt qua thách thức nhưng cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý và minh bạch thị trường.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển hỏi ngược lại các doanh nghiệp ngành sữa, khi tham gia TPP thì xóa bỏ thuế quan về sữa, vậy các doanh nghiệp đã tính đến các yếu tố cần thiết để cạnh tranh được không?
Ông Hải cho rằng đây là câu hỏi khó cho các doanh nghiệp chuyên về bò sữa Việt Nam. Ngành sữa là một vấn đề còn đọng lại cuối cùng trong vòng đàm phán TPP. “Chúng tôi biết rằng, sẽ bằng cách nào đó vượt qua bằng nội lực và niềm tin” – ông khẳng định.
Nói thế để thấy doanh nghệp nước ngoài không thể có mặt yếu. Ví dụ vận chuyển sữa tươi sang Việt Nam bán là cả một vấn đề lớn, trong khi đó nếu doanh nghiệp nội biết cách thì có thể phát huy thế mạnh cạnh tranh. Doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu đủ mạnh, chất lượng sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tạo ra cơ chế minh bạch trên thị trường, tức là nếu như sản phẩm sữa bột pha lại thì phải nói rõ để người tiêu dùng biết. Thêm vào đó Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý bảo vệ thương hiệu trong nước, xuất xứ… còn ngoại nhập cần tạo ra hàng rào kỹ thuật ví dụ như quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa nước để hạn chế sữa bột nhập khẩu, hoặc có thể chống gian lận thương mại, kê khai không đúng thành phần, chuyển giá. “Doanh nghiệp cũng mong người tiêu dùng yêu mến hàng thuần Việt như là yêu mến đội tuyển quốc gia Việt Nam” – ông Hải ví von.
Trong khi đó, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) lại tự tin khi tham gia TPP trong ngành chăn nuôi và trồng trọt HAG đều có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên ông thừa nhận rằng, thực tế đất đai để sản xuất của doanh nghiệp Việt còn nhỏ lẻ, manh mún trong khi Úc và New Zealand có trang trại lớn nên giá thành rẻ. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng như Úc các tuyến đường rất tốt với tải trọng lớn, trong khi ở Việt Nam vận chuyển bò chi phí rất cao, từ Tây Nguyên ra Hà Nội có thể tới 4 triệu đồng/1 con bò. Thứ ba là về chi phí vốn rất cao, lãi suất từ 8-10% thì khó cạnh tranh được với nước khác.
Theo đó, ông đề xuất cần cải thiện cơ sở hạ tầng, Nhà nước định hướng cho định hướng đầu tư sản xuất bài bản gắn với nhu cầu thị trường.
|