ACB: Lãi ròng hợp nhất quý 3 đạt 284 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2015 đạt 284 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động đầu tư chứng khoán, tiền gửi liên ngân hàng cũng có những biến động lớn so với đầu và giữa năm 2015.
* ACB: Lãi sau thuế quý 2 giảm 10%, không còn hạch toán khoản tiền gửi quá hạn 719 tỷ đồng
* ACB và số phận các khoản tiền gửi, cho vay liên ngân hàng
Thu nhập lãi thuần hợp nhất trong quý 3/2015 của ACB đạt 1,472 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của Ngân hàng cũng tăng vọt từ 58 tỷ lên 270 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của ACB tăng 45% lên 1,317 tỷ đồng. Còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng ở mức 328 tỷ đồng (quý 3/2014 chỉ có 69 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng trong quý 3/2015 tăng 8% so với cùng kỳ lên 284 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, ACB đạt 1,090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 83% kế hoạch năm (1,314 tỷ đồng). Lãi sau thuế của ACB cũng tăng 2%, đạt 853 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu rút xuống 1.51%, đầu tư chứng khoán nợ giảm mạnh
Tính đến 30/09/2015, cho vay khách hàng tại ACB tăng 13% so với đầu năm lên 131,021 tỷ đồng, dự phòng rủi ro giảm 3% xuống 1,539 tỷ đồng. Trong đó nợ quá hạn chiếm 2,247 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của ACB đã giảm 22% xuống 1,974 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 36% xuống 1,149 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ACB cũng giảm từ 2.18% về còn 1.51%.
Trong 9 tháng đầu năm, ACB đã giảm nguồn dự phòng để bù đắp tổn thất các khoản là 1,114 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước gần 150 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, khoản mục tài sản có khác tại ACB cũng giảm 9% xuống 9,021 tỷ đồng (tài sản có khác quá hạn trên 3 tháng hơn 190 tỷ đồng). Trong đó, phần lớn là các khoản phải thu với 6,786 tỷ (tăng 2%), còn các khoản lãi, phí phải thu ở giảm 28% xuống 2,358 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho các tài sản có khác tăng 42% lên 770 tỷ đồng.
Khoản mục chứng khoán đầu tư giảm 12% xuống 34,773 tỷ đồng, trong đó giảm mạnh nhất là chứng khoán nợ 65% về còn 8,163 tỷ đồng. Trong đó chứng khoán đầu tư quá hạn trên 3 tháng chiếm khoảng 303 tỷ đồng.
Tiền gửi kỳ hạn liên ngân hàng giảm hơn 1,000 tỷ đồng
Về huy động, tiền gửi của khác hàng tại ACB tăng 10% so với đầu năm lên 169,248 tỷ đồng.
Về hoạt động liên ngân hàng, tính đến giữa năm 2015, ACB còn khoản tiền gửi có kỳ hạn bằng VNĐ tại các TCTD khác hơn 2,596 tỷ đồng, trong đó có 24 tỷ đồng gửi tại VietinBank (cuối năm 2014 ghi nhận 719 tỷ đồng, ACB đã sử dụng toàn bộ tiền trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản tiền gửi không có khả năng thu hồi này), 772 tỷ tiền gửi tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GPBank (Ngân hàng bị mua lại 0 đồng vào tháng 7/2015) - được gia hạn đến 04/09/2016, và 400 tỷ tiền gửi tại Ngân hàng Xây dựng – VNCB (CB) (Ngân hàng bị mua lại 0 đồng vào đầu năm 2015) – với khoản trích lập 102 tỷ đồng.
Đến thời điểm 30/09/2015, khoản tiền gửi có kỳ hạn bằng VNĐ này của ACB tại các TCTD khác đã giảm hơn 1,000 tỷ xuống còn 1,526 tỷ đồng với khoản trích lập dự phòng rủi ro tăng lên 176 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi tại/cho vay các TCTD khác quá hạn vẫn còn hơn 24 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ACB tính đến cuối kỳ tăng 7.5% so với đầu năm lên 192,997 tỷ đồng.
Hoàng Phương
|