Ai đứng sau “hôn nhân” giữa Chứng khoán An Thành và Phú Hưng?
Khá kín kẽ trước ngày hợp nhất, thương vụ “kết hôn” giữa CTCK Phú Hưng (PHS) và CTCK An Thành (ATSC) diễn ra nhanh gọn chỉ trong vòng hơn 1 tháng gần đây: Từ việc sang tay cổ phần, thay lãnh đạo đến ĐHĐCĐ thông qua các vấn đề hợp nhất.
Với đề án tái cấu trúc TTCK hiện nay thì giải pháp M&A các công ty chứng khoán (CTCK) vừa và nhỏ để củng cố sức mạnh tài chính là một giải pháp luôn được các cơ quan quản lý ủng hộ. Bởi tốc độ gia tăng của các CTCK đang vượt quá nhu cầu của thị trường trong khi năng lực còn nhiều hạn chế. Việc hợp nhất kỳ vọng sẽ giúp các công ty tập trung phát triển các nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển ổn định và bền vững.
Thế nhưng trong bối cảnh nhiều CTCK vẫn đang khó khăn trong việc tìm đối tác hay thỏa thuận lộ trình hợp nhất thì vấn đề này được ATSC và PHS tiến hành một cách rất nhanh chóng.
Ngày 08/10/2015, 99.97% cổ phần của ATSC từ 31 cổ đông được chuyển nhượng cho 4 cổ đông mới là Tsai Hsiu-Li, Lan Wan-Chen, Hoàng Như Quỳnh và Phạm Thị Mai Hương.
Đến ngày 30/10/2015, ATSC tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với thành phần tham dự gồm 4 cổ đông mới vừa nhận chuyển nhượng ở trên, đại diện cho 100% vốn tại Công ty, đã thông qua HĐQT mới bao gồm 3 thành viên: Huang, Wan Hui; Lu Hui Hung; Tsai, Hsiu-Li, trong đó, Huang, Wan Hui được bầu làm chủ tịch HĐQT.
Cơ cấu cổ đông mới của ATSC
|
Chỉ sau đó 2 ngày, (ngày 02/11/2015), trên website của CTCK Phú Hưng phát thông báo mời cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường 2015, thông qua phương án hợp nhất ASTC và PHS.
Đây là những bước đi đã được “sắp xếp” trước, bởi nhóm cổ đông mới của ATSC cũng là đại diện nhóm cổ đông lớn tại PHS. Cụ thể, Tsai Hsiu-Li- người nắm giữ 26.34% vốn ATSC - là chủ sở hữu kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phú Lập đang nắm 5.9% vốn PHS. Bên cạnh đó, Lan, Wan-Chen - người nắm giữ 800,000 cp, chiếm tỷ lệ 19.51% ATSC - chính là chủ sở hữu của công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phú Thịnh đang nắm 5.87% vốn PHS.
Ngoài ra, ông Albert Kwang Chin Ting - Chủ tịch HĐQT PHS - đại diện của Phu Hung Far East Holding Corporation, đang nắm giữ 46.41% cổ phần PHS chính là Giám đốc Công ty Phú Thịnh. Cũng liên quan đến Phú Thịnh thì hiện Chủ tịch HĐQT công ty này là ông Ho Feng Tao – đang là Phó Chủ tịch HĐQT của PHS.
Cơ cấu cổ đông PHS tính đến ngày 03/11/2015
|
Có thể thấy phần lớn quyền lực kiểm soát ATSC hiện nay đang nằm trong nhóm các cổ đông có liên quan đến chứng khoán Phú Hưng. Như vậy, tỷ lệ cổ phần PHS được nắm giữ bởi nhóm cổ đông có liên quan gián tiếp đến thương vụ hợp nhất này, đại diện bởi Tsai Hsiu-Li, Lan Wan-Chen, Albert Kwang Chin Ting, lên tới 58%, điều này lý giải tại sao quá trình hợp nhất của ATSC và PHS kể từ khi có thông báo chính thức đến ngày hợp nhất được tiến hành suôn sẻ đến như vậy.
Theo đó, vào ngày 19/11 vừa qua, cả PHS và ATSC đều tổ chức Đại hội đồng cổ đông và đã thông qua vấn đề hợp nhất, Công ty hợp nhất sẽ lấy tên gọi là Công ty chứng khoán Phú Hưng. Vốn điều lệ của Công ty hợp nhất sẽ được xác định bằng tổng giá trị tài sản thuần của hai bên theo báo cáo được kiểm toán ngày 30/09/2015. Giá trị tài sản thuần của từng bên được tính là chênh lệch giữa tổng tài sản với tổng nợ phải trả. Tổng số lượng cổ phần của công ty hợp nhất là 20,258,507 cổ phần; tương ứng với tổng vốn hơn 202 tỷ đồng – nhỏ hơn nhiều so với tổng vốn của hai đơn vị trước sáp nhập. Trong đó, cổ phần của PHS và ATSC tương ứng trong công ty hợp nhất là 16,743,779 cổ phần và 3,514,728 cổ phần. Dựa trên cơ sở này, cổ đông PHS sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0.4819 cổ phần công ty hợp nhất và cổ đông ATSC sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 0.8572 cổ phần.
Lãnh đạo công ty cho rằng việc sáp nhập hai công ty sẽ giúp tiết kiệm những chi phí cố định, công ty hợp nhất sẽ có doanh thu tăng và chi phí giảm, hiệu quả hoạt động sẽ được cải thiện nhiều so với khi hai công ty hoạt động độc lập. Theo thông tin từ phía PHS, chỉ tiêu doanh thu của công ty sau hợp nhất trong năm 2016 sẽ là 91 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong năm 2016 là 16 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu trong năm 2018, công ty hợp nhất sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 32 tỷ đồng.
Như vậy, ATSC và PHS trở thành thương vụ thành công đầu tiên trong năm nay mặc dù không thông báo rầm rộ như các đơn vị khác sau thương vụ thành công của CTCK MB (MBS) và CTCK VIT (VITS). Có thể kể đến hàng loạt CTCK đưa ra kế hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành như CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và CTCK Sen Vàng (GLS) hay CTCK Hải Phòng (HPC) và CTCK Á - Âu (AAS).
Chứng khoán An Thành và Chứng khoán Phú Hưng là hai công ty liên tiếp vấp phải nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không phải là những cái tên nằm trong danh sách những đơn vị chiếm thị phần lớn ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước thời điểm xuất hiện thông tin hợp nhất với PHS, ATSC đã công bố BCTC quý 3/2015 với mức lỗ hơn 814 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 530 triệu đồng. Đến cuối tháng 9, lỗ lũy kế của ATSC là hơn 6 tỷ đồng sau nhiều năm liên tiếp lỗ. Giá trị tài sản thuần tính đến ngày 30/09/2015 của ATSC tham gia hợp nhất là hơn 35 tỷ đồng, tương ứng với 3,514,728 cổ phần trong công ty hợp nhất.
Kết quả kinh doanh của ATSC 4 năm gần đây
|
Nếu con số lỗ ròng của ATSC chỉ dừng lại ở vài tỷ đồng thì con số mà PHS ghi âm trong báo cáo hoạt động kinh doanh có khi lên tới cả trăm tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, ngoại trừ năm 2014 PHS ghi nhận lợi nhuận là 3.8 tỷ đồng, những năm khác đơn vị đều bị thua lỗ từ vài chục đến hơn trăm tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối quý 3, lỗ lũy kế của PHS đã lên tới hơn 182 tỷ đồng. Giá trị tài sản thuần tính đến ngày 30/09/2015 của PHS tham gia hợp nhất là hơn 167 tỷ đồng, tương ứng với 16,743,779 cổ phần trong công ty hợp nhất.
Kết quả kinh doanh của PHS những năm gần đây
|
|
|